Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam chọn chính nghĩa và công lý, không chọn bên

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong bài phát biểu tại CSIS, trước nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 11/5 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Washington của Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ.

"Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn"

Trong bài phát biểu với chủ đề "Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cách đây 77 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bằng chân lý bất hủ rằng: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Đây cũng là tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ và thể hiện sự chia sẻ giá trị chung, mang tính phổ quát, không chỉ của hai quốc gia chúng ta mà còn của toàn nhân loại.

Chúng ta rất vui mừng chứng kiến quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc sau gần 3 thập niên bình thường hoá quan hệ. Mối quan hệ đó đã "đơm hoa kết trái" với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và sự tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai quốc gia, hai dân tộc và nhân dân hai nước mong muốn và hướng tới. Hai bên đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng "thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".

Trong Thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2021, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: "Quan hệ đối tác toàn diện mạnh mẽ, đầy sức sống mà hai nước chúng ta đã và đang cùng nhau xây dựng là dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập. Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước.

Kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, nhiều quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam vào thời điểm khó khăn của dịch bệnh COVID-19 năm 2021, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden đã gặp nhau tại COP26.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược - Ảnh 2.

Các đại biểu hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ lắng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS)- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với mong muốn nhấn mạnh về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn, Thủ tướng chia sẻ về 3 nội dung lớn.

Một là, cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay;

Hai là, vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay;

Ba là, chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được mọi vấn đề

Theo Thủ tướng, bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân dân thế giới, song đang đứng trước thời điểm có thể nói là khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Toàn cầu hoá, liên kết kinh tế quốc tế, kinh tế thế giới đứng trước những cơ hội phát triển mới, nhất là với những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và các chuyển dịch địa chính trị, địa kinh tế, và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong cục diện thế giới với nhiều nhân tố khó dự báo, tác động đa chiều tới môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia, thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.

Chỉ cách đây một vài năm, ít ai có thể ngờ rằng, trên 6 triệu người thiệt mạng vì đại dịch COVID-19 và cũng ít ai có thể hình dung ra xung đột ngay giữa lòng châu Âu, gây ra những hệ lụy to lớn đối với tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu.

"Có thể nói thế giới về tổng thể là hoà bình - về cục bộ vẫn có chiến tranh; về tổng thể là hoà hoãn - về cục bộ vẫn có căng thẳng; về tổng thể là ổn định - về cục bộ vẫn có xung đột. Vì vậy, nguy cơ chiến tranh, bất ổn chính trị tăng, kinh tế thế giới gặp nhiều rủi ro. Trong khi cạnh tranh, đối đầu đang dẫn đến sự phân tách cả về chính trị, an ninh và kinh tế", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh con người, an ninh mạng… tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia và những nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên Hợp Quốc.

Chúng ta cần nhận thức đầy đủ cả những cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn đối với hoà bình, hợp tác và phát triển trong một thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó, mặt thách thức khó khăn dường như đang nổi lên nhiều hơn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hợp tác để xử lý hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược - Ảnh 3.

Thủ tướng trao đổi với Đại sứ Hoa Kỳ và lãnh đạo Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng khẳng định, hoà bình, an ninh và phát triển có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Hoà bình, an ninh và phát triển của một nước có tác động đến các nước láng giềng, khu vực và thế giới. Lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc cần hài hoà và tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Cùng với đó, hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu để cùng nhau gìn giữ hoà bình, thúc đẩy phát triển và tình hữu nghị giữa các quốc gia; không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn và giàu mạnh đến đâu, có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề toàn cầu, mà cần có sự hợp tác của các nước khác, cộng đồng quốc tế và người dân. Việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, đoàn kết và hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, ví dụ như phòng chống đại dịch COVID-19, ứng phó biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên...

Cũng theo Thủ tướng, tất cả các quốc gia, dân tộc đều mong một thế giới tốt đẹp hơn, vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của mỗi người dân. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển, mọi quan hệ hợp tác, đối tác trong hội nhập quốc tế đều hướng đến con người. Giải quyết các vấn đề có tính toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; mọi chính sách phải hướng đến người dân; khuyến khích sự sáng tạo và kêu gọi sự hợp tác của mọi người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế là xu thế khách quan. Nhưng trong hội nhập, mỗi quốc gia phải lấy nội lực là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là nhân tố quyết định, ngoại lực là nhân tố quan trọng, cần thiết, thường xuyên, đột phá. Hay nói cách khác, phải biết huy động sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại một cách phù hợp, hiệu quả.

Hơn lúc nào hết, cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải quyết các vấn đề có tính toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; mọi chính sách phải hướng đến người dân; khuyến khích sự sáng tạo và kêu gọi sự hợp tác của mọi người dân Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay. Chính thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực. Thiếu sự chân thành, tin cậy là nhân tố cản trở nghiêm trọng đến hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia. Đồng thời, mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị mà mỗi nước đã lựa chọn và được Nhân dân ủng hộ, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tuỳ theo khả năng và sức lực của mình. Chúng ta cần đề cao đối thoại để hiểu biết hơn về nhau, góp phần giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn của các quốc gia.

Đối thoại, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau là một trong những phương thức giải quyết hữu hiệu nhất đối với những tồn tại giữa các quốc gia cũng như trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Trước những biến động phức tạp, khó lường trên toàn cầu, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc và có trách nhiệm, không để phương thức chủ đạo này bị phá vỡ vì bất cứ lý do gì. Chỉ có đầy đủ sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, các nước mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ, ASEAN chính là một ví dụ minh chứng về giá trị của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong việc góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, toàn cầu. Nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ASEAN đã và đang nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình và cùng chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN theo Tầm nhìn đến 2025.

Trên nền tảng chung của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, ASEAN đang phát huy vai trò và nỗ lực cùng các đối tác thúc đẩy xây dựng cục diện thế giới, khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhấn mạnh yếu tố mở, bao trùm dựa trên hợp tác, đối thoại với tất cả các bên. ASEAN đã thiết lập và tiếp tục củng cố mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với hầu hết các đối tác quan trọng, trong đó có Hoa Kỳ. ASEAN mong muốn cùng các đối tác xây dựng sự chân thành, củng cố lòng tin, hành động có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, xử lý các thách thức toàn cầu, trong đó có đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...

Khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về nội dung thứ ba, Thủ tướng nêu rõ: Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế của mình.

Việt Nam từ một thuộc địa vươn lên giành độc lập, từ một quốc gia bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh phi lý đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã nỗ lực vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và đang thực hiện mục tiêu phát triển đầy khát vọng.

"Điều quan trọng là khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới. Tôi mong muốn Hoa Kỳ và các đối tác quan tâm sâu sắc, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa khát vọng tầm nhìn chiến lược đó một cách chân thành và hiệu quả. Đồng thời, điều này sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho hợp tác toàn diện và sâu sắc hơn giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước khác", Thủ tướng nói.

Thủ tướng chia sẻ và khẳng định những quan điểm của Việt Nam về thể hiện sự chân thành, củng cố niềm tin và tăng cường trách nhiệm trong hợp tác với các quốc gia, khu vực và cộng đồng quốc tế:

Trước hết, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó.

"Thứ hai, giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hoà bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hoà bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau.

Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng", Thủ tướng phát biểu.

Thứ ba, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời làm rõ thêm một số vấn đề mà Chủ tịch, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) nêu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông - một vùng biển quan trọng với các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Để đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, Liên Hợp quốc, các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực và Tiểu vùng Mê Công, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể.

Việt Nam đã chủ động, tích cực và trách nhiệm trong phát huy vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2008-2009, nhiệm kỳ 2020-2021). Việt Nam đã trực tiếp tham gia, đóng góp quân nhân cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từ tháng 6/2014 đến nay.

Là một quốc gia đã trải qua nhiều biến động và hiểu được những mất mát của nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng đóng góp vào quá trình hòa giải giữa các quốc gia. Việt Nam là địa điểm để tổ chức Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2. Trong vấn đề Ucraine, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững. Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo 500 nghìn USD cho Ucraine.

Liên quan đến tình hình Ucraine, lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Trong đại dịch COVID-19, mặc dù còn nhiều khó khăn, song Việt Nam đã viện trợ khẩu trang, một số vật tư y tế cho 51 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ; đồng thời đóng góp tài chính hàng triệu USD cho Chương trình COVAX. Nhân đây, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ đã hỗ trợ cung cấp nguồn vaccine lớn, trang thiết bị y tế và cho Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát đại dịch, đặc biệt là việc Hoa Kỳ thành lập Văn phòng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.

Dù còn rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội và là một nước đang phát triển, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cao trong ứng phó với biển đổi khí hậu, thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và COP 26 tại Anh để đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Việt Nam đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đã đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường thương mại tự do rộng lớn với trên 60 quốc gia, đối tác, bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thực hiện bình đẳng và tự do thương mại.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược - Ảnh 7.

Chủ tịch, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS)

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, tăng cường trách nhiệm của cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Thủ tướng khẳng định: Để hoàn thành các mục tiêu phát triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình. Muốn đi xa phải có bạn. Không phải bây giờ Việt Nam mới thể hiện mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới, từ những ngày đầu thành lập nước, đã thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện với Hoa Kỳ trong những bức thư gửi tới chính quyền Hoa Kỳ năm 1946. Trong Thư gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ".

Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi được một quãng đường dài trong việc thể hiện sự chân thành, xây dựng lòng tin với nhau. Trước hết là hai bên có sự chân thành chia sẻ, tập trung, quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh; trong đó Việt Nam đã tích cực hợp tác hiệu quả với phía Hoa Kỳ trong tìm kiếm những quân nhân Hoa Kỳ chết hoặc mất tích ở Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh và mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh với Việt Nam, thông qua các dự án tẩy độc dioxin, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn, thúc đẩy hợp tác tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh. Thời gian tới, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, để nhân dân hai nước được cảm thông, chia sẻ những mất mát, cùng hướng đến tương lai.

Từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, quan hệ hai nước không ngừng phát triển trên nhiều mặt. Thủ tướng nhắc tới những thành quả trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, phối hợp trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.

Trên những nền tảng quan hệ đã được xây dựng trong gần 3 thập niên qua, hai nước cần chân thành, tin cậy, tôn trọng và tiếp tục có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, để hàn gắn vết thương cho cả hai dân tộc, vun đắp quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển hơn nữa trong tương lai, cho tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, như hai bên đã khẳng định trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015.

Với việc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đang hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển đầy khát vọng, hai nước đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chống biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh, giao lưu nhân dân… và trong giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực.

Cùng với các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên cần hướng tới những lĩnh vực hợp tác của tương lai. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt muốn nhấn mạnh ba lĩnh vực quan trọng có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước thời gian tới - đó là tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Những lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược - Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) thảo luận, làm rõ một số vấn đề - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam coi thúc đẩy tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ then chốt để kiến tạo một không gian phát triển bền vững, theo chiều sâu và hạnh phúc, không chỉ cho hiện tại, mà còn cho những thế hệ mai sau. Để đạt mục tiêu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, chúng tôi đặc biệt chú trọng việc thu hút các nguồn lực, khoa học công nghệ, kinh nghiệm xây dựng thể chế, quản lý để đầu tư phát triển năng lượng sạch, kết cấu hạ tầng hiện đại, quản lý nguồn nước bền vững…

Xác định rõ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số sẽ là một động lực chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực đón đầu xu thế lớn về chuyển đổi số để bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện dựa trên ba trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đồng thời, Việt Nam cũng đang nỗ lực chủ động, tích cực tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết mang tính toàn cầu hiện nay. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là một điểm đến đáng tin cậy của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng bền vững, ổn định trong một thế giới nhiều biến động.

Tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số là những lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh hàng đầu thế giới. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng là nền kinh tế lớn nhất thế giới với thị trường quy mô lớn, phong phú và đa dạng, tạo nền tảng tốt thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Sự kết hợp giữa thế mạnh của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quan trọng này cùng với sự năng động và chủ động, tích cực hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

"Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay. Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm cũng đã góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong gần 30 năm qua. Tôi tin tưởng rẳng, đây cũng sẽ là những nhân tố chủ đạo định hướng, thúc đẩy, đưa quan hệ đối tác tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới đây", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi thăm CSIS năm 2015, rằng hai bên cần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".

"Tôi mong muốn toàn thể quý vị và các bạn hãy cùng chung tay, góp sức vun đắp, xây dựng, củng cố niềm tin và trách nhiệm, sự chân thành giữa hai nước chúng ta, góp phần thiết thực vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", Thủ tướng kết thúc bài phát biểu.

Sau bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải đáp một số câu hỏi của các thính giả. Trong đó, về sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Thủ tướng cho biết, những trụ cột của sáng kiến này cũng là những vấn đề quan trọng với Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Do đó, Việt Nam sẵn sàng cùng phía Hoa Kỳ và các đối tác trao đổi để làm rõ nội hàm cụ thể, các công việc, lộ trình, bước đi… trong khuôn khổ này, trong đó, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những nội dung phục vụ cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phồn vinh, thịnh vượng trong khu vực và thế giới, đặc biệt là vì lợi ích nhân dân hai nước.

CSIS là trung tâm học thuật, nghiên cứu chiến lược hàng đầu tại Mỹ cũng như trên thế giới, với mục tiêu tăng cường đối thoại, hiểu biết giữa chính giới, học giả và người dân các nước. CSIS cũng đóng vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến an ninh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 đã tới thăm và phát biểu tại CSIS.

Đọc thêm

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đọc Lời báo công dâng Bác. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 14/12, tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công dâng Bác. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó  Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.