Theo Sở Tư pháp Quảng Nam, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID- 19 kéo dài, ngành Tư pháp Quảng Nam đã hoàn thành, đạt chất lượng đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Cụ thể như: nghiên cứu các hồ sơ phức tạp về xử lý vi phạm hành chính đảm bảo đúng quy định pháp luật trả lời theo chỉ đạo của UBND tỉnh; thẩm định tính pháp lý việc ủy quyền, phân cấp của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho các sở, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí- cấp huyện tổ chức thực hiện- cấp xã tiếp nhận kết quả”; tham mưu UBND tỉnh thống nhất xây dựng các phần mềm cấp vi bằng, chứng thực, đẩy mạnh cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến mức độ 4; hoạt động công chứng, chứng thực hướng mạnh phục vụ tổ chức và công dân góp phần thu phí cho nhà nước, triển khai sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng; hoạt động trợ giúp pháp lý chú trọng chất lượng tham gia tố tụng tại phiên tòa...
Năm 2022, Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện mô hình phổ biến giáo dục pháp luật “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí – cấp huyện tổ chức thực hiện – cấp xã tiếp nhận kết quả”. Đến nay, các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện đến từng xã, phường, thị trấn. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022- 2027, tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”, Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”….
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Đoàn công tác tháo gỡ từng mục những khó khăn mà ngành tư pháp Quảng Nam đang vướng mắc. |
Tuy vậy, ngành Tư pháp tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc.
Đơn cử như lực lượng công chứng viên tại Phòng Công chứng còn mỏng, chưa làm đầu tàu về chuyên môn nghiệp vụ công chứng cũng như giữ vai trò chủ đạo trong thị trường dịch vụ công chứng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước…
Ngoài ra, hiện nay tình trạng giả mạo chủ thể, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp rất khó để nhận diện, gây khó khăn cho công chứng viên trong quá trình hành nghề.
Về lĩnh vực đấu giá tài sản, cơ chế tài chính trong hoạt động đấu giá giữa Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản và các doanh nghiệp đấu giá có sự khác nhau, do đó, vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp đấu giá cạnh tranh trong việc tìm kiếm nguồn tài sản bằng cách chi lại phần trăm thù lao đấu giá cho cơ quan, đơn vị có tài sản đấu giá (bên có tài sản) làm ảnh hưởng đến uy tín, sự phát triển của hoạt động đấu giá tài sản. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá chưa được định giá sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi….
Về việc triển khai Đề án 06/CP, Sở Tư pháp Quảng Nam cho rằng, việc chuyển đổi sang mô hình triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (thông qua Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia, có kết nối với Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh, đồng thời kết nối, tích hợp dữ liệu với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp), mặc dù Sở Tư pháp có nhiều văn bản và nhiều buổi làm việc với Sở Thông tin & Truyền thông, nhưng tiến độ không thể nhanh hơn. Hiện chỉ mới thực hiện được đối với thủ tục ĐKKS cho trẻ em, kết hôn ở UBND cấp xã, ghi chú hộ tịch thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Việc phối hợp “rà soát, đối chiếu cập nhật, đồng bộ giữa dữ liệu hộ tịch đã được đăng ký và lưu giữ theo thẩm quyền với dữ liệu dân cư” theo yêu cầu tại mục 3 của Công điện 104/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 chưa có quy trình hướng dẫn nên Sở Tư pháp cũng mới chỉ dừng ở việc có văn bản triển khai tinh thần đến các UBND cấp huyện, chưa rõ cách thức, quy trình thực hiện như thế nào.
Quy trình đề nghị cấp kinh phí thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch phức tạp, nên việc triển khai thực hiện mất thời gian khá dài. Việc cấp số định danh cá nhân cho các dữ liệu khai sinh được cập nhật vào Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử thường trả kết quả chậm do lỗi đường truyền giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Do vậy ảnh hưởng đến việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Ghi nhận những ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Đoàn công tác đã “ngồi lại” tháo gỡ từng mục những khó khăn mà ngành tư pháp Quảng Nam đang vướng mắc. Thứ trưởng cũng đánh giá cao về công tác xây dựng ngành của Sở Tư pháp Quảng Nam. Theo Thứ trưởng, vì công tác tư pháp rất khác ngành khác, làm được hay không ở yếu tố con người. Tư pháp Quảng Nam là đơn vị có nhân lực chất lượng đã làm được điều này. Tuy nhiên, Quảng Nam cần có tiếng nói làm sao đó để tham gia mạnh mẽ tại địa phương ở nhiều nội dung. Ngoài ra, công tác hành chính tư pháp, Quảng Nam cũng đã tham gia xây dựng rất sôi nổi.
Riêng với Đề án 06, Thứ trưởng Ngọc cho biết, đây là mục tiêu, tham vọng lớn liên quan nhiều ngành, nhất Ngành Tư pháp, vì thế, yêu cầu Tư pháp các tỉnh thành phối hợp triển khai. “Đề án 06 cũng làm thay đổi rất nhiều đối với công tác với quản lý nhà nước, tất các các dữ liệu được kết nối, chia sẻ và sẽ tác động trong tương lai. Tuy nhiên, không phải 1 sớm 1 chiều mà chúng ta có thể hoàn thiện được. Tôi muốn nói ở đây, không phải chỉ mỗi Đề án này và tất cả những nội dung khác, Bộ sẵn sàng phối hợp, hướng dẫn giải đáp những khó khăn của tư pháp địa phương và cùng tháo gỡ vướng mắc”, Thứ trưởng nhấn mạnh
Thứ trưởng cũng nói thêm: “Về 2 nhóm liên thông, ngành tư pháp vẫn bảo đảm phần việc của mình (các sự kiện hộ tịch là do cán bộ hộ tịch giải quyết, theo đúng Luật Hộ tịch). Kết nối CSDL hộ tịch với dân cư thì 2 Bộ làm việc liên tục, Bộ Công an cam kết mở rộng, ta chuyển dữ liệu sang và ta cũng sẽ khai thác được dữ liệu từ đó…”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý về điều kiện, tiêu chuẩn cho cán bộ tư pháp, hộ tịch, LLTP.