Thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26: Xu hướng điện khí LNG vì sao khó có thể "bùng nổ"?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về lộ trình cắt bỏ nhiệt điện than, thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Trong đó, việc phát triển nhiệt điện khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) được kỳ vọng sẽ giúp ngành điện giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than vốn đang chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.
Dự án Kho chứa LNG 1MMTPA Thị Vải (1 triệu tấn LNG/năm) trong quá trình xây dựng. Ảnh: PV GAS

Dự án Kho chứa LNG 1MMTPA Thị Vải (1 triệu tấn LNG/năm) trong quá trình xây dựng. Ảnh: PV GAS

Nỗ lực xoá bỏ than

Tháng 2/2020, Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách cấp cao nhất của Việt Nam, đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu “đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045”.

Chính vì thế, từ năm 2020, số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực nhiệt điện khí sử dụng LNG tại Việt Nam đã tăng mạnh. Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những thị trường nhập khẩu khí LNG hứa hẹn nhất ở châu Á, theo báo cáo của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) công bố vào tháng 1/2021.

Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (ĐL&NLTT), Bộ Công thương, nhận định: “Xu hướng chuyển dịch sang nhiệt điện khí LNG trong bối cảnh Việt Nam có nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế và vừa có các cam kết rất mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 là tất yếu và không thể đảo ngược”.

Theo đánh giá của Cục ĐL&NLTT, điện khí sử dụng LNG có ưu điểm trong việc giảm phát thải khí carbon (CO2) và nitơ oxit (NOx) so với các nhà máy nhiệt điện than và dầu; ước tính giảm khoảng 40% khí CO2 và khoảng 90% khí NOx ra môi trường. Quá trình đốt cháy khí tự nhiên không thải ra muội than, bụi hoặc khói. Do đó, nhiệt điện khí LNG hoàn toàn có khả năng thay thế các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai.

Chia sẻ với kỳ vọng này, PetroVietnam GAS (PV GAS), đơn vị tiên phong vận hành kho cảng LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến vào Quý 4/2022, đánh giá "LNG là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất", bên cạnh đó "so với than nhiệt, LNG ‘xanh hơn’ vì ít phát thải hơn mà vẫn tạo ra nhiều điện năng hơn".

Trong Quý 4/2022, Chi nhánh Kinh doanh LNG (PV GAS LNG) bắt đầu giai đoạn chạy thử Dự án Kho chứa LNG Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) – đây sẽ là kho cảng LNG đầu tiên được đưa vào vận hành tại Việt Nam.

Theo PV GAS, kho cảng LNG Thị Vải sẽ là mắt xích quan trọng trong việc cung cấp khí tái hóa cho các hộ tiêu thụ khí, trong đó có chuỗi nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4, góp phần đảm bảo cho nhu cầu về khí cũng như điện cho các khu công nghiệp tại khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Các số liệu đang cho thấy có một sự chuyển dịch sang nhiệt điện khí LNG nhằm giảm sự phụ thuộc vào điện than. Báo cáo mới nhất của Trung tâm Năng lượng, Sinh thái và Phát triển (CEED - trụ sở tại Phillipines), đã chỉ ra, với xu hướng mở rộng các cảng nhập khẩu LNG, Việt Nam sẽ chỉ đứng sau Thái Lan – quốc gia hiện đang có khả năng nhập khẩu LNG cao nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong hai quốc gia đang triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện khí lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Các nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Tập đoàn Dầu Khí Millennium (Hoa Kỳ), Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Trường Thành với công suất dự kiến lần lượt là 9,6 GW; 6,17 GW; 4,05 GW và 4,5 GW. Mặt khác, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đang đề xuất xây dựng thêm 5 nhà máy nhiệt điện khí mới tại Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là liệu chuyển dịch điện khí LNG thực sự sẽ trở thành một xu hướng “bùng nổ” tại Việt Nam giống như điện năng lượng tái tạo?

Còn nhiều thách thức

Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), nhiệt điện khí LNG sẽ chiếm gần 17% trong tổng công suất các nguồn điện vào năm 2030, tương đương 23.900 MW.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng Cục ĐL&NLTT vẫn đánh giá “khả năng bùng nổ của các dự án điện LNG giống như các dự án điện mặt trời và điện gió khó xảy ra” bởi nhiều lý do.

Trước hết, về lâu dài năng lượng tái tạo vẫn có nhiều ưu điểm hơn đối với môi trường, đơn cử như không phát thải khí CO2, là nguồn năng lượng nội địa, trong khi điện khí LNG vẫn tạo ra khí nhà kính ra môi trường.

Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, ông Gerry Arances – Giám đốc Điều hành CEED, bày tỏ lo ngại rằng, khi chuyển từ than sang khí LNG, Việt Nam có thể đối mặt với một nguồn năng lượng "đáng lo ngại khác".

"Khí đốt ít phát thải CO2 hơn than, nhưng phát thải ra khí mêtan trong suốt vòng đời của nó - một loại khí nhà kính khác có khả năng giữ nhiệt gấp hơn 80 lần so với khí carbon", ông Gerry giải thích.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất là Việt Nam không chủ động được nguồn cung cấp LNG mà hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này từ nước ngoài. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới thay đổi khó lường, giá nhiên liệu LNG có thể biến động thất thường.

Trong một báo cáo mới của IEEFA, giá khí LNG nhập khẩu hai năm nay tăng cao khiến cho giá bán điện dự tính từ nhà máy điện dùng LNG tăng cao, bởi tác động từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Theo đánh giá của PV GAS, Việt Nam gia nhập thị trường LNG với tâm thế là một “người chơi rất mới” (very new player) trong khi thị trường này đã phát triển được hơn 50 năm. Việc nhập khẩu khí LNG tại Việt Nam hiện nay đều hoàn toàn tuân thủ theo thông lệ mua bán LNG quốc tế. Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển thị trường LNG vẫn chưa hoàn thiện. Đơn cử, PV GAS chỉ ra Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở nhập khẩu LNG.

So sánh tại Hoa Kỳ, Hiệp hội Phòng cháy Chữa cháy Quốc gia ban hành Tiêu chuẩn về Sản xuất, Lưu trữ và Xử lý Khí tự nhiên Hóa lỏng (NFPA 59A), trong đó chỉ rõ các yêu cầu về đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an toàn và các yêu cầu liên quan đối với vị trí, thiết kế, xây dựng, an ninh, vận hành và bảo trì các kho cảng, nhà máy LNG.

Còn tại Việt Nam, việc phát triển các dự án LNG vẫn phải tuân thủ các quy trình đầu tư thông thường theo Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các quy định pháp luật liên quan khác, chưa có cơ chế riêng cho mô hình này.

"Việc thiếu khung chính sách liên quan đến LNG ở Việt Nam hiện là một lý do khiến việc mở rộng nhanh chóng trở nên đáng lo ngại hơn, khi không có đầy đủ biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc tăng giá, cũng như biện pháp điều chỉnh mức độ phát thải ra môi trường, giám sát các tác động khác và ràng buộc trách nhiệm của các bên", ông Gerry nhận định thêm.

Theo cam kết COP26, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh quá trình giảm phụ thuộc vào than. Ảnh: Pexels

Theo cam kết COP26, Việt Nam buộc phải đẩy nhanh quá trình giảm phụ thuộc vào than. Ảnh: Pexels

Về vấn đề chính sách, Cục ĐL&NLTT cho biết, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cơ chế để thúc đẩy phát triển các dự án LNG. Sau khi Quy hoạch điện VIII đã được Hội đồng thẩm định thông qua vào tháng 4, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét và giải trình thêm các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời và điện LNG trước khi phê duyệt. Đây là văn bản quan trọng để ban hành các cơ chế nhằm đáp ứng định hướng điện tại Việt Nam trong thời gian tới.

Có thể thấy, những vấn đề nêu trên không thể giải quyết chỉ trong “một sớm một chiều”. Trong khi với cam kết COP26 đầy tham vọng, Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn quá trình giảm năng lượng than. Mặc dù điện khí LNG khó thể “bùng nổ” như điện năng lượng tái tạo, nhưng có thể hiểu rằng, chính phủ kỳ vọng nguồn điện LNG sẽ là một giải pháp bổ sung nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch để xây dựng một nền kinh tế carbon thấp.

Đọc thêm

Hành động vì khí hậu sau COP29: Hành trình mới và cam kết mạnh mẽ

COP29 đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc thông qua khuôn khổ thị trường carbon toàn cầu. (Ảnh: UNFCCC)
(PLVN) - Hội nghị lần thứ 29 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan) đã đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc thông qua Khuôn khổ thị trường carbon toàn cầu. Đây được coi là một thành tựu đáng kể, mở ra cơ hội cho việc giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả hơn về mặt chi phí. Tuy nhiên, bên cạnh những hứa hẹn, thị trường carbon toàn cầu cũng đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết để bảo đảm tính hiệu quả và công bằng.

Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên Huế

Dự án phục hồi tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản được thực hiện trên vùng biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Thùy Nhung)
(PLVN) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản ngoài vùng biển Thừa Thiên Huế; do một số khó khăn trong công tác xây dựng định mức và tình hình thời tiết tại địa phương.

Bão số 9 suy yếu dần, miền Bắc chuyển lạnh

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, cơn bão số 9 đang có xu hướng suy yếu dần. Trên đất liền, do tác động của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ đêm và sáng mai trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét...

Bão giật cấp 14 đổ bộ biển Đông

Dự báo vị trí,m hướng di chuyển của bão số 9. Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia
(PLVN) - 7h hôm nay 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, khu vực vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Trên đất liền, khoảng chiều tối và đêm nay, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở khu Đông Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng các nơi khác...

Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030

 Toàn cảnh Hội nghị.
(PLVN) -  Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân.