Ông Robert Timm (đằng trước) và John Cook trên chiếc máy bay bốn chỗ Cessna 172. Ảnh: CNN
Câu chuyện này mở màn với sự kiện khách sạn - sòng bạc Hacienda ở Las Vegas (Mỹ) khai trương vào năm 1958. Tại thời điểm đó, Hacienda là trong những cơ sở nghỉ dưỡng kinh doanh theo mô hình gia đình đầu tiên tại Las Vegas. Nhằm quảng bá hình ảnh để thu hút khách du lịch từ các tiểu bang khác và nước ngoài tìm đến, chủ nhân của Hacienda đã quyết định theo đuổi một kế hoạch táo bạo.
Khi đó, người thợ sửa máy đánh bạc Robert Timm - từng lái máy bay chiến đấu thời Chiến tranh Thế giới thứ hai - đã đề xuất ý tưởng lái máy bay sơn tên của khách sạn và đánh bại kỷ lục trước đó về chuyến bay liên tục dài nhất, gần 47 ngày được thiết lập năm 1949.
Cựu phi công này đã được trao 100.000USD để tổ chức sự kiện và đây cũng là một hoạt động từ thiện để gây quỹ cho nghiên cứu ung thư. Yếu tố đó cũng khiến nó trở thành một trong những sự kiện gây quỹ lớn đầu tiên vì ngành nghiên cứu ung thư.
Phần quan trọng nhất của kế hoạch này là chọn ra loại máy bay phù hợp. Năm 1958 là thời kỳ mà công nghệ máy bay phát triển vượt bậc, song một chiếc máy bay hiện đại hơn không có nghĩa là nó thích hợp để làm nhiệm vụ bay trên không trung lâu nhất có thể.
Một chiếc máy bay hoàn hảo để phá kỷ lục thế giới phải là loại dễ điều khiển, tiêu thụ ít nhiên liệu để giảm thiểu rủi ro trong mỗi lần tiếp nhiên liệu trên không, đồng thời phải rất đáng tin cậy về khía cạnh kỹ thuật cơ học. Đó là lý do tại sao ông Robert Timm chọn Cessna 172, một loại máy bay khá mới vào thời điểm đó, với bốn chỗ ngồi rộng rãi.
Hành trình chinh phục thử thách của chiếc máy bay mang tên khách sạn Hacienda được được theo dõi chặt chẽ. Ảnh: CNN
Chiếc máy bay này cũng được sửa lại để phục vụ cho mục đích phá kỷ lục. Họ đã cho lắp đặt một tấm nệm để ngủ, một bồn rửa nhỏ bằng thép để vệ sinh cá nhân, loại bỏ phần lớn nội thất bên trong để tiết kiệm trọng lượng.
Ngày nay, hầu hết các máy bay quân sự hiện đại đều có khả năng tiếp nhiên liệu giữa chuyến bay mà không gặp rủi ro, nhưng vào thời đó, công nghệ như vậy không hoàn toàn tồn tại và Cessna 172 không thể bay quá cao.
Do đó, họ đã lắp một thùng chứa nhiên liệu phụ có thể nạp đầy từ một phương tiện chạy trên mặt đất. Khi cần tiếp liệu, máy bay sẽ giảm độ cao và bay rất thấp. Vận tốc của nó gần như đứng im trong lúc xe tải dùng máy bơm và ống dẫn để chuyển nhiên liệu vào máy bay.
Đó là một màn trình diễn ấn tượng vì đôi khi họ phải tiếp liệu vào ban đêm. Quả thực, việc đó đâu có dễ dàng thành công ngay lần đầu tiên. Máy bay đã gặp trục trặc ba lần và đến lần thứ tư nó mới thành công. Quãng thời gian lưu lại trên không lâu nhất trong ba lần thử thất bại đó là 17 ngày. Đáng chú ý, trong lần thử thách thứ ba, kỷ lục về chuyến bay năm 1949 đã bị một nhóm khác xô đổ với 50 ngày và vài giờ bay liên tục.
Bất chấp tin tức “trời giáng” trên, cựu phi công Robert Timm không hề bỏ cuộc. Khi sửa đổi lại máy bay cho hành trình lập kỷ lục, ông hiểu rõ mình cần một phi công phụ dày dặn kinh nghiệm. Cần có người sửa máy bay nếu xảy ra sự cố khi đang bay. Và John Cook, một thợ sửa máy bay lâu năm, đã được chọn tham gia chuyến bay.
Cả hai bắt đầu lần bay thử thứ tư vào ngày 4/12/1958, từ Sân bay McCarran ở Las Vegas. Để chứng minh với mọi người rằng họ sẽ không lén lút hạ cánh, họ đã sơn trắng phần bánh của máy bay. Nếu hạ cánh vì bất kỳ lý do gì, lớp sơn sẽ bong ra khỏi bánh xe, do đó được coi như một nỗ lực thất bại.
May mắn thay, chuyến bay bắt đầu suôn sẻ và cả hai ông đã trải qua Đêm Giáng sinh trên không trung. Khi tiếp nhiên liệu quanh biên giới California - Arizona, họ cũng được tiếp tế thực phẩm dưới dạng nghiền nhỏ đựng trong bình giữ nhiệt.
Cận cảnh màn tiếp nhiên liệu đầy nguy hiểm. Ảnh: CNN
Họ đi vệ sinh vào một chiếc bồn cầu dạng gấp dùng trong cắm trại, sau đó trút túi đựng chất thải xuống sa mạc. Đằng sau phi công phụ có một khoảng trống nhỏ đủ để cạo râu và rửa ráy. Nước sạch dùng để tắm rửa được xe ô tô dưới mặt đất gửi lên hằng ngày.
Hai phi công Timm và Cook đã thay phiên nhau ngủ, mặc dù tiếng ồn không ngớt của động cơ và những chuyển động chòng chành khiến cho một đêm ngon giấc là điều không thể. Do thiếu ngủ, vào ngày thứ 36, Timm ngủ gật và chiếc Cessna 172 đã tự bay trong hơn một giờ, ở độ cao chỉ 1.200 mét. Chế độ lái tự động đã cứu mạng họ. Nhưng nó đã ngừng hoạt động hoàn toàn vài ngày sau đó. Ngày thứ 39, máy bơm điện dùng để bơm xăng cho máy bay bị hỏng và họ buộc phải hoàn thành nhiệm vụ này bằng tay.
Trong 65 ngày trên không, nhiều thứ trên máy bay đã hỏng - chẳng hạn như máy sưởi, thiết bị đo nhiên liệu và đèn báo hạ cánh… nhưng điều quan trọng nhất là động cơ vẫn tiếp tục hoạt động và đó là tất cả những gì họ cần, đặc biệt là sau khi chuyến bay đã bước sang ngày thứ 50. Mặc dù đã đánh bại kỷ lục thế giới được thiết lập vào năm 1958, nhưng họ muốn đảm bảo rằng thành tích của họ sẽ không sớm bị xô đổ đến vậy.
Bộ đôi này đã bay thêm 15 ngày nữa rồi hạ cánh xuống McCarran vào ngày 7/2/1959, sau khi bay không ngừng nghỉ trong hơn hai tháng và hơn 225.000 km.
Nhà sử học hàng không Janet Bednarek tại Đại học Dayton nhận xét: “Hai phi công này đã vượt qua giới hạn mà không ai khác dám thử và sẽ không ai dám làm như vậy”. Do bị hạn chế đi lại quá lâu, tình trạng sức khỏe của ông Timm và ông Cook trở nên mất ổn định và không thể tự bước ra khỏi máy bay.
Chiếc máy bay huyền thoại Cessna 172 được gắn trên trần của sân bay McCarren. Ảnh: History