“Hội nghị Diên Hồng” cho các DN nông nghiệp
Đại diện các hiệp hội, DN, các nhà đầu tư đánh giá cao việc tổ chức hội nghị, sự kiện được xem như “Hội nghị Diên Hồng” cho các DN nông nghiệp. Đồng thời, các DN bày tỏ một số băn khoăn, vướng mắc và nêu kiến nghị, đề xuất.
Ý kiến các DN bày tỏ mong muốn có chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp; xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông sản để bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ các nhà sản xuất chân chính. Có DN đề xuất Nhà nước thành lập khu kinh tế quy mô lớn cho nông nghiệp.
Đặc biệt, theo đại diện Tập đoàn FLC, DN đang dự định bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề quỹ đất làm nông nghiệp. Sau khi đi khảo sát tại 40 tỉnh, thành về quy hoạch vùng nông nghiệp, DN này bày tỏ, vấn đề quỹ đất có khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất hiện nằm trong tay các nông, lâm trường nhưng các đơn vị này hoạt động không hiệu quả.
Trao đổi với các DN, lãnh đạo các bộ khẳng định cam kết đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, chưa bao giờ lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm như hiện nay. Trong vòng 2 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ít nhất 10 nghị định về các cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.
Theo Thủ tướng, việc hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp còn dư địa phát triển rất lớn. Và nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, từ các lĩnh vực như bất động sản… chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng đáng mừng, thể hiện tiềm năng phát triển của nông nghiệp.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận, vẫn còn tồn tại, bất cập khi mà số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm 8%, đa phần có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp. Còn một số hiện tượng như phá rừng làm cây công nghiệp, mua đi bán lại dự án nông nghiệp. Khâu chế biến sâu còn nhiều vấn đề.
“Một cuộc điều tra cho thấy người Việt Nam ăn thiếu rau, củ quả và tỉ lệ ăn tinh bột còn rất cao. Người Việt Nam ăn rau ít hơn các nước khác trong khi nước mình có rất nhiều rau, củ, quả”. Thủ tướng cho rằng, mọi người cần ăn nhiều rau hơn, nhiều chất xơ hơn để phòng chống bệnh tật và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đối với thị trường nội địa rất lớn, gần 100 triệu dân.
Nhất trí với ý kiến của đại diện Tập đoàn FLC, Thủ tướng cho rằng, còn nhiều đất đai nhưng không tổ chức sản xuất trong khi nhiều nhà đầu tư thiếu đất đai. “Tổng Giám đốc FLC vừa phát biểu đất nông, lâm trường còn rất nhiều nhưng tổ chức sản xuất hiệu quả như thế nào, đó là câu hỏi tại hội nghị này các cấp chính quyền cần tính toán lại”. Thủ tướng nêu rõ, đất đai là “cần câu chứ không phải con cá” “để chúng ta sản sinh ra năng lực sản xuất mới cho sự phát triển”.
Thủ tướng cho rằng, thị trường tiêu thụ là vấn đề lớn khi tình trạng dư thừa bắt đầu xuất hiện; đồng thời yêu cầu lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành vi bơm hóa chất, làm “nông sản bẩn”.
Nông nghiệp 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 thế giới
Nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị, Chính phủ và cộng đồng DN cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.
“Tại Hội nghị này, tôi đặt hàng cho ngành Nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu”.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi là sự phát triển của các DN đầu tư trong ngành Nông nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4/2018.
Bộ KH&ĐT khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các DN có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đặc biệt, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Công Thương hoàn thiện sửa đổi Nghị định 159 về xuất khẩu gạo nhằm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho DN trong xuất khẩu gạo với tinh thần chung là tạo mọi điều kiện cho thương mại, nhất là xuất nhập khẩu.
Chú ý nghiên cứu xây dựng 3 ngành chế biến đứng vào tốp 5 của thế giới: Rau củ quả, thủy hải sản và dược liệu, cùng một số sản phẩm thế mạnh khác như tôm, gạo…
Khắc phục lãng phí sau thu hoạch khi mà hiện nay tỉ lệ tổn thất lên tới 20-30%. Đổi mới cơ chế hỗ trợ DN, xúc tiến mở rộng thị trường, “trước khi gieo hạt giống cần nghĩ tới thị trường tiêu thụ ở đâu”.
Cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay tối đa, không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực làm tài sản bảo đảm…
Thủ tướng nêu rõ, cần tuyên chiến với nạn “tín dụng đen” ở nông thôn. Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp.
Đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, Thủ tướng cho rằng, Nhà nước trao quyền cho thị trường nhiều hơn. Chính phủ chỉ đóng vai trò kiến tạo, tức là tạo điều kiện và hỗ trợ chứ không phải làm thay vai trò thị trường.
Các tỉnh, sở, ngành phải làm người dân thấy sự khác biệt về hiệu quả giữa 2 mô hình nông nghiệp truyền thống và hiện đại. Từng công chức, viên chức phải thông hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; nghiêm túc thực hiện theo tinh thần ủng hộ, bảo vệ DN làm ăn chân chính, nghiêm túc; hỗ trợ nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả và thành công.
Chiều 30/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm và làm việc với tỉnh Lâm Đồng. Báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho biết: Kinh tế - xã hội của Lâm Đồng thời gian qua tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt 8,16%. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương đến nay đã đạt 51.799 ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất nông nghiệp, góp phần tạo thu nhập bình quân 163,8 triệu đồng/ha/năm.
Trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến rừng trên địa bàn TP Đà Lạt có 42 dự án đầu tư ngoài ngân sách (không tính những dự án trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm) có liên quan đến đất rừng phòng hộ và cảnh quan. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động, 10 dự án hoàn thành xây dựng một phần, 30 dự án chưa hoàn thành việc đầu tư.
Tỉnh đã có văn bản đề nghị nhưng chưa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, cảnh quan để thực hiện dự án. Các dự án thủy điện đã đầu tư, cơ bản đã hoàn thành, nhưng việc đấu nối đường dây vận hành phải thực hiện trên diện tích đất rừng, các nhà đầu tư phải tạm dừng việc thi công để thực hiện bổ sung thủ tục nên tiến độ thực hiện dự án bị chậm.
Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Với các dự án liên quan đến đất rừng phòng hộ, cảnh quan TP Đà Lạt đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo một tỷ lệ hài hòa, hợp lý để đầu tư các dự án thật sự cần thiết cho phát triển du lịch trên địa bàn.
Với các dự án thủy điện đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đã đầu tư, cần thi công đường dây đi qua rừng và đất rừng để đấu nối vào lưới điện quốc gia, đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng để hoàn thành các hạng mục còn lại và đưa dự án vào hoạt động. Mặt khác, đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt phương án đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư để khởi công tuyến đường cao tốc đoạn Dầu Giây – Tân Phú trong năm 2018.
Sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng chỉ đạo: Lâm Đồng nên khuyến khích đầu tư nông nghiệp chế biến nông sản thay vì xuất khẩu thô, giá trị thấp, nên xây dựng “Tam giác vàng”: Nông nghiệp công nghệ cao – Chế biến – Du lịch canh nông. Lâm Đồng nên thực hiện ước mơ “một Hà Lan của Việt Nam” cung cấp rau, hoa cho khu vực Asean và thế giới. Lâm Đồng cần giữ rừng và bảo vệ rừng, nếu mất rừng thì Lâm Đồng không còn là Lâm Đồng nữa.
Địa phương nên chọn những nhà đầu tư tư nhân có năng lực tài chính và kinh nghiệm; cần chấn chỉnh ngay tình trạng nhập nông sản chất lượng kém về “khoác áo” nông sản Đà Lạt và vấn nạn “cò” khách. Thủ tướng cho rằng Lâm Đồng cần xem xét lại vì tăng trưởng kinh tế thiếu ổn định, cần tăng sức cạnh tranh, liên kết 6 nhà, cải thiện môi trường đầu tư…
Với các kiến nghị của Lâm Đồng, cần rà soát lại từng dự án và làm việc thêm với các bộ, ngành liên quan để xem xét, các dự án cần thiết và có hiệu quả để đề xuất có hướng giải quyết phù hợp.