Thuốc bổ “giết” người

Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội vừa tiếp nhận hai cháu bé bị ngộ độc nặng do uống phải "thuốc bổ" mua ngoài chợ có chứa chì. Trước đó, một bé trai là em của hai bệnh nhi này tử vong do cùng uống loại "thuốc" trên.
 

Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho hay, bệnh viện vừa tiếp nhận hai cháu bé bị ngộ độc nặng do uống phải thuốc bổ mua ngoài chợ có chứa chì.

Trước đó, chị Nguyễn T.T. (ở Hải Hậu, Nam Định) đã tự mua thuốc bổ viên hình tròn, màu cam ở chợ gần nhà. Thấy các con uống thuốc rồi ăn được nhiều hơn nên chị T. mua thêm thuốc. Khoảng 1 tuần sau, các cháu bắt đầu kêu đau bụng. Đầu tiên là cậu con trai út mới 4 tuổi, sau đến cô con gái 11 tuổi và em trai 9 tuổi. Thấy vậy, gia đình đưa các cháu đi khám.

Qua chẩn đoán, các bác sỹ nghi ngờ các cháu bị ngộ ngộ độc và đã chuyển cả 3 chị em lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Do tình trạng ngộ độc quá nặng, đến đêm 19/11, cháu bé nhỏ tuổi nhất tử vong. Hai cháu còn lại được chuyển tiếp sang Trung tâm chống độc, rồi sang Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) trong đêm 20/11.

Bác sỹ Dũng cho hay, lúc nhập viện cả hai cháu bé nói trên bé có biểu hiện ngộ độc chì rất nặng, xét nghiệm cho thấy nồng độ chì trong máu rất cao. Đặc biệt tình trạng của bé gái rất nguy kịch, các đánh giá cho thấy cháu bị tổn thương não, thận, hệ tiết niệu. Khi tỉnh táo cháu bé la hét liên tục, kích thích vật vã, đau bụng, đi tiểu tiện ra máu... Bác sỹ Dũng nhận định có thể cháu bé còn bị ngộ độc Asen. Tình trạng cậu em trai có nhẹ hơn nhưng sẽ phải lọc máu và điều trị kéo dài.

Theo bác sỹ Dũng, gần đây Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc chì. Trẻ ngộ độc chì thường có biểu hiện đau bụng, nôn nhiều, sốc, co giật... Những trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc chì cấp nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Còn đối với các trường hợp là trẻ nhỏ bị nhiễm độc chì mãn tính nếu cứu chữa được có thể sẽ ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ sau này của trẻ.

Tiến sỹ Dũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên thận trọng khi cho con dùng các loại thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc để kích thích ăn uống cho con cũng như trị tưa lưỡi ở trẻ nhỏ. Bởi những loại thuốc không rõ nguồn gốc này có chứa các độc tố như chì và Asen rất độc cho cơ thể.

T.G
 

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.