Tại phiên họp này, thực trạng CNTT của Việt Nam đã được các ủy viên Ủy ban phân tích kỹ, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước liên quan đến những nhóm vấn đề lớn về xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia; việc thiết lập hệ thống điều hành trong bộ máy quản lý nhà nước, thực hiện hành chính điện tử bao gồm cả điều hành nội bộ và giao tiếp với bên ngoài; tập trung xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; cung cấp dịch vụ công qua mạng Internet trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và xây dựng.
Nhiều ý kiến đề xuất chủ trương cho phép thuê dịch vụ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước; từ cách tiếp cận thuê dịch vụ ứng dụng CNTT, Nhà nước không nhất thiết trực tiếp xây dựng tất cả các loại cơ sở dữ liệu mà chỉ xây dựng danh mục tổng thể các dữ liệu chung, những thông tin có thể sử dụng được vào mục đích kinh doanh, thu phí giao cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng, sử dụng.
Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường các giải pháp về bảo mật, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng CNTT; quan tâm phát triển, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục- đào tạo, khám chữa bệnh, quản lý cơ sở y tế, bảo hiểm y tế, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, thuế, hải quan…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương về phát triển CNTT từ rất sớm. Việt Nam đã có nhiều thành tựu quan trọng, phát triển nhanh và hiệu quả trên cả 4 trụ cột là phát triển nguồn nhân lực CNTT, công nghiệp CNTT, hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Thủ tướng khẳng định cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông”; tập trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa về CNTT theo 4 trụ cột đã được xác định. Cùng với đó là tập trung thực hiện, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, trước hết tập trung cho xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia; thiết lập hệ thống điều hành trong quản lý bộ máy nhà nước; cung cấp các dịch vụ công qua mạng Internet…
Các Bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT vào chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, đáp ứng được tốt nhất các nhu cầu của người dân, DN, đặc biệt là về các dịch vụ tiện ích; hết sức chú trọng ứng dụng mạnh, nhanh CNTT vào những lĩnh vực bức thiết như y tế, giáo dục, xây dựng, thuế, hải quan...