Đó là một trong những lý do quan trọng khiến các DN BOT giao thông không mặn mà với việc thực hiện DA ETC dẫn đến việc chậm triển khai. Trong khi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các trạm phải hoàn thành xong trước ngày 31/12/2019, nếu trạm nào chưa hoàn thành sẽ không cho thu phí.
Doanh nghiệp BOT thực hiện khiên cưỡng?
Theo tìm hiểu, vì đa số các DN BOT giao thông thực hiện ETC một cách khiên cưỡng; có thể một phần họ không muốn minh bạch, phần khác họ không muốn mất một khoản tiền lớn mà họ không được bàn bạc, thống nhất dựa trên những cơ sở tính toán khoa học.
Thu phí tự động không dừng là chủ trương của Chính phủ nhằm minh bạch hóa doanh thu BOT giao thông. Chính phủ giao cho Bộ GTVT thực hiện chủ trương này. Nhận trách nhiệm, Bộ GTVT ký với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) thực hiện DA từ năm 2014.
Theo đó, tại các trạm BOT, trường hợp VETC xây dựng cả hai hệ thống là hệ thống dữ liệu, thanh toán (Back End) và hệ thống kiểm đếm thì DN BOT hoàn trả cho VETC bằng 7% doanh thu cả đời DA BOT.
Còn nếu DN BOT tự xây dựng hệ thống kiểm đếm, rồi kết nối với hệ thống Back End của VETC thì mức phí phải trả bằng 2,7% doanh thu cả đời DA BOT. Nhiều DN BOT cho rằng cách tính này họ không được bàn bạc, thống nhất mà do Bộ GTVT ấn định xuống.
Xuất phát từ mâu thuẫn cốt lõi này, mặc dù Chính phủ đã nhiều lần đốc thúc, Bộ GTVT đặt quyết tâm cao nhưng DA ETC sau nhiều lần chậm tiến độ nay tiếp tục được thực hiện dè dặt, các DN BOT thực hiện trong khiên cưỡng.
Theo đại diện VETC, từ khi thực hiện DA đến nay (khoảng 5 năm), họ đã lỗ lũy kế 300 tỷ đồng; nếu tình trạng không được cải thiện, dự báo đến hết năm 2020 sẽ lỗ lũy kế 580 tỷ đồng. Tình trạng lỗ này, theo VETC là do các DN BOT không chịu hợp tác.
Theo đó, trong báo cáo mới nhất của VETC, đơn vị này cho biết: Một số NĐT BOT ở cửa ngõ các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM chưa triển khai đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng (TPTĐKD) để kết nối với trung tâm dữ liệu của DA, đặc biệt là các trạm trên các tuyến đường cao tốc; một số NĐT BOT chưa ký Phụ lục hợp đồng, hợp đồng dịch vụ; một số không bàn giao làn thu phí để VETC thực hiện đầu tư hệ thống TPTĐKD; số khác thì không trả phí dịch vụ cho VETC mặc dù trạm đã hoàn thành đầu tư và được Bộ GTVT nghiệm thu theo quy định.
Tại sao lại là chỉ 2,7% doanh thu?
Trước thực tế đó, VETC mong muốn Bộ GTVT tích cực hợp tác, tháo gỡ khó khăn, chia sẻ rủi ro với NĐT. Nếu những khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ, NĐT ETC muốn được phá sản, trả DA cho Bộ GTVT vì cổ đông không thể cứ đầu tư để rồi thua lỗ mãi.
Bộ GTVT sau đó không đồng ý với đề nghị trả DA của VETC, đồng thời cam kết với đơn vị này sẽ phối hợp với các đơn vị, trong đó có các DN BOT để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sớm đưa DA về đích. Có ý kiến cho rằng ETC chậm được triển khai có lỗi từ phía Bộ GTVT khi đơn vị này đã không có những biện pháp đủ mạnh để các DN BOT hợp tác với NĐT ETC. Theo các DN BOT, Bộ GTVT khi Bộ này chưa bàn bạc, thống nhất đã áp đặt con số 2,7% đến 7% doanh thu BOT trả phí cho DA ETC.
Trao đổi với PLVN, lãnh đạo NĐT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (VIDIFI) cho biết, đơn vị này xin Bộ GTVT tự lắp đặt hệ thống kiểm đếm, sau đó mới kết nối với hệ thống Back end của VETC để chỉ bị trừ 2,7% doanh thu BOT thay vì 7%.
Theo lãnh đạo VIDIFI, chỉ 2,7% nhưng tính cả tuổi đời DA thì con số này lên đến 1.300 tỷ đồng. “Thực tế còn có thể hơn”, vị này nói và thắc mắc không biết Bộ GTVT tính toán tỷ lệ 2,7% trên cơ sở nào.
“Chúng tôi không chấp nhận, lên Bộ hỏi con số 2,7% ở đâu ra thì được trả lời là phương án tài chính Bộ đã duyệt như vậy rồi”, lãnh đạo VIDIFI nói. Vị này thông tin thêm, không chỉ VIDIFI phản đối phương án tài chính trên mà nhiều đơn vị BOT khác cũng phản đối quyết liệt, tuy nhiên không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ Bộ GTVT.
Làm sao để người dân sử dụng ETC?
Theo VIDIFI, hiện đơn vị đang đầu tư 32 làn ETC tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Số tiền này đơn vị phải đi vay. Theo vị này, chủ trương ETC của Chính phủ là đúng đắn, minh bạch hóa doanh thu, chống tiêu cực; việc quản trị cũng thuận tiện hơn, giảm được nhân lực, tiền lương, lại không phải dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, để DA thành công, ngoài sự đồng thuận của các NĐT, Bộ GTVT nên chọn hình thức thanh toán tiện dụng để người dân dễ sử dụng như dùng ví điện tử. Với cách này, số dư trong ví vừa sinh lãi, đi qua các trạm BOT vẫn trừ được tiền. Ngoài ra nên có chế độ khuyến mại, khuyến khích, giảm giá để khuyến khích sử dụng. Sau khi thực hiện những giải pháp trên, cũng nên có chế tài đủ mạnh xử lý với những trường hợp không sử dụng ETC.