Các quốc gia đã và đang làm gì sau cam kết tại COP26?

Tất cả các quốc gia phải tuân thủ thực hiện cam kết mới có thể đẩy lùi biến đổi khí hậu.
Tất cả các quốc gia phải tuân thủ thực hiện cam kết mới có thể đẩy lùi biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đại dịch, chiến tranh và bất ổn kinh tế - chính trị là những nguyên nhân khiến các quốc gia trên thế giới xao nhãng việc thực hiện các hành động vì khí hậu. “Chúng ta chỉ có thể đẩy lùi cuộc khủng hoảng khí hậu nếu tất cả quốc gia thực hiện đúng những cam kết mà họ đặt ra”, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch COP26 Alok Sharma nhận định.

Cam kết vẫn còn… trên giấy?

Tháng 11/2021, các nhà lãnh đạo từ gần 200 quốc gia đã cam kết phải hành động nhiều hơn và thúc đẩy nhanh hơn cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Thừa nhận rằng thế giới vẫn hành động quá chậm sau Thỏa thuận Paris 2015, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ “xem xét lại và củng cố” các mục tiêu khí hậu của họ trong vòng khoảng một năm. Họ đã cùng tạo ra Thỏa thuận khí hậu Glasgow để tăng cường việc đẩy lùi nạn phá rừng và cắt giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí mê-tan. Các quốc gia giàu có đã đồng ý đầu tư nhiều hơn để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương bởi khí hậu cực đoan tăng cường khả năng thích ứng.

Nhưng đến nay, sau gần 6 tháng Hội nghị COP26 kết thúc, hầu như vẫn chưa có quốc gia lớn nào đưa ra những kế hoạch khí hậu toàn diện và táo bạo hơn như cam kết của họ, theo nhận định của nhà báo Brady Dennis của tờ The Washington Post (Hoa Kỳ).

Niklas Höhne, nhà khí hậu học người Đức, người sáng lập Công cụ theo dõi hành động khí hậu (Climate Action Tracker) nhằm theo dõi các cam kết và chính sách của các quốc gia cho biết: “Những gì chúng tôi có thể thấy được đến nay là rất ít, tôi không thấy nhiều hành động mạnh mẽ từ các quốc gia”.

Ông John F. Kerry, đặc phái viên quốc tế về khí hậu của Tổng thống Biden, cũng đồng tình với nhận định này. Ông đã đi khắp thế giới để thúc đẩy các hành động cụ thể vì khí hậu. Ngay cả khi Nhà Trắng đang tranh luận để ban hành chương trình ứng phó khí hậu ở Hoa Kỳ, ông Kerry cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post: “Tôi chưa thấy bằng chứng cho thấy các quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới bắt đầu cập nhật các cam kết mới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của Liên Hợp quốc vào mùa thu năm nay ở Ai Cập”. Ông cũng cho rằng, hiện đang có một khoảng cách lớn giữa lời cam kết và hành động, các nước lớn chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ bắt đầu cắt giảm lượng khí thải nhà kính đủ đáng kể để ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C.

Hiện tại đang có những cuộc khủng hoảng khác gây xao nhãng đối với các nhà lãnh đạo toàn cầu; từ đại dịch COVID-19, tình trạng lạm phát khiến chi phí năng lượng gia tăng, đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, khủng hoảng kinh tế - chính trị ở nhiều nước,… Thực tế đó đã phần nào tác động đến các đất nước phát thải lớn nhất hành tinh khó thể sớm ban hành các chính sách thân thiện với khí hậu hơn trong vòng một năm sau Hội nghị COP26.

Đơn cử, Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới cho đến nay đã cam kết sẽ chuyển dịch sang một nền kinh tế xanh và ít phát thải hơn vào trước năm 2030. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu điện và lo ngại mất an ninh năng lượng, giới chức Trung Quốc đã ban hành kế hoạch chi tiết trong năm nay nhằm thúc đẩy sản xuất than – nguồn năng lượng chính của nước này. Bên cạnh đó, Ấn Độ - quốc gia đã công bố mục tiêu xây dựng 500 gigawatt năng lượng tái tạo tới năm 2030, mới đây đã đẩy mạnh sản xuất điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở nước này. Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo ở châu Âu và Hoa Kỳ gần đây đã thúc đẩy các biện pháp ngắn hạn để cắt giảm giá nhiên liệu, tăng cường nguồn cung dầu và khí đốt – một động thái hoàn toàn mâu thuẫn với tham vọng khí hậu của họ.

“Chúng ta đã thực sự không còn thời gian để trì hoãn”, đó là cảnh báo của Tổng Tthư ký Liên Hợp quốc António Guterres. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cũng đã đưa ra nhiều báo cáo chi tiết cho thấy diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. Ông Guterres cũng nhấn mạnh phải có hành động kịp thời và mạnh mẽ để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Mới đây, ông đã cáo buộc các chính phủ và doanh nghiệp về “những cam kết trống rỗng sẽ đẩy thế giới đến bờ vực không thể sống được”.

Thỏa thuận Glasgow được gần 200 quốc gia kí kết năm 2021. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận Glasgow được gần 200 quốc gia kí kết năm 2021. Ảnh: Reuters

Tất cả các quốc gia đều phải hành động

Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp như hiện tại, hoàn toàn có thể hiểu được khi các nhà lãnh đạo trên thế giới phải ưu tiên chú ý đến những vấn đề cấp bách như khủng hoảng kinh tế thế giới, chiến tranh, đại dịch,… hơn việc thực hiện cam kết với khí hậu, theo nhận định của bà Rachel Kyte, Hiệu trưởng Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (bang Massachusetts, Hoa Kỳ). Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu tích cực. Đơn cử trong cuộc bầu cử tại Pháp vào tháng 4/2022, Tổng thống Emmanuel Macron “đã không bỏ qua các cam kết khí hậu” khi nhấn mạnh sẽ thúc đẩy xu hướng chuyển đổi giảm phát thải khí carbon tại đất nước này. Cùng với đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gần đây đã đề xuất rằng quốc gia này sẽ chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên vào năm 2030.

Câu hỏi lớn nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới sau Hội nghị COP26 chính là liệu họ có thể biến những lời hứa của họ tại Glasgow thành các chính sách cụ thể tại nước nhà hay không. Như bà Kyte chỉ ra “năm 2021 là về tham vọng còn năm 2022 là về việc triển khai và xây dựng niềm tin rằng chúng ta có thể làm được những gì chúng ta đã nói”.

Đây cũng chính là nghi vấn lớn của rất nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động khí hậu với Chính phủ Hoa Kỳ hiện nay. Năm ngoái, Tổng thống Biden đã cam kết sẽ cắt giảm ít nhất một nửa lượng khí thải carbon ở nước này vào năm 2030. Tuy nhiên, đến nay, Quốc hội vẫn đang tranh luận gay gắt về việc có nên phục hồi các điều khoản về khí hậu cũng như gói tài chính 2 nghìn tỷ USD trong Đạo luật Build Back Better Act (tạm dịch: Đạo luật Xây dựng lại tốt hơn). Theo bà Laurence Tubiana, người đứng đầu Tổ chức Khí hậu châu Âu, nếu Hoa Kỳ không thể thông qua đạo luật thúc đẩy năng lượng sạch và không thể cung cấp nguồn tài chính khí hậu cho những nước đang phát triển như cam kết của họ, đó sẽ là một khó khăn lớn với toàn thế giới trước cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông John F. Kerry cũng chia sẻ mối bận tâm đó khi nhận định, Chính phủ Hoa Kỳ phải chứng minh cho thế giới thấy rằng họ có thể thực hiện những hành động cần thiết để hoàn thành mục tiêu khí hậu năm 2030. Theo đó, thất bại trong việc này sẽ ảnh hưởng đến vị thế ngoại giao của Hoa Kỳ. “Và tôi biết Tổng thống Biden rất chú trọng và quan tâm đến vấn đề này một cách sâu sắc”, ông Kerry nói thêm.

Trong khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác “vật lộn” với nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau, Höhne của Climate Action Tracker chỉ ra điều mấu chốt là hiện tại thế giới vẫn đang tiến tới “một bờ vực”. Nhiệt độ toàn cầu đã nóng lên hơn 1 độ C kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Trong khi lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu chỉ giảm nhẹ trong thời gian đại dịch bùng phát vào năm 2020 thì lượng phát thải này đã tăng 6% vào năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt ở hầu hết các quốc gia. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Climate Action Tracker cũng ước tính rằng các chính sách hiện hành trên toàn thế giới sẽ dẫn đến sự ấm lên toàn cầu khoảng 2,7 độ C trong thế kỷ tới. So với dự đoán của vài năm trước đây, con số này đã thấp hơn một chút nhưng vẫn vượt quá ngưỡng 1,5 độ C mà các nhà lãnh đạo đã đưa ra trong Thỏa thuận Glasgow. Nếu vượt qua ngưỡng này, thế giới sẽ đối mặt với nhưng thảm họa nghiêm trọng và không thể cứu vãn trong những thập kỷ tới.

Bên cạnh đó, Diễn đàn Dễ bị tổn thương về khí hậu – liên minh gồm hàng chục quốc gia ở châu Phi, châu Á và những nơi khác đang đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng từ sự nóng lên toàn cầu – mới đây đã công bố phân tích về những cam kết về khí hậu mà các quốc gia đã thực hiện 5 năm sau Thỏa thuận Paris. Trong đó có nhiều cam kết đã không biến thành hành động và có nhiều hành động không đem lại hiệu quả trên thực tế. Ông Emmanuel Tachie-Obeng, một quan chức thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Ghana chỉ ra: “Không có công thức kỳ diệu nào để cứu thế giới khỏi tình trạng khẩn cấp về khí hậu hiện tại. Chỉ các quốc gia phải cam kết mạnh mẽ hơn và tuân thủ điều đó, chúng ta mới có cơ hội để tạo ra một thế giới bền vững hơn”.

Đồng tình, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch COP26 Alok Sharma nhấn mạnh rằng các quốc gia phải khẳng định ý chí chính trị mạnh mẽ hơn nữa để biến những lời hứa của họ trở thành các chính sách hữu hình và hành động thực tế. “Cách duy nhất để đạt mục tiêu giữ cho trái đất nóng lên dưới ngưỡng 1,5 độ C là tất cả các quốc gia phải thực hiện các cam kết của mình, bất kể đó là quốc gia phát triển hay đang phát triển”, ông Sharma cho hay.

Đọc thêm

Dubai chìm trong nước

Dubai chìm trong nước
(PLVN) - Lượng mưa một ngày tương đương một năm gây ra ngập lụt khủng khiếp ở Dubai vào ngày 16/4.

Tổng thống Nga Putin nhận tấm giấy quan trọng

Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
(PLVN) - Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) Ella Pamfilova đã trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin giấy chứng nhận chính thức đánh dấu chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga diễn ra hồi tháng 3 vừa qua.

Tin không vui với Ukraine

Thủ tướng Slovakia Robert Fico.
(PLVN) - Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại một cuộc họp báo tuyên bố Slovakia sẽ phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việt Nam tin tưởng vào việc tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tới

Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 55 của HĐNQ. Ảnh: TTXVN
(PLVN) - Cùng với vai trò, vị thế của đất nước, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025 hiện nay, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương quốc tế, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự ủng hộ của các nước đối với việc Việt Nam tái ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2026 - 2028 sắp tới.

Tiết lộ thu nhập của Tổng thống Mỹ Biden và phu nhân

Tổng thống Mỹ Biden và Đệ nhất phu nhân.
(PLVN) - Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill ngày 15/4 công bố tờ khai thuế cho thấy thu nhập của họ đã tăng 7%, lên thành 619.976 USD vào năm 2023 và họ đã đóng thuế liên bang số tiền tương đương 23,7% thu nhập.

Công dân Việt Nam tại Israel và Iran vẫn an toàn

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel được kích hoạt để đánh chặn máy bay không người lái (UAV) và tên lửa từ Iran tối 13/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
(PLVN) - Bộ Ngoại giao ngày 14/4 cho biết, theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran trong những ngày qua diễn biến phức tạp và tiếp tục leo thang.

Chuyện về ngành quảng cáo toàn cầu

Quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ, trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD. (Ảnh: tinhte.vn)
(PLVN) - Đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế, quảng cáo là một phương tiện tiếp thị chủ chốt giúp đưa thông điệp về sản phẩm đến gần với khách hàng hơn. Với thị trường rộng lớn, ngành quảng cáo toàn cầu thu lại lợi nhuận khổng lồ và gây ấn tượng với những chiến dịch không đơn thuần chỉ là quảng cáo.