Theo ghi nhận, các diện tích lúa non bán cho thương lái tại xã Đại Hòa Lộc (Bình Đại). Sau khi cắt bán hết bông lúa non trên ruộng, hiện cây lúa tiếp tục cho bông mới (dân địa phương gọi là bông chét), sắp thu hoạch đợt hai.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, người vừa bán 2.300 m2 lúa non cho biết, đây là diện tích lúa mùa mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ. Những năm trước ông đều đợi lúa chín rồi mới thu hoạch như các đám ruộng khác. Vụ năm nay, khoảng một tháng trước, khi lúa vừa trổ bông, một người đàn ông đang tạm trú trên địa bàn đến ruộng ông đặt vấn đề mua bông lúa non.
Ruộng lúa lên bông trở lại sau khi ôngTuấn bán bông lúa non. Ảnh: Hoàng Nam. |
"Tôi chỉ biết mặt chứ không biết tên, vì ông này ở TP HCM nhưng tạm trú ở đây lâu ngày rồi nên mới quen", ông Tuấn nói và cho biết, do người này nói có giấy tờ chứng nhận mua lúa làm thuốc nên ông mới đồng ý bán.
Sau khi thống nhất giá 10.000 đồng mỗi kg, người đàn ông nói trên cho hai nhân công đến cắt bông lúa non rồi chở về TP HCM.
Ông Tuấn cho biết đã bán tổng cộng 500 kg bông lúa non, được 5 triệu đồng. "Thực tế nếu để lúa chín bán thì cũng lãi được số tiền tương tự, nhưng tiện hơn ở chỗ là mình đỡ phải tốn thêm chi phí công cắt", ông nói.
Ông Phan Tấn Đạt, Phó chủ tịch xã Đại Hòa Lộc thông tin, ngoài ông Tuấn, trên địa bàn xã còn hộ ông Lê Quốc Dũng cũng bán diện tích 4.000 m2 với khoảng một tấn lúa non cho thương lái với giá tương tự.
"Người đàn ông 60 tuổi, tên Dương Văn Ba, tạm trú khoảng một năm nay trên địa bàn xã. Ngoài bông lúa non, ông Ba còn ngỏ ý mua luôn gốc rạ của người dân nói để làm thuốc nam", ông Đạt cho biết.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, ông Ba không có mặt tại địa phương, căn nhà mà ông hay tạm trú cũng thường xuyên khóa trái cửa.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn La, Trưởng phòng Nông nghiệp Bình Đại thông tin, địa phương có khoảng 1.500 ha diện tích lúa mùa cùng 3.000 ha cây ăn trái. Những năm trước, một số thương lái cũng đến địa phương mua lá mãng cầu để làm thuốc, riêng việc mua bông lúa non chưa từng phát hiện từ trước đến nay.
"Chúng tôi đang phối hợp các cơ quan chức năng xác minh mục đích mua bông lúa non của thương lái, đồng thời khuyến cáo người dân cân nhắc, không vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến sản xuất về lâu dài", ông La cho biết.
Bác sĩ Phạm Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Đông y Bến Tre nhận định, trong sách vở từ trước đến nay chỉ ghi nhận bông lúa mạch được dùng bào chế thuốc trị bệnh.
"Riêng bông lúa non, gốc rạ được thương lái mua như phản ánh tôi chưa từng nghe có thể làm vị thuốc trị bệnh. Còn họ mua để làm gì thì cần phải làm rõ", ông Hạnh nói.
Tại các tỉnh miền Tây, tình trạng thương lái mua các nông sản "lạ" không phải mới xảy ra. Hai tháng trước, nhiều thương lái ồ ạt đến Cà Mau tận thu đọt, nhánh, lá nhàu xuất đi nước ngoài. Những năm trước, tại một số địa phương khác, thương lái cũng lùng mua lá mãng cầu, rễ tiêu, cau non.