* Thưa Thứ trưởng, nhớ lại những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 đe dọa nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất suốt ruột về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), nhưng kết thúc năm chúng ta có được kết quả bứt phá. Đâu là nguyên nhân, thưa Thứ trưởng?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện giải ngân đến hết tháng 11 là gần 330 nghìn tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470,6 nghìn tỷ đồng); Ước giải ngân đến 31/12/2020 là gần 390 nghìn tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Có thể nói, đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ các năm từ 2016 đến 2019 đạt lần lượt là: 80,3%, 73,3%, 66,87% và 67,46%). Đối với số vốn kéo dài các năm trước sang năm 2020, thực hiện giải ngân 11 tháng đạt 63,8% kế hoạch; ước giải ngân 12 tháng đạt 75% kế hoạch.
Có được kết quả đó, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác ĐTC năm 2020 (4 cuộc họp trong các tháng 4, 7, 8 và 10/2020); sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính làm trưởng đoàn, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt từ tháng 10 đến nay. Có 17 Bộ, cơ quan TW và 17 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến 31/12 /2020 đạt trên 80%, trong đó: 10 Bộ, cơ quan TW và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90%. Có 13 Bộ, cơ quan TW và 05 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%, trong đó: có 06 Bộ, cơ quan TW có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tỷ lệ giải ngân 97,3% kế hoạch. |
Một nguyên nhân nữa được kể đến là năm 2020 Luật ĐTC số 49/2014/QH13 (Luật ĐTC số 49) sẽ hết hiệu lực thi hành và bắt đầu từ năm 2021 Luật ĐTC số 39/2019/QH14 (Luật ĐTC số 39) sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó có rất nhiều điểm mới. Một trong những điểm mới đó là thay đổi thời gian giải ngân vốn kế hoạch ĐTC. Theo đó, Luật ĐTC số 39 buộc các Bộ ngành, địa phương giải ngân tốt hơn, nếu không sẽ bị trừ vào kế hoạch ĐTC trung hạn. Vì thế, nhiều dự án thúc đẩy giải ngân trong năm 2020 nên cũng góp phần làm cho tỷ lệ giải ngân năm 2020 cao…
* Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về quy định trong Luật ĐTC mới (Luật số 39)? Liệu quy định này có làm cho tỷ lệ giải ngân trong năm 2021 cao hơn mà không phải “thúc” nhiều?
Có thể nói, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC rất thấp. Có nhiều lý do, trong đó, về pháp luật, Luật ĐTC cũ (Luật số 49) cho phép giải ngân trong 2 năm. Đương nhiên, năm đầu không bao giờ tiêu hết tiền, nên tỷ lệ giải ngân của năm đó thấp…
Còn bắt đầu từ năm 2021, khi Luật ĐTC số 39 có hiệu lực, Luật chỉ cho phép giải ngân trong 1 năm, nếu không giải ngân hết sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn. Ví dụ, kế hoạch ĐTC giao 5.000 tỷ đồng, trong đó năm thứ nhất giao 1.000 tỳ đồng. Năm đó chỉ thực hiện được 800 tỷ đồng, tức là sẽ bị hủy 200 tỷ đồng. Như vậy kế hoạch trung hạn 5.000 tỷ đồng sẽ chỉ còn 4.800 tỷ đồng.
Quy định này cũng làm cho người lập kế hoạch ĐTC đúng hơn, sát hơn. Bởi trước đây, khi làm kế hoạch, Bộ ngành địa phương nào cũng muốn làm sao càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng bây giờ, nhiều tiền mà không giải ngân được, không những về mặt hành chính bị phê bình mà về kinh tế còn bị trừ tiền. Đương nhiên làm kế hoạch bao giờ cũng có thừa thiếu khi triển khai, nhưng đừng để khoảng cách quá lớn…
Bộ KH&ĐT cũng kỳ vọng năm 2021, với việc triển khai Luật ĐTC số 39, tiến độ giải ngân vốn ĐTC sẽ tốt hơn. Đến thời điểm tháng 6, tháng 9 Bộ KH&ĐT sẽ có thông báo về tiến độ giải ngân để chủ đầu tư có động thái, nếu không Luật sẽ trừ số tiền chưa giải ngân hết trong năm chứ không phải Chính phủ hay Bộ KH&ĐT trừ…
* Thưa Thứ trưởng, năm 2020 giải ngân vốn ĐTC được xem là động lực tăng trưởng kinh tế (GDP), vậy trong năm 2021 này, đây có còn là động lực tăng trưởng GDP?
Không thể khẳng định chắc chắn giải ngân ĐTC là động lực của tăng trưởng GDP trong năm 2020 dù rằng chưa bao giờ, tốc độ giải ngân ĐTC lại nhanh và mạnh như năm 2020.
Phân tích cụ thể, chúng ta đều biết rằng, công thức tính GDP có 3 yếu tố gồm: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Cả 3 yếu tố này đều có đóng góp vào tăng trưởng GDP. Do đó, không thể nói kết quả tăng trưởng dựa vào 1 động lực duy nhất. Ở đây, có thể đề cập theo hướng, trong tất cả các động lực giúp tăng trưởng thì động lực nào đóng góp cao nhất và tích cực nhất. Riêng với năm 2020, có thể khẳng định ĐTC là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP. Đơn cử, GDP là 100%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP, đầu tư công chiếm 25% của tổng đầu tư toàn xã hội, nghĩa là chiếm khoảng 6-7% của GDP (Con số này là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP). Điều này cũng khẳng định rằng, ĐTC có một vai trò quan trọng nhưng không phải là duy nhất.
* Thứ trưởng dự báo thế nào về năm 2021? Với vai trò Tổng tham mưu trưởng của nền kinh tế, Bộ KH&ĐT sẽ đặt trọng tâm vào công tác nào trong năm 2021?
Bước sang năm 2021, Bộ KHĐT dự báo nước ta tiếp tục có thuận lợi, đó là: sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi rõ, minh chứng là sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại với mức 2 con số; nông nghiệp duy trì ổn định và giá trị gia tăng cao; dịch vụ có thể tốt hơn, đặc biệt là sự nở rộ của dịch vụ công nghệ số. Xuất khẩu có thêm kỳ vọng vào FTA mới với Anh vừa ký hôm 29/11/2020 ngoài EVFTA và các hợp tác thương mại song phương, đa phương khác. Tất nhiên, vẫn phải lưu ý tới các yếu tố kìm hãm tăng trưởng, đó là: diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, căng thẳng thương mại và biến đổi khí hậu…
Riêng với Bộ KHĐT, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt công tác thông kê, dự báo, để tham mưu với Chính phủ có những động thái hành động, những chính sách kịp thời, sát nhất, tùy bối cảnh bên ngoài và năng lực nội tại của đất nước
* Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!