Khả năng đối mặt án tù chung thân
Borko Illincic, một người Serbia, 33 tuổi, đã bị Cảnh sát quốc gia bắt giữ tại thị trấn Alcala de Henares, ngay bên ngoài Madrid, Tây Ban Nha. Khi kiểm tra, người ta thấy Illincic đang sử dụng hộ chiếu Bosnia giả.
Illincic giờ sẽ phải đối mặt với khả năng lãnh án tù chung thân ở Dubai do tham gia vào một vụ cướp cửa hàng kim hoàn nằm trong trung tâm thương mại ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cách nay 7 năm, tại đó Báo Hồng lấy đi số nữ trang trị giá hơn 3 triệu USD.
Khi thông báo hoạt động bắt giữ Illincic, cảnh sát Tây Ban Nha cũng phát một đoạn video lấy từ camera an ninh do cảnh sát UAE cung cấp, có ghi lại vụ cướp hồi năm 2007. Trong đoạn video, người ta thấy một người đàn ông bịt mặt đang đập vỡ các tấm kính để lấy nữ trang trong căn phòng cạnh đó.
Đoạn video cũng có các cảnh bắt giữ Illincic. Một phát ngôn cảnh sát Madrid cho biết không rõ người đàn ông trùm đầu trong đoạn video có phải là Illincic hay không.
Đây là sự kiện gây chú ý đầu tiên trong năm 2014 liên quan tới Báo Hồng, băng cướp nổi tiếng vì có các màn ra tay chớp nhoáng, táo tợn và đặc biệt là hầu như không gây đổ máu.
Trước đó, vào tháng 5 năm ngoái, băng cướp đã tới thành phố Cannes của Pháp để trộm nữ trang. Tổng cộng số nữ trang trị giá 1,6 triệu USD đã bị lấy khỏi két chứa nằm trong phòng khách sạn của một nhà kim hoàn Mỹ làm việc cho thương hiệu Chopard - một trong những nhà kinh doanh kim cương nổi tiếng nhất Thụy Sĩ.
Chỉ hai tháng sau đó, chúng đã trở lại Cannes và tấn công khách sạn Carlton, lấy đi số nữ trang Chopard trị giá gần 100 triệu USD, vốn đã được các sao như Cara Delevingne và Penelope Cruz đeo trong LHP Cannes. Vụ cướp, thuộc hàng lớn nhất trong lịch sử, chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 30 giây.
Lối ra tay thông minh và táo tợn
Cho tới nay mới chỉ có vài thành viên Báo Hồng sa lưới. Các luật sư bào chữa cho một số kẻ bị bắt nói rằng cái tên Báo Hồng chỉ là sản phẩm tưởng tượng, do những kẻ thích kịch tính hóa vấn đề nghĩ ra. Nhưng nhiều cơ quan cảnh sát châu Âu tin rằng đó là băng cướp có thực, là cái tên lớn trong giới trộm cướp kim cương, nữ trang.
Băng Báo Hồng đã thường xuyên thực hiện các hoạt động dò la quanh nhiều thủ đô tập trung các tiệm kim hoàn lớn trên thế giới, tìm kiếm con mồi dễ hạ, vốn được các chuyên gia gọi là các "mục tiêu mềm". Báo Hồng đã cướp đi số nữ trang trị giá hàng trăm triệu USD tại các vụ cướp ở Dubai, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Luxembourg, Tây Ban Nha và Monaco.
Hình ảnh trích ra từ video an ninh ghi lại vụ cướp nữ trang của Báo Hồng ở Cannes, Pháp |
Thành viên trong băng đều sống ở châu Âu, với một số làm các công việc vặt như lao công bệnh viện, chỉ để chờ được triệu tập và tham gia các phi vụ "ăn hàng" ở đâu đó. “Gần như tất cả thành viên Báo Hồng đều rất thông minh" - luật sư thuộc cơ quan công tố Pháp Gilbert Lafaye từng thốt lên trong phiên xử 2 thành viên băng cướp - "Nhưng với trí tuệ như thế, không thể hiểu vì sao chúng lại ham thích việc kiếm tiền nhanh theo lối bất chính".
Sự thông minh, ma mãnh, táo tợn và tốc độ luôn là các đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong nhiều phi vụ của Báo Hồng. Mọi phi vụ của băng đều giống như một bộ phim Hollywood.
Ví dụ vào năm 2004, các thành viên Báo Hồng ăn mặc bặt thiệp đã tổ chức một phi vụ "ăn hàng" chớp nhoáng tại cửa hàng Graff ở quận Ginza của Tokyo. Chỉ trong vòng 3 phút, những tên cướp đã khống chế các nhân viên trong tiệm và mang đi một viên kim cương vàng cực hiếm trị giá 3,5 tỷ yên (tức khoảng 38 triệu USD).
Bọn cướp còn lấy được một chiếc dây chuyền 125 carat gồm 116 viên kim cương mang tên Comtesse de Vendôme, có trị giá 31,5 triệu USD. Toàn bộ phi vụ đã được camera an ninh ghi lại, nhưng các nghi phạm chưa từng bị bắt.
Năm 2007, băng Báo Hồng đã thuê một chiếc xe sang Bentley chạy tới một cửa hàng kim hoàn ở Mayfair, London và bình tĩnh cướp đi một lượng lớn nữ trang, trước khi lên xe tẩu thoát. Không ít vụ, Báo Hồng thể hiện sự tính toán cẩn thận, thông minh, bên cạnh sự táo tợn, khiến cơ quan điều tra phải kinh ngạc.
Ví dụ như tại vụ cướp tiệm kim hoàn ở vùng Biarritz của Pháp, băng cướp đã ma mãnh quét sơn mới lên một chiếc ghế đặt phía trước cửa tiệm, khiến người qua đường không thể ngồi xuống và phát hiện phi vụ của chúng.
“Công thức của chúng luôn giống nhau." - quan chức Olivier Jude thuộc cơ quan cảnh sát Monaco của Pháp nhận xét -"Rất nhanh, rất có tổ chức, đông kẻ tham gia thực hiện phi vụ và kèm theo yếu tố bạo lực. Những tên cướp luôn chuẩn bị sẵn búa đập kính để nhanh chóng lấy được nữ trang".
“Dự án Báo Hồng”
Mùa Hè năm 2007, Báo Hồng tấn công cửa hàng kim hoàn Ciribelli ở Monte Carlo, Monaco, buộc cảnh sát ở đây phải mở một cuộc hội thảo quốc tế để bàn cách chống lại băng này. Interpol giờ đang chủ trì "Dự án Báo Hồng" nhằm chia sẻ và điều phối thông tin liên quan tới hoạt động của băng.
Và dù hết sức tinh vi, không phải lúc nào hoạt động của Báo Hồng cũng diễn ra suôn sẻ, chẳng để lại vết tích gì. Tại vụ cướp Dubai, các nhà điều tra đã tìm thấy dấu vết DNA trong 2 chiếc xe sang Audi mà bọn cướp dùng để lao vào trong trung tâm mua sắm. Người ta cũng có số điện thoại di động mà chúng sử dụng khi đăng ký thuê xe.
Các manh mối này khiến cơ quan điều tra lần ra một cô gái 27 tuổi sống ở Nis, thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Nga. Số điện thoại mà cô gái sử dụng tiếp tục dẫn tới 6 người đàn ông khác. Khi bị bắt, một số phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới các vụ cướp nữ trang, trong khi vài kẻ lại khai nhận chi tiết.
Ví như Boban Stojkovic, hắn khai: “Tôi không đề nghị các vị rủ lòng khoan dung. Bởi tôi biết mình phải trả giá vì phạm tội." - Stojkovic nói trong phiên tòa xử mình - "Nhưng hãy để cho tôi một cánh cửa ngỏ để làm lại cuộc đời".
Sự thông minh và bặt thiệp của Stojkovic thậm chí khiến luật sư của anh này là Emmanuel Auvergne-Rey nói rằng thân chủ của mình là "tên cướp quý phái". "Anh ấy thực hiện các vụ cướp với mức độ bạo lực tối thiểu" - Auvergne-Rey nói và cho biết thêm. "Tôi thấy anh ấy hết sức ngọt ngào, lịch sự và dễ thương".