Báo chí Trung Quốc và Nhật Bản tiết lộ: Thực tế, hồi năm 1994, quân đội Mỹ đã lên kế hoạch ném bom Triều Tiên. Khi đó, Trung tâm Nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đã tinh luyện được nhiên liệu và bắt đầu chế tạo bom hạt nhân Plutonium khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế rất lo ngại.
Vì vậy, Lầu Năm góc đã hoạch định một kế hoạch tấn công cơ sở hạt nhân này của Bình Nhưỡng, tuy nhiên kế hoạch này đã không thể thực thi do vấp phải sự phản đối quyết liệt của Tổng thống Hàn Quốc lúc đó – ông Kim Young-sam.
“Đường dẫn” đến miệng hố chiến tranh
Năm 1991, Liên Xô cũ tan rã, Nga chấm dứt mọi sự ủng hộ, giúp đỡ về kinh tế đối với Triều Tiên. Ngày 31/12/1991, Triều Tiên và Hàn Quốc ký kết một văn kiện có tính chất hiệp định về vấn đề an toàn hạt nhân có tên “Tuyên bố chung về việc phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên” với các nội dung cụ thể:
“Hai nước cam kết không thí nghiệm, không chế tạo, không sản xuất, không nhận, không sở hữu, không tàng trữ, không bố trí, không sử dụng vũ khí hạt nhân; Hàn Quốc và Triều Tiên sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; Hàn Quốc và Triều Tiên không có thiết bị tái xử lý hạt nhân và thiết bị tinh chế Plutonium”.
Cận cảnh Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon |
Tháng 2/1992, sau khi Tuyên bố chung chính thức có hiệu lực, Mỹ và Hàn Quốc đã tạm đình chỉ cuộc diễn tập quân sự chung thường niên tiến hành vào tháng 3. Tháng 4/1992, chính phủ Triều Tiên chấp nhận đón Đoàn kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào kiểm tra, nhưng các bên đánh giá kết quả kiểm tra có sự khác biệt, Hai bên Hàn – Triều lại đàm phán và đạt được một hiệp nghị và kiểm tra lẫn nhau, nhưng lại bất đồng về đối tượng kiểm tra cụ thể; vì vậy hiệp nghị này trở nên không có hiệu lực.
Ít lâu sau, vệ tinh trinh sát của Mỹ và Pháp chụp được các bức ảnh về một số thiết chế lạ ở khu vực quận Yongbyon, tỉnh Pyongan Bắc, Triều Tiên, Để làm rõ sự thực, IAEA yêu cầu Triều Tiên cho phép tiến hành kiểm tra 2 cơ sở ở Yongbyon.
Tuy nhiên, Triều Tiên kiên quyết cự tuyệt lấy lý do việc này liên quan đến chủ quyền quốc gia. Để gia tăng áp lực đối với Triều Tiên, tháng 10/1992, Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố khôi phục lại cuộc diễn tập quân sự chung năm 1993. Triều Tiên đáp lại bằng cách tuyên bố hủy bỏ các cuộc đối thoại giữa hai bên về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời hủy bỏ cuộc hội đàm lần thứ 9 giữa thủ tướng hai nước dự kiến vào tháng 12/1992.
Tháng 1/1993, Triều Tiên một lần nữa cự tuyệt yêu cầu kiểm tra của IAEA. Tháng 3/1993, Mỹ, Hàn tiến hành cuộc diễn tập quân sự chung lấy Triều Tiên làm kẻ địch giả tưởng. Bình Nhưỡng lập tức ra tuyên bố đưa đất nước vào trạng thái “chuẩn bị chiến tranh”. Tiếp đó, ngày 12/3, họ gửi thư cho Hội đồng Bảo an LHQ và các quốc gia trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, thông báo Triều Tiên chính thức rút khỏi Hiệp ước này.
Chuyên gia IAEA kiểm tra cơ sở hạt nhân của Triều Tiên |
Tháng 4/1993, Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham và Ngoại trưởng Hàn Quốc gặp nhau ở Bangkok, đạt được nhận thức chung về giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại. Do nỗ lực của Trung Quốc và Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ đồng ý đến 10/5 sẽ tổ chức gặp gỡ cấp cao tại Bắc Kinh.
Đầu tháng 5, để nâng cao vị thế trước cuộc gặp gỡ, Triều Tiên phóng tên lửa “Rodong-1” có tầm bắn 1000km, Mỹ lập tức kịch liệt lên án vì vậy cuộc gặp mặt cấp cao Triều-Mỹ bị gác lại. Ngày 26/5, ông Tiền Kỳ Tham thăm Hàn Quốc bàn tiếp tục thúc đẩy việc tiếp xúc.
Ngày 2/6 Triều-Mỹ tổ chức vòng đàm phán cấp cao đầu tiên tại New York, sau 4 vòng đàm phán, Triều Tiên tuyên bố tạm thời không rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngày 11/6, hai bên ra Tuyên bố chung xác định 3 nguyên tắc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Ngày 10, 11/7, trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ cấp cao Triều-Mỹ giai đoạn 2, Tổng thống Mỹ B.Clinton thăm Hàn Quốc, tuyên bố: Nếu Triều Tiên nghiên cứu chế tạo và sử dụng vũ khí hạt nhân “sẽ dẫn đến sự tiêu hủy quốc gia họ”; Triều Tiên lập tức đáp trả bằng tuyên bố cứng rắn.
Từ 14 đến 19/7, hai bên hội đàm giai đoạn 2 tại Geneve, ra được Tuyên bố chung tái khẳng định những nội dung của “Tuyên bố chung Triều-Mỹ”, Mỹ bảo đảm không đe dọa và không sử dụng vũ lực, cung cấp lò phản ứng nước nhẹ cho Triều Tiên; Triều Tiên sớm khôi phục tiếp xúc với IAEA…
Tháng 12/1993, Tổng thư ký LHQ Butros Ghali lần lượt sang thăm Triều Tiên và Hàn Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên xuất hiện xu thế hòa dịu rõ rệt…Ngày 15/2/1994, Triều Tiên đạt được thỏa thuận với IAEA về việc tiến hành kiểm tra 7 cơ sở hạt nhân. Ngày 25/2 Hàn-Mỹ đồng ý ngừng cuộc diễn tập quân sự “Tinh thần đồng đội 1994”…Triều-Mỹ dự định tổ chức cuộc gặp gỡ cấp cao lần 3 tại Geneve vào ngày 21/3/1994.
Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên |
Tháng 3/1994, IAEA khi kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên bị Triều Tiên ngăn cản kiểm tra cơ sở số 7 – nơi tinh chế Plutonium. Ngày 16-17/3, Bình Nhưỡng liên tiếp tổ chức diễn tập phòng không. Ngày 19/3, cuộc gặp gỡ cấp cao Triều-Mỹ tan vỡ, Triều Tiên tuyên bố gia tăng áp lực “Xung đột không tránh khỏi, chiến tranh không tránh khỏi”, “biến Seoul thành biển lửa nếu chiến tranh nổ ra”.
Ngày 21/3, Tổng thống B.Clinton tuyên bố bố trí 6 căn cứ tên lửa Patriot với 48 bệ phóng tại Hàn Quốc. Ngày hôm sau, trưởng đoàn kiểm tra IAEA báo cáo trước LHQ: “Triều Tiên đã có đủ năng lực tái gia công Plutium để sản xuất bom hạt nhân, lượng Plutonium thực tế có nhiều hơn số họ thừa nhận.
Suýt xảy ra thảm họa
Ngày 21/3, Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam triệu tập Hội nghị an ninh quốc gia khẩn cấp; ngày hôm sau, ông ban bố lệnh đặt quân đội trong trạng thái chuẩn bị chiến tranh. Phía Triều Tiên lập tức lên án hành động của ông Kim Young-sam là “chuẩn bị chiến tranh toàn diện”, “theo đuôi thế lực ngoại bang, đơn phương cắt đứt đối thoại dân tộc, đưa đất nước đến bên miệng hố chiến tranh nguy hiểm”, gọi ông là “quốc tặc”, “kẻ phản bội dân tộc”…; kêu gọi nhân dân Hàn Quốc “quả đoán đấu tranh tiêu diệt bè lũ bán nước”.
Ngày 23/3, hãng KCNA tuyên bố: Triều Tiên đã chuẩn bị cho cả hai khả năng chiến tranh và đối thoại, “dùng đối thoại đáp lại đối thoại, lấy chiến tranh đáp lại chiến tranh”.
Vào lúc Triều Tiên và Hàn Quốc đang đối đầu kịch liệt, ông B.Clinton gọi điện cho ông Kim Young-sam thông báo Mỹ đã chuẩn bị ném bom Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon; đưa 1 tàu sân bay, 7 tàu tuần dương và khu trục đến gần bờ biển phía Đông Triều Tiên.
Hai Tổng thống Bill Clinton và Kim Young-sam |
Ông Kim Young Sam lập tức phản đối, nói: “Cuộc tấn công đó quyết không nên diễn ra” vì “nếu Mỹ tiến công ắt sẽ nổ ra cuộc chiến tranh toàn diện, biến Seoul thành biển lửa, khiến hàng chục triệu người Hàn Quốc thương vong, dẫn tới kinh tế Hàn Quốc triệt để tan tành”. Ông nói với B.Clinton: “Nếu Mỹ đánh Triều Tiên, tôi sẽ không cho bất cứ người nào trong số 650 ngàn quân lính Hàn Quốc tham chiến”.
(Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tính toán: trong 90 ngày đầu chiến tranh quân Mỹ sẽ chết 52.000 người, quân đội Hàn Quốc mất 490.000, thương vong của Triều Tiên và dân chúng Hàn Quốc còn lớn hơn). Trước thái độ kiên quyết của ông Kim Young-sam, B.Clinton buộc phải hủy bỏ mệnh lệnh ném bom cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Sau này, năm 2006, khi đã rời Nhà Xanh, có lần một phóng viên hỏi về sự kiện khủng hoảng năm 1994, ông Kim Young-sam đã nói: “Khi đó tôi đã có nhiều cuộc điện thoại với Tổng thống B.Clinton, mạnh mẽ yêu cầu ông ta ngừng ngay hành động đó”. Sau đó, mỗi khi nghĩ về hậu quả của việc nếu quân Mỹ ném bom Triều Tiên, ông vẫn còn rùng mình…