Doanh nghiệp ồ ạt nhập phế liệu
Những tháng đầu năm 2018, tình hình phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến và dự kiến nhu cầu tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Từ ngày 25/6 đến 29/6/2018, Bộ TN&MT đã tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong nhập khẩu phế liệu tại cảng biển TP HCM và TP Hải Phòng. Qua kiểm tra cho thấy, lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng của TP HCM.
Số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container, trong đó riêng tại cảng Cát Lái là 3.464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam, trong đó ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác.Tại các cảng của Hải Phòng, số container tồn đọng quá hạn trên 90 ngày là 737 container và 507 container có thời hạn từ 30 - 90 ngày. Tại cảng Cái Mép, mới đây đã phát hiện 100 bánh cocaine trong container phế liệu.
Ông Hoàng Văn Thức-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: “Nguyên nhân tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển là do từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế gồm 8 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 4 loại phế liệu quặng và 1 loại phế liệu giấy. Trong đó có một số mã phế liệu nhựa và giấy trùng với danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”
“Việc này đã tác động tiêu cực, dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu… sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Vì vậy, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa và giấy phế liệu”.
Hiện cả nước có 928 DN nhập khẩu phế liệu. Theo Thông tư 41/2015/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, điều kiện để DN được nhập khẩu phế liệu là phải có Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (gọi tắt là Giấy xác nhận)do Bộ TN&MT cấp cho tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Một nguyên nhân gây tồn đọng phế liệu tại các cảng là do chủ hàng hoặc DN nhập khẩu chậm trễ hoặc không đến làm thủ tục thông quan do chưa có Giấy xác nhận hoặc có Giấy xác nhận nhưng quá hạn vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu, gây tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng biển, đặc biệt là tại cảng Cát Lái TP HCM.
Mặt khác, một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu gian lận thương mại như: Giả mạo Giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của các DN khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma), chuyển địa chỉ mà không cập nhật nhưng cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định sau đó bỏ hàng (hàng vô chủ) gây tồn đọng phế liệu tại các cảng biển. Một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hoá không có phế liệu nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng hóa là phế liệu.
Tìm giải pháp
Liên quan đến việc nhập khẩu rác, các Bộ ngành đã có nhiều cuộc họp bàn. Ngày 12/7/2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Bộ ngành liên quan để bàn các giải pháp xử lý, giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với sự việc tồn đọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển và công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Giải pháp trước mắt xử lý các container phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan các cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với cơ quan môi trường rà soát các DN có hàng hóa nhập khẩu là phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang lưu giữ trên địa bàn cảng biển thuộc địa bàn quản lý; thông báo cho DN nhập khẩu khẩn trương đến làm thủ tục thông quan khi hàng về cảng và triển khai thông quan nhanh đối với các DN đã có Giấy xác nhận và đã có thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan của cơ quan quản lý môi trường.
Đồng thời khẩn trương phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu tái xuất các lô hàng vi phạm quy định; đơn giản hóa các thủ tục và sớm giao cho các cơ sở có chức năng xử lý chất thải thực hiện tiêu hủy các lô hàng phế liệu vi phạm quy định về BVMT. Bộ TN&MT rà soát và rút ngắn thời gian cấp Giấy xác nhận đối với các cơ sở sản xuất đã đáp ứng các điều kiện BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà:
“Kiên quyết không cấp phép cho doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí nhập phế liệu..”
Đối với khoảng 6.000 container phế liệu đang tồn đọng, cần khẩn trương xử lý, tái xuất hoặc tiêu hủy. Đối với nhà nhập khẩu có đầy đủ điều kiện thì nhanh chóng cho thông quan, có thể áp dụng cơ chế hậu kiểm chất lượng phế liệu nhập khẩu, thay bằng tiền kiểm như hiện nay. Đề nghị các cơ quan hữu quan có cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết số lượng hàng tồn đọng, vừa hỗ trợ cho những DN có nhu cầu thực sự, vừa xử lý nhanh chóng đảm bảo những yêu cầu về môi trường, bến bãi.
Đề nghị Bộ Công thương cấm những hàng hóa phế liệu nằm trong nhóm cấm nhập, lợi dụng cơ chế tạm nhập, tái xuất, trung chuyển phế liệu để tránh tình trạng tồn đọng tại Việt Nam. Đề nghị các Bộ Tài chính, Bộ GTVT, các Bộ, Ngành liên quan và các Hiệp hội phổ biến cho các đơn vị về việc tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra các lô hàng phế liệu được nhập vào Việt Nam. Một đơn vị hàng nhập vào phải đảm bảo được hồ sơ thông tin đầy đủ về nhà sản xuất sử dụng phế liệu, nhà nhập khẩu ủy thác, giấy phép nhập khẩu...
Những đơn vị được nhập phế liệu phải dựa trên nhu cầu thực trạng sản xuất, thể hiện được các năng lực về xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng, tài chính, năng lực trách nhiệm; đối với những tổ chức, DN không đáp ứng được sẽ dứt khoát không cấp phép cho nhập phế liệu để tránh tình trạng phế liệu “vô chủ” như hiện nay tại các cảng biển.
Đối với việc nhập ủy thác thì các nhà sản xuất có thể thông qua các DN nhập phế liệu khác thông qua các hợp đồng ủy thác, nhưng trách nhiệm chính vẫn phải là các nhà sản xuất. Đặc biệt, đối với nhà sản xuất chỉ sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sơ chế rồi xuất khẩu thì không ủng hộ. Việc nhập phế liệu về cho các nhà máy chỉ khuyến khích dùng vào việc sản xuất thương mại, sản phẩm chất lượng cao chứ không phải chỉ xử lý thô rồi tái xuất. Nếu tái xuất sản phẩm thô sẽ biến Việt Nam thành nơi tập kết rác thải.
Kiến nghị điều chỉnh danh mục 36 mã phế liệu được phép nhập khẩu
Liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/7, BộTN&MT đã cùng 6 Bộ, ngành liên quan và các Hiệp hội ngành nghề sản xuất họp bàn vấn đề ngăn chặn tình trạng nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam. Tại cuộc họp, đại diện các Bộ ngành thống nhất phương án thắt chặt, loại bỏ những loại/mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (đặc biệt là các loại phế liệu thuộc danh mục 24 loại chất thải mà Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu); loại bỏ những loại phế liệu không được hoặc ít được các DN nhập khẩu và có nguồn cung cấp ở trong nước mà Bộ TN&MT đề xuất.
Các Bộ, ngành, hiệp hội cũng thống nhất sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, rà soát, điều chỉnh danh mục 36 mã phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam, theo 4 nhóm tiêu chí, sẽ hạn chế hoặc cấm các loại phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao, phế liệu nhập khẩu đã đảm bảo đủ nguồn cung trong nước, phế liệu có nằm trong danh mục nhưng trong thời gian qua, không hoặc rất ít được các DN nhập khẩu.