Điều gì dẫn đến điều này, là do các cuộc thi nhan sắc vẫn mập mờ trong tiêu chí thẩm mỹ hay khâu kiểm tra thí sinh trước khi được công nhận quá sơ sài để phải khi bị tố thì Ban tổ chức mới cuống cuồng tìm lí do để “tước” đi thành quả sau bao nhiêu nỗ lực của họ?
Để mặc thí sinh nỗ lực rồi chối bỏ
Ban tổ chức mỗi cuộc thi nhan sắc luôn đặt đầu tiêu chí vẻ đẹp tự nhiên và coi đó là khâu quan trọng nhất trong quá trình kiểm duyệt. Ấy thế nhưng chuyện thẩm mỹ vẫn luôn là câu chuyện dậy sóng và diễn ra ở các cuộc thi sắc đẹp. Hoa hậu Việt Nam 2016 đã có một thí sinh buộc phải dừng cuộc thi vì sức ép “tố” không đạt vẻ đẹp tự nhiên.
Hay chuyện kiện tụng của Nguyễn Thị Thành với Ban tổ chức sau đó cô buộc phải dừng chân trước thềm chung kết trong sự tiếc nuối của Ban giám khảo. Và mới đây nhất cũng xung quanh chuyện làm răng cô lại tiếp tục bị tước danh hiệu Á hậu 1 cuộc thi Hoa khôi Du lịch chỉ ngay sau một ngày đăng quang.
Câu chuyện này những ngày qua đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ vô cùng lớn trong dư luận. Sở dĩ, nếu đúng như những gì Ban tổ chức mỗi cuộc thi cam kết là sẽ kiểm tra gắt gao, mời chuyên gia quốc tế về kiểm định “chất lượng đẹp tự nhiên” của thí sinh thì đã không thể để đến phần “hạ màn” mới phát hiện ra và tố ngược lại nhau như vậy. Một lần, hai lần có thể đổ lỗi do sơ suất nhưng nếu năm nào, cuộc thi nào cũng lùm xùm quanh chuyện thẩm mỹ thì đấy là chuyện không chuyên nghiệp trong phong cách làm việc.
Nhiều người cho rằng việc Ban tổ chức không gắt gao ngay từ đầu làm mất công thí sinh phải cố gắng nỗ lực một thời gian dài để rồi khi gần chạm đến đỉnh vinh quang thì lại “chối bỏ họ”. Tệ hơn là thi rồi, đăng quang rồi thì lại quay ra tước vương miện vì lúc đó Ban tổ chức mới phát hiện thí sinh làm răng?!.
Cũng có nhiều người cho rằng Hoa hậu Việt Nam còn có thể chấp nhận được nhưng chỉ một cuộc thi Hoa khôi Du lịch thì việc tước vương miện của một thí sinh chỉ vì làm răng là… hơi quá. Bằng chứng là Tiến sĩ Amal Rezk – Chủ tịch tổ chức “Hoa hậu Du lịch sinh thái quốc tế” (cuộc thi mà Á khôi 1 “Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017” sẽ giành vé đại diện nhan sắc Việt tham dự) cũng bày tỏ sự ngạc nhiên và chia sẻ quan điểm không đồng tình với quyết định này của phía Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Cụ thể, Tiến sĩ Amal Rezk khẳng định, Ban tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Du lịch sinh thái quốc tế” không đưa ra quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ mà nếu xét theo tiêu chí này thì Nguyễn Thị Thành không vi phạm bất cứ điều khoản nào, vì vậy những gì đang diễn ra với “8 chiếc răng sứ” của Nguyễn Thị Thành là điều vô cùng đáng tiếc.
Mù mờ “vẻ đẹp tự nhiên”
Theo bác sỹ Phạm Văn Thắng - Phòng khám nha khoa Việt - Pháp thì thẩm mỹ răng không phải là phẫu thuật thẩm mỹ. Làm đẹp răng và phẫu thuật thẩm mỹ là hai vấn đề không giống nhau. Ví như họ bọc sứ răng thực chất chỉ là kỹ thuật phục hình thẩm mỹ bảo tồn răng thật chứ không chỉnh sửa nhan sắc hay can thiệp vào vẻ đẹp tự nhiên, cũng không thể gọi phẫu thuật thẩm mỹ bởi đó là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Liên quan đến việc tại sao không loại thí sinh Nguyễn Thị Thành ngay từ vòng sơ loại vì chuyện răng, bà Mỹ Dung - Trưởng ban tổ chức Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 trả lời báo chí: “Trước khi tiếp nhận Nguyễn Thị Thành, chúng tôi có tham khảo ý kiến nhiều bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ răng và nghĩ thí sinh không vi phạm luật. Trong Nghị định 79 cũng chỉ quy định: “Thí sinh thi người đẹp phải có vẻ đẹp tự nhiên”. Đây là điều từng gây tranh cãi rất nhiều.
Tôi cũng không nghĩ vấn đề liên quan đến nha khoa lại rắc rối ở cuộc thi lần này. Sau sự việc này, chúng tôi cũng thiết tha đề xuất các cơ quan chức năng nên cụ thể hơn về những quy định liên quan đến vẻ đẹp tự nhiên. Đặc biệt những mục liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ để người đẹp cùng ban tổ chức các cuộc thi nhan sắc nắm rõ, không còn lúng túng”.
Trước vấn đề lùm xùm tiêu chí thẩm mỹ các cuộc thi nhan sắc mấy ngày qua, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn trả lời báo chí rằng: “Nghị định tới có thể sửa đổi quy định về vẻ đẹp tự nhiên vì nhiều người ý kiến việc chỉnh sửa răng nhưng cũng phải xem xét cụ thể và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan”.
Ở các nước phát triển, việc thẩm mỹ răng là chuyện bình thường. Hiện nay phần lớn các cuộc thi quốc tế đều chấp nhận thẩm mỹ, nhất là răng thì tại sao chúng ta cấm? Đó là câu hỏi được quan tâm rất nhiều hiện nay. Chính vì lẽ đó mà trong thời gian tới chúng ta có quyền hi vọng các cơ quan liên quan sẽ chú ý đến và linh động hơn để phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp trong kỉ nguyên mới, thông qua đó sẽ có nhiều người có được cơ hội chạm tay đến các cuộc thi sắc đẹp hơn trong thời gian tới.