Miễn đào tạo nhưng không miễn bồi dưỡng
Một vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là qui định về bồi dưỡng đối với công chứng viên (CCV). ĐB Lê Minh Trọng (Tây Ninh) nhận thấy, các đối tượng có vi phạm trong hoạt động CC phần lớn là những CCV được miễn đào tạo nên việc rà soát các đối tượng này để yêu cầu đào tạo lại mới tiếp tục cho hành nghề là cần thiết như quan điểm của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi thẩm tra dự thảo Luật này. Và để tránh tình trạng này, cần qui định cho những đối tượng được miễn đào tạo vẫn bồi dưỡng trong thời gian hợp lý để những người công tác trong lĩnh vực pháp luật khi chuyển đổi nghề nghiệp sang hoạt động CC nắm được các kỹ năng hành nghề.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu ý kiến |
Không để tổ chức hành nghề CC “mọc tràn lan”
Đó là mục tiêu của Qui hoạch tổ chức hành nghề CC mà Chính phủ đã ban hành và cũng là vấn được một số ĐBQH đề cập khi công tác xã hội hóa hoạt động CC đang được đẩy mạnh triển khai toàn diện, đầy đủ trên toàn quốc.
ĐB Nguyễn Anh Sơn kiến nghị, “dự thảo cần có những qui định đậm nét hơn, xử lý được các vấn đề phát sinh trong công tác này để giảm gánh nặng quản lý cho bộ máy nhà nước trong hoạt động CC. Đặc biệt, phải đảm bảo để Qui hoạch tổ chức hành nghề CC sẽ đặt hoạt động CC trong quản lý nhà nước, không để các văn phòng CC “mọc tràn lan”, tránh những vi phạm trong hoạt động CC do khó kiểm soát như thời gian qua”.
Quan tâm đến tính liên thông trong hoạt động CC “vì nhiều khi văn bản CC như một bản án để các bên làm căn cứ thực hiện, không cần phải nhờ đến cơ quan tài phán, nghĩa là giá trị văn bản CC tương đương như một phán quyết của nhà nước đối với một giao dịch dân sự”, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng, “dự thảo Luật cần quan tâm, thể hiện rõ hơn cơ chế đảm bảo có sự liên thông giữa các tổ chức hành nghề CC”. Đây là giải pháp để tránh tình trạng nhiều tổ chức hành nghề CC cùng CC vào nhiều hợp đồng, giao dịch liên quan đến 1 tài sản, dẫn đến tranh chấp không thể giải quyết như thời gian qua.
Thực tế đã chứng minh, việc liên thông trong hoạt động CC dẫn đến ít sai phạm như ở TP.HCM (Sở Tư pháp thành lập một đơn vị sự nghiệp chuyên cung cấp thông tin cho CCV về số phận tài sản), TP.Hải Phòng (thành lập trung tâm dữ liệu CC)… Đồng thời, ĐB Trường kiến nghị, dự thảo Luật nên có qui định cụ thể hơn nữa hướng dẫn người dân biết phải làm gì để bản chứng của mình có giá trị giao dịch toàn quốc và cả quốc tế…
Các ĐBQH cũng đã cho ý kiến về nhiều vấn đề khác trong dự thảo Luật như về tiêu chuẩn CCV, thời hạn của thẻ CCV, giá trị lời chứng của CCV trong hợp đồng CC, tổ chức xã hội nghề nghiệp của CCV, trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động CC, sự phối kết hợp giữa Bộ Tư pháp và các Bộ, ban, ngành, địa phương trong quản lý hoạt động và phát triển nghề CC...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:
“Theo Qui hoạch tổ chức hành nghề CC, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có đủ các văn phòng CC ở các tỉnh và đến năm 2020 sẽ có 1.700 tổ chức (trung bình 2,5 tổ chức/huyện). Nên những vấn đề bất cập do sự quản lý chưa chặt trong hoạt động CC theo Luật 2006 cần khắc phục đã được thể hiện trong dự thảo. Tuy còn nhiều vấn đề nhưng cùng với việc Việt Nam gia nhập Liên minh công chứng thế giới thì dự thảo Luật CC (sửa đổi) sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu để tuổi đời của Luật này có thể vượt ra khỏi giới hạn 5-7 năm”.
Lý giải về một số qui định trong dự thảo, Bộ trưởng cho biết, CC là một dịch vụ công, các CCV đều do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật nên CC không hoạt động vì lợi nhuận, không được quảng cáo. CCV là nghề rất chuyên sâu nên một số đối tượng được miễn đào tạo nhưng vẫn phải bồi dưỡng. Lý do để qui định 12 tháng đào tạo CCV là để đổi mới chương trình, không phải chỉ học lý thuyết như chương trình đào tạo luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên.…