Chưa ai nói tới chi phí
“Không một ai, không phải chính quyền Malaysia hay các đối tác của chúng tôi, đã nói về từng đồng chi phí" - ông Hishammuddin Hussein nói vào thứ Bảy tuần trước - "Tất cả đều đang cố tìm chiếc máy bay và nó (chuyện chi phí) đã thậm chí còn không xuất hiện trong đầu chúng tôi".
Kể từ khi MH370 mất tích trong ngày 8/3, Malaysia đã nhận được sự giúp đỡ từ hơn 20 quốc gia, gồm Việt Nam, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, New Zealand và Mỹ. Tất cả đều điều lực lượng tìm kiếm mà không động tới vấn đề chi phí. Một quan chức ngoại giao châu Âu ở Malaysia cũng nói với hãng tin AP rằng hoàn toàn không có bất kỳ cuộc bàn thảo nào về việc các nước nên giúp Malaysia trong bao lâu.
Nhưng rõ ràng cuộc tìm kiếm kéo dài càng lâu, sẽ có thêm nhiều nước phải cân nhắc lại cam kết của họ. Bộ Quốc phòng Mỹ đã để riêng ra 4 triệu USD cho hoạt động tìm kiếm, nhưng con số này sẽ cạn kiệt vào đầu tháng 4. Mỹ không nói rằng nước này sẽ cung cấp thêm bao nhiêu tiền cho hoạt động tìm kiếm nhưng tuần trước, Phó đô đốc John Kirby, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, khẳng định chính quyền Washington sẽ tiếp tục tham gia tìm kiếm chừng nào Malaysia còn cần tới sự giúp đỡ.
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masaru Sato tiết lộ Nhật đã điều 113 cá nhân và 5 máy bay, thậm chí còn nhiều hơn Mỹ, tham gia vào cuộc tìm kiếm. Tuy nhiên ông từ chối cho biết Nhật đã chi ra bao nhiêu tiền. "Chúng tôi chưa quyết định về viễn cảnh hoạt động tìm kiếm. Nhật Bản sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều nhất có thể" - ông nói.
Malaysia cũng đã triển khai 6 tàu, 3 trực thăng, 2 máy bay. Australia đóng góp 5 tàu, gồm HMAS Success, con tàu dài 157 mét có khả năng thu hồi bất kỳ mảnh vỡ lớn nào được tìm thấy. Anh điều tàu HMS Echo, chuyên tham gia hoạt động khảo sát tìm kiếm đặc biệt. Ấn Độ, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đều đã điều máy bay đi trợ giúp. Những phương tiện tìm kiếm này không hoạt động nhờ khí trời và chúng phải tham gia tìm kiếm càng lâu, chi phí sẽ càng lớn thêm.
Bài toán khó cho Australia và Trung Quốc
Có một thực tế hiển hiện là hoạt động tìm kiếm MH370 chắc chắn sẽ kéo dài rất lâu, bởi tới giờ người ta còn chưa thấy được mảnh vỡ nào của máy bay. Còn nhớ lần chuyến bay mang số hiệu AF 447 của hãng Air France lao xuống Đại Tây Dương hồi năm 2009, người ta phải mất 2 năm trời chỉ để tìm kiếm các hộp đen. Và người Pháp phải mất chừng ấy thời gian dù vượt trội hơn Malaysia về mặt kỹ thuật, có nguồn tài chính mạnh hơn và nhanh chóng tìm ra điểm rơi nghi vấn của máy bay.
Rory Medcalf, một chuyên gia an ninh châu Á ở Viện nghiên cứu Lowy đánh giá chừng nào cuộc tìm kiếm còn tập trung ở Nam Ấn Độ Dương, nơi vệ tinh đã phát hiện vài mảnh vỡ nghi vấn, Australia sẽ khó có khả năng bỏ cuộc, không cần biết thời gian dài tới đâu. “Giả dụ cuộc tìm kiếm tiếp tục ở khu vực phía Nam, đất nước cuối cùng rút đi sẽ là Australia và Trung Quốc" - ông nói.
Theo Medcalf, Australia phải dính líu vào hoạt động tìm kiếm trong thời gian dài, không chỉ bởi nước này chịu trách nhiệm tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn trong khu vực, mà còn bởi Thủ tướng Tony Abbott thông báo việc Australia có manh mối "đáng tin cậy từ ảnh vệ tinh".
Một phát ngôn viên của Bộ trưởng Giao thông vận tải Australia Warren Truss tuyên bố gần đây rằng nước này không có kế hoạch ngừng sớm hoạt động tìm kiếm. "Chúng tôi cũng chưa tính tới vấn đề chi phí" - Truss nói - "Chúng tôi có nghĩa vụ với các hành khách và phi hành đoàn cùng gia đình họ".
Binh sĩ Trung Quốc dùng ống nhòm kiểm tra vùng biển nơi MH370 có thể đã rơi xuống |
Nhưng Medcalf chỉ ra rằng Trung Quốc mới là nước phải đối mặt với nhiều áp lực nhất, bởi có tận 153 công dân đi trên chuyến bay. Vụ tìm kiếm, vì thế, đã trở thành "gương mặt chính trị" của Trung Quốc.
Đây là cơ sở để Bắc Kinh điều đi 11 tàu chiến tới hành lang phía Nam, khu vực trải rộng từ Malaysia tới Nam Ấn Độ Dương, nằm cách Perth 2.500km, hai chiếc máy bay vận tải Ilyushin IL-76 của Trung Quốc đã tới Perth vào cuối tuần trước và tham gia hoạt động tìm kiếm từ thứ Hai.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố nước này sẽ còn tìm kiếm "chừng nào vẫn còn hy vọng dù là nhỏ nhất". Nhưng trong khi Trung Quốc đang tung lực lượng hùng hậu, các chuyên gia vẫn cho rằng nước này sẽ không thể làm gì nhiều nếu chỉ có một mình.
Gary Li, một chuyên gia quân sự Trung Quốc ở IHS Maritime đánh giá Trung Quốc sẽ gặp khó khăn nếu các nước khác giảm bớt hoạt động tìm kiếm, đặc biệt là khi công cụ như máy bay đóng vai trò quan trọng hơn tàu biển.
“Họ sẽ phải dựa vào thiện chí của các nước khác" - Li nói - "Nếu Trung Quốc hành động một mình, họ sẽ chỉ có rất rất ít lựa chọn ngoài tàu biển và vệ tinh. Họ sẽ tìm kiếm với một quy mô nhỏ hẹp hơn những gì chúng ta thấy hiện nay".
Trung Quốc đã gửi máy bay giám sát Y-8 tới Malaysia để tham gia hoạt động tìm kiếm. Nhưng chiếc máy bay không có đủ tầm hoạt động để tới khu vực tìm kiếm hiện nay. Và dù Trung Quốc có thể đưa máy bay tới Perth để thực hiện tìm kiếm từ đây, nước này lại đối diện với nguy cơ lộ an ninh. “Bất kỳ chiếc máy bay Y-8 được chế tạo đặc biệt nào cũng sẽ bị các nước khác phân tích nếu nó hoạt động ở nước ngoài. Đây sẽ là thiệt hại lớn để đổi lại những kết quả thu được rất nhỏ trong hoạt động tìm kiếm và cứu hộ" - Li nói../