Giải quyết tranh chấp về kỹ thuật nhưng Tòa án lại “lờ” đi các quy chuẩn kỹ thuật và phán xét bằng suy diễn chủ quan là trái pháp luật?.
Báo PLVN số ra ngày 2/8/2012 có bài phản ánh về vụ việc tranh chấp hợp đồng thương mại giữa Cty sản xuất bao bì kim loại và in trên kim loại (Cty MPPL) và Cty sơn Spanyc, trong đó cơ quan xét xử đã có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng và đã bị đại diện VKS “nhắc nhở” ngay tại phiên tòa.
Trong số những vi phạm nghiêm trọng nhất thì việc thẩm phán không có quyết định phân công giải quyết án nhưng vẫn làm chủ tọa dẫn đến những nghi ngờ về tính khách quan trong phán quyết gây tranh cãi.
Hộp sơn của Công ty Sơn Spanyc |
Trở lại nội dung vụ việc, Cty MPPL là DN 100% vốn đầu tư của Singapore, là đối tác quan trọng của nhiều DN Việt Nam có sử dụng bao bì kim loại và in trên kim loại. Trong số các khách hàng của Cty MPPL có Cty sơn Spanyc. Từ năm 2006 đến năm 2010, Cty MPPL là đối tác cung cấp hộp thiếc (hộp kim loại tráng thiếc) cho Cty sơn Spanyc, với số lượng sản phẩm rất lớn.
Tất cả các hợp đồng mà hai Cty ký kết tại các thời điểm khác nhau trong các năm từ 2006 đến hợp đồng cuối cùng ký ngày 5/9/2009 đều có nội dung như nhau. Tuy nhiên, chỉ đến hợp đồng ký ngày 5/9/2009 mới phát sinh tranh chấp do bên mua chậm trả nợ.
Khi bị kiện, Cty sơn Spanyc mới “kiện ngược” Cty MPPL về lỗi hộp thiếc “không đảm bảo chất lượng” dẫn đến sơn của Cty Spanyc bị thối và đòi Cty MPPL phải bồi thường cả hộp lẫn sơn. Tại phiên tòa, số tiền mà Cty sơn Spanyc đòi bồi thường lên đến 17,2 tỷ đồng.
Tranh cãi lớn nhất trong vụ án xoay quanh độ dày của lớp phủ thiếc của các hộp thiếc. Cty sơn Spanyc cho rằng, Cty MPPL đã vi phạm hợp đồng khi cung cấp hộp thiếc có lớp mạ thiếc quá mỏng, không như cam kết trong hợp đồng. Theo Cty này, lớp mạ thiếc quy định trong hợp đồng có độ dày từ 0,22-0,25mm còn thực tế thì lớp mạ thiếc của các hộp thiếc được giám định nhỏ hơn 1000 lần.
Ngược lại, Cty MPPL cho rằng, Cty sơn đã hiểu không đúng về hợp đồng. Thực tế, hai Cty đã ký kết và thực hiện nhiều hợp đồng và đều quy định về “độ dày của thiếc” với nghĩa là độ dày của lá tôn tráng thiếc chứ không phải là quy định về độ dày của lớp mạ thiếc.
Cty MPPL viện dẫn nhiều chứng cứ vững chắc cho cách hiểu và thực hiện hợp đồng của mình, như: các hợp đồng ký trước đó đều quy định như vậy và có thêm phần tiếng Anh, trong đó nói rất rõ “độ dày của thiếc” chính là độ dày của lá thiếc (còn gọi là lá tôn).
Hơn nữa, các tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành công nghiệp sản xuất vỏ hộp thiếc, lá tôn tráng thiếc cũng quy định rất rõ về điều này. Theo đó, đối với lớp mạ thiếc, quy chuẩn kỹ thuật để đo lớp mạ được tính bằng trọng lượng thiếc trên mét vuông tôn được tráng (g/m2), không có tiêu chuẩn kỹ thuật nào hay nhà sản xuất nào đo độ dày lớp mạ bằng thước đo độ dài (milimet hoặc micromét).
Tại phiên tòa, giám định viên của Viện khoa học hình sự cũng khẳng định điều nay. Theo đó, đối với việc mạ thiếc theo phương pháp mạ điện thì chỉ đo độ dày của thiếc bằng phương pháp đo khối lượng (g/m2). Ngay cả mạ nhúng kim loại cũng không đo độ dày bằng hệ mét.
Với những chứng cứ khá rõ như trên, việc Cty sơn Spanyc cho rằng Cty MPPL vi phạm hợp đồng về độ dày của thiếc khi không đảm bảo độ dày của lớp mạ là 0,22mm đến 0,25mm là rất vô lý, không có cơ sở khoa học cũng như thực tế. Song, không hiểu vì lý do gì mà TAND huyện Mỹ Hào lại chấp nhận lập luận này.
Tòa tuyên Cty MPPL vi phạm hợp đồng khi mạ mỏng hơn hợp đồng cả nghìn lần(?). Với phán quyết này thì không khác gì tòa "phủi bỏ" toàn bộ quy chuẩn mạ kim loại đang được áp dụng trong nước và trên toàn thế giới. Phán quyết này rõ ràng là thiếu khách quan, đi ngược lại chứng cứ khoa học được chuẩn hóa bằng quy chuẩn của ngành công nghiệp mạ.
Để làm rõ hơn vai trò chứng cứ của các quy chuẩn kỹ thuật trong việc giải quyết các vụ án, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú về vấn đề này. Thưa Luật sư, các quy chuẩn kỹ thuật có đóng vai trò là chứng cứ trong các vụ án dân sự hay không? - Theo quy định của pháp luật, chứng cứ là những gì có thật, liên quan đến vụ việc và được đương sự sử dụng để chứng minh cho yêu cầu, quan điểm của mình; được tòa án sử dụng để chứng minh tính có căn cứ hay không có căn cứ của các yêu cầu mà đương sự đưa ra. Như vậy, nếu như các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến yêu cầu, quan điểm của đương sự thì bản thân các quy chuẩn kỹ thuật đó cũng được xem là chứng cứ. Khi xét xử, Tòa án phải đánh giá chứng cứ này như thế nào trong so sánh với quan điểm, ý kiến của đương sự, thưa ông? - Các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc nguyên lý khoa học trong từng lĩnh vực có vai trò quan trọng để chứng minh sự hợp lý hoặc không hợp lý trong lời khai của đương sự. Đó chính là “thước” để đo sự đúng đắn hay không đúng đắn, khách quan hay không khách quan của lời nói hoặc hành vi của đương sự. Như vậy, các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc nguyên lý khoa học có thể không phải là chứng cứ trực tiếp để giải quyết vụ án nhưng là chứng cứ rất quan trọng để cơ quan tố tụng thẩm định, đánh giá các chứng cứ khác, đặc biệt là lời khai của các đương sự, nhân chứng. Trong quá trình giải quyết vụ án nào cũng vậy, Tòa án phải công nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc nguyên lý khoa học giống như người ta công nhận chuẩn mực của chiếc thước vậy. Như vậy, trong vụ án này, việc tòa án đánh giá về “độ dày của thiếc” không theo tiêu chuẩn kỹ thuật và nguyên lý khoa là sai, thưa ông? - Người bình thường cũng có thể nhận thấy sự vô lý của lập luận cho rằng, lớp mạ dày 0,22mm đến 0,25mm vì độ dày này bằng độ dày của lớp tôn đã được mạ. Sự vô lý này nằm trong cả nguyên lý kỹ thuật và vấn đề kinh tế. Đối với kỹ thuật mạ, tiêu chuẩn kỹ thuật còn chứa đựng trong nó sáng chế và công nghệ sản xuất hàng hóa nên không ai làm cái điều không tưởng là “mạ” lớp mạ dày bằng lớp chất liệu được mạ. Các nhà sản xuất đều phải là theo quy chuẩn kỹ thuật do Nhà nước ban hành để đảm bảo tính chất kỹ thuật của sản phẩm và cả giá thành. Nếu mạ dày như cách hiểu của tòa án thì làm ra sản phẩm không những rất tốn kém mà sản phẩm đó chưa chắc sử dụng được. Với các chứng cứ là nguyên lý khoa học, tiêu chuẩn kỹ thuật như vậy, hoàn toàn có thể hiểu trong vụ án này, đương sự nào nói đúng, đương sự nào nói sai. Nếu cố tình suy diễn trái với tiêu chuẩn kỹ thuật thì rõ ràng là đánh giá, xem xét chứng cứ không đúng và kết quả xét xử sẽ là không đúng. Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh