Sau 30 năm mới "đền tội" giết người vì đạo luật “cấm vợ tố chồng”

Menzies Hallett tại tòa án
Menzies Hallett tại tòa án
(PLO) - Hung thủ sau khi ra tay giết người đã tự thú với vợ của mình. Song, vì một đạo luật cấm người vợ đứng ra làm chứng chống lại chồng mình trước tòa, kẻ thủ ác đã nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật gần 30 trời mới phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình. 
Giết người vì không được đổ xăng
Ngày 16/8/1979, ông Menzies Hallett (SN 1941) nhận được lá thư từ người vợ đang sống ly thân là bà Susan Sharpe. Trong thư, bà Susan nói sẽ không cho ông ta được quyền chăm sóc 2 con gái chung. Đọc xong bức thư, Menzies nổi trận lôi đình, nhấc điện thoại gọi cho bà Susan và đe dọa bà rút lại lời nói nếu không muốn phải gánh chịu hậu quả.
Không dừng lại ở lời nói, ông ta đã cùng một người bạn lái xe tới nhà bà Susan ở cách đó không xa. Trước khi đi, Menzies còn giắt một khẩu súng lục vào thắt lưng.
Theo lời người bạn của Menzies, tại nhà bà Susan, 2 vợ chồng đã xảy ra cãi vã khá gay gắt. Trong lúc cãi nhau, Menzies đã rút khẩu súng ra, chĩa về phía chiếc bình sứ đặt ở giữa nhà. Trước khi bà Susan kịp phản ứng gì thì ông ta đã bóp cò. Viên đạn đầu tiên đi chệch, ông ta liền nhả phát đạn thứ 2 khiến chiếc bình vỡ tan. Trong khi bà Susan vẫn đang choáng váng thì Menzies đã bỏ đi. 
Tối hôm ấy, anh Rodney Tahu (SN 1948) trực một mình tại trạm xăng, nhân thấy không có thêm khách hàng nào nên Rodney quyết định đóng cửa và đặt báo thức lúc 1h sáng.
Đúng lúc anh đang chuẩn bị về nhà thì chiếc xe của Menzies trờ đến trước một cột bơm xăng. Ông ta bấm còi inh ỏi nhưng Rodney nói rằng trạm xăng đã đóng cửa. Đang sẵn cơn tức tối nên ông ta liên tục buông những lời nói khó nghe với Rodney. Khi anh Rodney vẫn nhất quyết không mở lại cửa trạm xăng, Menzies đã lớn tiếng chửi Rodney là “đồ con hoang da đen” rồi rút súng ra và tiến về phía anh này. 
Anh Rodney thấy vậy vội vã chạy quanh những cột bơm xăng trong khi Menzies vừa đuổi theo vừa chĩa súng về phía anh này. Viên đạn đầu tiên bay trượt nhưng viên thứ 2 đã găm vào vai Rodney. Bị trúng đạn, anh ngã gục xuống. Chỉ chờ có vậy, Menzies xông tới giẫm lên người Rodney và bắn tiếp vào nạn nhân rồi quay xe chạy một mạch về nhà vợ. 
Một lúc sau đó, xe cứu thương được gọi đến trạm xăng và đưa anh Rodney tới Bệnh viện Taumarunui. Song, dù các bác sỹ đã rất cố gắng nhưng nạn nhân Rodney Tahu vẫn qua đời vào lúc 5h42 sáng 17/8/1979. 
Về phần Menzies, sau khi về đến nhà bà Susan, ông ta đã thú nhận toàn bộ hành vi của mình với vợ. Ông ta còn nói rất rõ về sự tức giận khi nhận được thư của bà, về cuộc tranh cãi với anh Rodney và cách thức ông ta bắn chết anh này. Ông ta còn chìa cho bà Susan xem khẩu súng được dùng trong vụ giết người và ném khẩu súng lên giường của bà. 
Đến sáng hôm sau, khi nghe thông tin về vụ sát hại anh Rodney trên truyền hình, Menzies đã mang khẩu súng mang đi phi tang. Khi hắn ta vừa đi khỏi, bà Susan đã gọi cho luật sư và vị luật sư sau đó báo cảnh sát về các thông tin mà bà Susan cung cấp.
Khi Menzies lái xe về đến nhà thì một nhóm cảnh sát cũng được lệnh đến nhà ông ta. Vừa thoáng nhìn thấy cảnh sát, ông ta liền quay xe bỏ chạy. Trong cuộc rượt đuổi sau đó, Menzies đã rút một khẩu súng ra để uy hiếp cảnh sát nhưng không may lại tự bắn vào người mình. Sau khi được đưa vào bệnh viện, Menzies đã bị truy tố về tội giết người và phải hầu tòa 2 tháng sau đó.
Nạn nhân Rodney Tahu
Nạn nhân Rodney Tahu 
Công lý bị từ chối vì đạo luật oái oăm
Phiên tòa xét xử Menzies về cáo buộc “Giết người” những tưởng sẽ diễn ra nhanh chóng với bản án thích đáng dành cho hắn ta. Tuy nhiên, đây lại chỉ là khởi đầu cho một câu chuyện khó tin. Bởi theo Đạo luật Bằng chứng đang được áp dụng tại New Zealand ở thời điểm xảy ra vụ án mạng, để bảo vệ mối quan hệ giữa vợ chồng, đạo luật này quy định các cặp vợ chồng không được quyền làm chứng chống lại người kia trước tòa án. 
Việc này đồng nghĩa với việc những lời khai của bà Susan Sharpe về những lời thú tội của Menzies với bà không có giá trị pháp lý tại tòa án. Vì thiếu nhân chứng và cũng không tìm được khẩu súng gây án nên tòa sau đó đã không thể buộc tội Menzies và buộc phải thả ông ta ra.
Trong suốt hàng chục năm sau đó, Menzies đã sống khá thoải mái mà không hề lo lắng về hình phạt cho tội ác mà ông ta đã gây ra. Trên thực tế, người dân tại North Island đều biết chắc Menzies Hallett đã giết người và bức xúc về sự phi lý của luật pháp nhưng vẫn không thể làm gì được. 
“Ông ta vẫn dương dương tự đắc đi khắp thị trấn như không có chuyện gì xảy ra dù tất cả mọi người ở đây đều biết rõ về vụ án. Chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao ông ta lại không bị đưa ra xét xử trước pháp luật như vậy”, ông Brian Garlick, một người quen cũ của Menzies nhớ lại. 
Bắt giữ và hầu tòa
Chuỗi ngày bình an vô sự của Menzies kết thúc vào năm 2006, khi giới chức New Zealand thay đổi khái niệm đã lỗi thời trong Đạo luật Bằng chứng, theo đó cho phép một người đứng ra làm chứng chống lại vợ/chồng của mình. Với động thái này, đến năm 2011, luật pháp cuối cùng cũng đã “sờ” tới Menzies Hallett.
Trong nhiều năm liền kể từ sau cái chết của người bạn thân là Rodney, Cảnh sát trưởng Michael Sullivan vẫn luôn để ý đến Menzies. Ngay sau khi đạo luật nói trên được thực thi, ông đã nhanh chóng hối thúc các đồng nghiệp mở lại vụ án giết người xảy ra năm 1979, với nghi phạm chính là Menzies Hallett. Các điều tra viên đã dành ra 1 năm để lập hồ sơ về vụ việc và bắt giữ Menzies Hallett về cáo buộc giết người vào cuối năm 2012. 
Tại phiên tòa xét xử diễn ra sau đó, Menzies, lúc này đã 72 tuổi, vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Trước tòa, ông ta phủ nhận cáo buộc giết người nhưng thừa nhận ông ta đã kéo cò dẫn đến việc giết chết anh Rodney Tahu. Để chứng minh được hành vi cố ý giết người của Menzies, cơ quan công tố đã mời đến tòa một số người làm chứng chống lại ông ta, trong đó có bà Susan Sharpe. Trình bày tại tòa án, bà Susan kể lại rành rọt lời thú tội mà chồng cũ đã nói với bà về vụ sát hại anh Rodney. Bà Susan cũng kể đã nhìn thấy khóe mắt Menzies ướt đi khi kể cho bà về vụ việc.
Cuối cùng, sau phiên tòa kéo dài 2 tuần rưỡi, bồi thẩm đoàn tại Tòa án Tối cao Rotorua đã nhất trí buộc tội “Giết người” đối với Menzies Hallett. Với tội trạng này, ngày 12/7/2013, ông ta đã bị kết án tù chung thân.

Tin cùng chuyên mục

Nguyễn Duy Khanh (áo trắng) cùng đồng bọn bị bắt giữ. (Ảnh: CTTĐT BCA)

Đà Nẵng: Triệt phá đường dây cá độ bóng đá với số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ

(PLVN) - Theo CTTĐT Bộ Công an, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng An ninh mạng) - Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Công an quận Hải Châu và Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt xóa một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng quy mô liên tỉnh, thành phố, với tổng số tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ đồng.

Đọc thêm

Cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông lĩnh 30 tháng tù

Các bị cáo trong vụ án.
(PLVN) - Sáng 15/11, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên án với các bị cáo trong vụ sụt lún nghiêm trọng xảy ra tại gói thầu khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công hạng mục san nền và bảo vệ mái dốc (gói thầu 02XL); thuộc dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào Khu công nghiệp Nhân Cơ với mức tổng đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng.

Liên quan vụ bắt giữ ca sĩ Chi Dân và người mẫu An Tây: Còn nhiều đối tượng khác trong diện mở rộng điều tra

Từ vụ 4 nữ tiếp viên xách ma tuý từ nước ngoài về, đến nay cơ quan công an khởi tố, bắt 1.132 đối tượng. (Ảnh: Hải quan cung cấp)
(PLVN) - Liên quan vụ án, hiện còn nhiều đối tượng khác tham gia nhưng trong diện mở rộng điều tra nên công an chưa thông tin chi tiết. Sở dĩ việc bắt giữ các bị can trên được công bố vì các đối tượng là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng nhất định trên mạng xã hội...

Truy bắt nhanh đối tượng cướp tài sản ở TP Hạ Long

UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh khen thưởng đột xuất Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố và 6 cán bộ, chiến sỹ của Đội.
(PLVN) -  Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) mới truy bắt được Đỗ Hoàng Thanh (sinh năm 2005, đăng ký thường trú tại tổ 4, khu 1, phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long) - đối tượng có hành vi dùng hung khí tấn công gây thương tích người dân, cướp tài sản.

Con đường vướng vòng lao lý của những người gieo rắc “cái chết trắng”

Phạm nhân Sồng A Đùa (Sn 1984), hiện đang chấp hành án tại Trại giam Yên Hạ, C10, Bộ Công an.
(PLVN) -   Khà A Tú và Sồng A Đùa, hai chàng trai người Mông từng ôm mộng đổi đời, đã sa vào con đường buôn bán ma túy, gieo rắc "cái chết trắng" tự đẩy mình vào vòng lao lý. Giờ đây, giữa chốn ngục tù, trong những năm tháng cải tạo chỉ còn lại sự ân hận muộn màng cho một lựa chọn sai lầm đã đánh đổi bằng cả tương lai và gia đình.