“Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…” |
Ít người biết rằng, tháng 10/1954 Thủ đô Hà Nội đón những đoàn quân về tiếp quản, nhưng bài hát “Tiến về Hà Nội” đã ra đời trước đó đúng 5 năm - tháng 10/1949. Ngạc nhiên hơn, những hình ảnh trong ca từ của “Tiến về Hà Nội” do cố nhạc sĩ Văn Cao vẽ nên trùng khớp với hình ảnh trong ngày giải phóng Thủ đô 5 năm sau. “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.
Những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội. Đặc biệt hơn, các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành, tương tự như lời bài hát nhạc sĩ hình dung. Đó chính là linh cảm, là tài năng của cố nhạc sĩ Văn Cao mà chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nhận xét: “Trong âm nhạc, Văn Cao như một ông hoàng”.
Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao - kể: Vào thời điểm năm 1949, cố nhạc sĩ Văn Cao đang công tác ở Việt Bắc thì được Trung ương triệu tập đến dự buổi họp về tình hình chiến sự, chủ trương chuẩn bị tổng phản công. Giới văn nghệ sĩ được giao nhiệm vụ có những sáng tác phục vụ cho kháng chiến, chuẩn bị cho cuộc Tổng phản công.
Sau đó, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi và họa sĩ Tô Ngọc Vân được phân công về khu 3 tiếp tục công tác và phổ biến chủ trương của Trung ương. Khi đó, khu vực chợ Đại tại huyện Ứng Hòa, Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội, là nơi tập trung giới văn nghệ sĩ khu 3. Tại đây, nhạc sĩ Văn Cao tiếp tục làm ở báo Văn nghệ cùng với các anh chị em văn nghệ sĩ với tinh thần hăng say, mong ngày chiến thắng để trở về Hà Nội.
Với tâm nguyện của một nhạc sĩ luôn hướng về cách mạng, hết lòng phục vụ kháng chiến, cố nhạc sĩ Văn Cao ấp ủ ý tưởng viết những dòng nhạc hay nhất cho cuộc Tổng phản công. Trong một đêm mùa thu ở làng Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, cố nhạc sỹ Văn Cao đã cảm hứng sáng tác bài “Tiến về Hà Nội” với những lạc quan, tin tưởng ngày giải phóng Thủ đô sẽ đến rất gần. Ca khúc tràn ngập khí thế chiến thắng, vẽ nên một bức tranh hào hùng trong ngày giải phóng Thủ đô. Bài hát ngay lập tức được giới văn nghệ sĩ đánh giá cao và được đông đảo người dân hưởng ứng, truyền nhau hát.
Tại Thái Bình, đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng bài “Tiến về Hà Nội” phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương, vì thế bài hát lan nhanh khắp nơi nhưng cũng ngay sau đó, ca khúc bị cất đi do quan điểm được cho là chưa hợp với thời cuộc lúc bấy giờ.
Mãi tới ngày giải phóng Thủ đô, “Tiến về Hà Nội” mới được khơi dậy và vang lên khắp nơi. Tuy vậy, chính trong ngày đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội, tác giả của ca khúc bất hủ đó lại không có mặt ở Thủ đô để chứng kiến giờ phút thiêng liêng này - giờ phút mà tròn 5 năm trước, nhạc sĩ đã linh cảm và vẽ nên. Khi đó, Văn Cao theo phái đoàn văn hóa cứu quốc đầu tiên do ông Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn sang thăm Liên Xô và Trung Quốc.
Đến nay, hầu như chưa một ca khúc nào viết về ngày giải phóng Thủ đô vượt qua được “Tiến về Hà Nội”…