Thủ tướng Iraq ra lệnh thay đổi các biện pháp an ninh

Hiện trường vụ đánh bom khủng khiếp
Hiện trường vụ đánh bom khủng khiếp
(PLO) - Sau vụ đánh bom đẫm máu làm hàng trăm người thương vong ở thủ đô Baghdad ngày 3/7, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã ra lệnh thay đổi các biện pháp an ninh. 

Theo hãng thông tấn AFP, một yêu cầu được Thủ tướng Abadi nhấn mạnh là tất cả các lực lượng an ninh phải dừng sử dụng loại thiết bị cầm tay phát hiện chất nổ tại các điểm kiểm soát vì thiết bị này là hàng giả. 

Tăng cường an ninh

Thiết bị này được làm bằng chất dẻo màu đen, có hình dáng như khẩu súng lục, gắn một ăng-ten bằng bạc nhỏ được cho là có thể phát hiện nhiều loại vật liệu, trong đó có chất nổ. Tuy nhiên, trên thực tế thiết bị này không phát hiện được gì và đối tượng bán sản phẩm này cho Iraq đã bị bỏ tù tại Anh vì gian lận. 

Thủ tướng Abadi cũng yêu cầu Bộ Nội vụ Iraq đẩy nhanh quá trình triển khai thiết bị kiểm tra các phương tiện giao thông ở tất cả các lối vào thủ đô, đồng thời các nhân viên an ninh tại các điểm kiểm soát không sử dụng điện thoại di động khi đang làm nhiệm vụ để tránh làm giảm hiệu quả kiểm soát.

Một số biện pháp an ninh khác cũng sẽ được thực thi như đẩy mạnh do thám trên không và thu thập thông tin tình báo, nâng cấp hợp tác giữa các lực lượng an ninh và tái cơ cấu các điểm kiểm soát ở thủ đô.

Vụ việc đẫm máu

Như đã đưa tin, vụ đánh bom xe liều chết xảy ra tại khu vực Karrada ở thủ đô Baghdad ngày 3/7 làm ít nhất 165 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương (đây chưa phải là con số cuối cùng). Nhiều tòa nhà đã bị cháy và 12 giờ sau đó lực lượng cứu hỏa vẫn phải tiếp tục dập lửa. Một vụ nổ khác xảy ra tại một khu chợ ở al-Shaab làm ít nhất 2 người thiệt mạng. 

Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở thủ đô của Iraq kể từ đầu năm đến nay. Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã thừa nhận tiến hành hai vụ đánh bom nói trên nhằm vào người Hồi giáo dòng Shi’ite (Si-ai). Thủ tướng Abadi ngay khi đến hiện trường vụ đánh bom ở Karrada đã tuyên bố sẽ trừng phạt các thủ phạm vụ tấn công này.  Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã lên án các vụ tấn công khủng bố “ghê rợn” trên, đồng thời kêu gọi chính phủ Iraq đưa các thủ phạm ra trước công lý càng sớm càng tốt. Tổng Thư ký (TTK) LHQ bày tỏ chia buồn với gia đình các nạn nhân cũng như chính phủ và nhân dân Iraq, hy vọng những người bị thương sẽ chóng bình phục. TTK LHQ kêu gọi người dân Iraq không để cho nỗi sợ hãi lan truyền phá hoại tình đoàn kết của đất nước.

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Nhà Trắng cũng lên án vụ tấn công tại Baghdad, đồng thời khẳng định vụ tấn công càng củng cố quyết tâm của Mỹ đương đầu với IS. Tuyên bố nêu rõ, Mỹ tiếp tục đoàn kết với chính phủ và nhân dân Iraq trong nỗ lực chung triệt hạ IS.

Cuộc đấu

Iraq đã chứng kiến làn sóng bạo lực gia tăng kể từ khi IS chiếm giữ các khu vực miền Bắc và miền Tây Iraq tháng 6/2014. Theo thống kê của LHQ, tính riêng trong tháng 6 vừa qua, ít nhất 660 người đã thiệt mạng và 1.457 người bị thương trong các vụ khủng bố, bạo lực và xung đột vũ trang trên khắp Iraq.

Ngày 1/7, Lầu Năm Góc cho biết liên quân đã tiêu diệt hai thủ lĩnh quân sự cấp cao của IS tự xưng trong một cuộc không kích gần thành phố Mosul của Iraq, vốn là thành trì của các phần tử thánh chiến IS. Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc Peter Cook nói, trong trận không kích nhằm vào các căn cứ của IS ở gần Mosul, liên quân đã tiêu diệt tại chỗ Basim Muhammad Ahmad Sultan al-Bajari, Thứ trưởng Chiến tranh của IS và Hatim Talib al-Hamduni, chỉ huy quân sự của IS tại Mosul.

Theo ông Cook, al-Bajari là cựu thành viên của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, đã gia nhập IS và giám sát chiến dịch đánh chiếm Mosul hồi tháng 6/2014. Ngoài ra, tên này cũng trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn Jaysh al-Dabiq của IS, vốn nổi tiếng với các chiến thuật như đánh bom liều chết, sử dụng bom tự tạo và khí độc trong các cuộc tấn công. Còn Al-Hamduni là Tư lệnh quân sự tại Mosul và chỉ huy lực lượng quân cảnh tại khu vực này. 

IS “phản đòn”?

Trong khi đó, theo người đứng đầu Phái bộ LHQ về hỗ trợ Iraq (UNAMI), ông Jan Kubis, tình trạng bạo lực và con số thương vong trong dân thường vẫn tiếp tục tăng trong tháng lễ Ramadan. Các phần tử khủng bố vẫn tiếp tục thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các khu chợ, đền thờ Hồi giáo và những khu vực tụ tập đông người để gây thương vong ở mức cao nhất, bất chấp đây là dịp lễ hội lớn của người Hồi giáo.

Các lực lượng an ninh Iraq ngày 30/6 đã giải phóng một số khu vực và làng mạc khỏi sự chiếm đóng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Trung và miền Bắc nước này. Tại tỉnh Anbar, các lực lượng an ninh và các đơn vị bán quân sự Hashd Shaabi đã phối hợp giành lại các khu vực al-Hessi và Albu Eifan, gần thành phố Fallujah, cách thủ đô Baghdad khoảng 50km về phía Tây. Các cuộc giao tranh đã làm ít nhất 17 tay súng bị tiêu diệt và phá hủy 3 xe vận tải của phiến quân. Trong khi đó, máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ đứng đầu đã không kích một đoàn xe vận tải của IS tại khu vực al-Jeraishi, ở phía Bắc thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar, phá hủy ít nhất 4 xe và tiêu diệt 13 tay súng. 

Tại miền Bắc, các lực lượng an ninh đã giao tranh với các tay súng IS và giành lại quyền kiểm soát các ngôi làng al-Derbas và Albu Wawi, gần thị trấn Qayyara hiện đang bị IS chiếm đóng, cách “sào huyệt” của lực lượng này ở Mosul khoảng 50km; 15 tay súng IS đã bị tiêu diệt. Tại tỉnh Salahudin, quân đội Iraq đang tiếp tục tiến lên hướng Bắc để đánh đuổi IS ra khỏi làng Ramadaniyat và giải phóng các khu vực còn lại trong tỉnh này khỏi sự chiếm đóng của IS, trước khi giải phóng thị trấn Qayyara, giáp với tỉnh Nineveh. Chiến dịch tại tỉnh trên nằm trong khuôn khổ một chiến dịch quy mô lớn nhằm giải phóng các khu vực ở phía Nam Mosul, hướng tới bao vây Mosul từ phía Nam và phía Đông trước khi tấn công vào sào huyệt lớn này của IS.

Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã trở thành thủ phủ trên thực tế của IS tại Iraq. Những tuần gần đây, lực lượng an ninh Iraq đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc truy quét IS, trong đó có việc tái chiếm thành phố Fallujah. Hiện sự chú ý đang chuyển sang Mosul, nơi dự kiến sẽ diễn ra trận đánh cuối cùng nhằm giải phóng thành phố này trong những tháng tới. Nhiều khả năng vụ đánh bom đẫm máu vừa diễn ra chính là một cú “phản đòn” của IS khi lực lượng này đang bị dồn vào “chân tường”... 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.