Trong bối cảnh quốc tế và trong nước trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh, "nông dân, nông nghiệp Việt Nam là nền tảng, trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế" và việc triển khai quyết liệt, sát sao Đề án 61 (đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010-2020”) đã đem lại nhiều kết quả đáng mừng, tuy vẫn còn một số tồn tại, nhất là trong việc triển khai Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ (trong việc bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân)...
10 năm qua, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương; 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp ở địa phương gần 2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn hệ thống Hội đến nay đạt hơn 3,6 nghìn tỷ đồng.
Đến nay đã có 55/63 UBND tỉnh, thành phố bố trí mặt bằng để xây dựng trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân; Chính phủ đã cấp vốn để Hội Nông dân Việt Nam xây dựng và nâng cấp 35 trung tâm.
Vì vậy, để triển khai Đề án 61 và Quyết định 673 tốt hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần, “chúng ta làm việc thực chất, hiệu quả nhằm mục tiêu nâng cao mức sống cho nông dân, xóa nghèo ở nông thôn, miền núi”, đừng làm những thứ không cần thiết.
Tiếp tục xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm, không để tình trạng ”con trâu đi trước, cái cày theo sau”.
Tiếp tục quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chính sách "tam nông" (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) và chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới. Thủ tướng lưu ý, "Xây dựng nông thôn mới không chỉ là hạ tầng mà chính là nâng cao đời sống người dân".
Hội Nông dân Việt Nam nói riêng và các cấp Hội nói chung cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực mà Đảng và Nhà nước đã giao cho Hội, nhất là trong việc khai thác các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân ở các địa phương. Có trách nhiệm vận động các thành phần kinh tế đóng góp xây dựng nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, các địa phương, ùng với ngân sách Trung ương, xem xét cấp vốn cho Quỹ hỗ trợ nông dân.
Theo Thủ tướng, cần nỗ lực làm cho “người nông dân Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Theo Báo cáo của Bộ Công thương, hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, một số mặt hàng chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra… Giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của nhóm nông sản đạt 3,5%/năm.
Bộ LĐTB&XH cho biết, trong 10 năm thực hiện Đề án 61, cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 10 triệu lao động nông thôn, với 37% học nghề nông nghiệp, 63% học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 85%.