Mở rộng thí điểm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân
Báo cáo kết quả công tác chủ yếu quý II và 6 tháng đầu năm 2016, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Nổi bật là đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản ngay từ đầu năm; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính; tỷ lệ giải quyết xong tăng cả về việc và tiền trong công tác thi hành án dân sự; tiếp tục thực hiện thường xuyên, đúng quy định công tác tiếp công dân…
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp triển khai thí điểm phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Đến ngày 5/7/2016, Hệ thống thực hiện đăng ký khai sinh cho 149.831 và cấp số định danh cho cá nhân 130.487 trường hợp đăng ký khai sinh mới…
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng cho biết, cùng với theo dõi, đôn đốc, thường xuyên kiểm tra các bộ, ngành trong việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết thì trong 6 tháng cuối năm 2016, Bộ sẽ tập trung xây dựng Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), phối hợp hoàn thiện dự án Luật Đấu giá tài sản, nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án Luật Đăng ký tài sản.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện quyết liệt Luật Hộ tịch, trong đó mở rộng thí điểm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân nhằm cung cấp kịp thời, chính xác thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai xây dựng dự án khả thi Cơ sở dữ liệu điện tử toàn quốc, gắn với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân…
Thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc Bộ luật Hình sự lùi thời hạn thi hành
Tại buổi họp báo, rất nhiều câu hỏi về các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp được các phóng viên nêu ra và nhận được giải đáp từ Người phát ngôn của Bộ Tư pháp, từ đại diện các đơn vị thuộc Bộ. Trả lời về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc phải lùi thời hạn thi hành Bộ luật Hình sự, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định, Bộ luật Hình sự năm 2015 được xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự, Bộ đang phối hợp với cơ quan của Quốc hội để lên kế hoạch. Vấn đề trách nhiệm cũng sẽ theo quy trình, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp có phần trách nhiệm. Tuy nhiên, “việc xử lý trách nhiệm như thế nào, quy trách nhiệm cho ai thì Bộ Tư pháp đang chờ chỉ đạo của cơ quan cấp trên” – Thứ trưởng Dũng nói.
Đồng thời, một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với TANDTC ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc hội. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa, qua rà soát, có rất nhiều điều có lợi như giảm tội danh áp dụng hình phạt tử hình, tội danh áp dụng hình phạt tù giảm nhẹ… của Bộ luật Hình sự sẽ được áp dụng nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Liên quan đến thẩm định chùm 50 nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú khẳng định, Bộ Tư pháp đã làm đúng, đầy đủ trách nhiệm, không lơ là về chất lượng văn bản mặc dù thời gian tương đối ngắn.