Khảo sát tại khu vực Trung tâm đăng kiểm 2903S - Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội sáng ngày 22/3 vẫn có rất đông các lái xe chờ đợi đến lượt đăng kiểm.
Anh Duy Đăng – một tài xế đang chờ đến lượt đăng kiểm tại Hà Nội chia sẻ: “Quy định mới về giãn thời gian đăng kiểm rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Như với xe 5 chỗ của tôi xong đợt đăng kiểm này 2 năm sau mới phải đi đăng kiểm tiếp, không phải xếp hàng như thế này nữa là quá là tốt”.
Anh Đinh Tùng Sơn (trú tại Phú Thọ) vừa sở hữu chiếc xe ô tô được một tháng trước cho biết: “Về phần miễn kiểm định ô tô mới, quyết định này có thể được xem là một tin vui cho những người sở hữu ô tô mới như tôi, vì tôi sẽ không phải chi trả phí kiểm định ban đầu”.
Chị Lê Diệu Huyền (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) tâm sự: “Mặc dù nhà tôi ngay sát trạm đăng kiểm 29-08D, đầu tháng 4 này là xe tôi hết hạn đăng kiểm, mấy lần đi làm về nhìn vào thấy các phương tiện xếp hàng dài dằng dặc để đợi đến lượt đăng kiểm tôi cũng rất quan ngại. Tôi cho rằng việc điều chỉnh một số nội dung theo thông tư 16 là hợp tình, hợp lý. Bởi sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền của cho người dân, cho doanh nghiệp”.
Còn với anh Minh Trần, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thì đây là một tin tốt và hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp của anh.
“Vì kéo dài thời hạn đăng kiểm thì doanh nghiệp của tôi sẽ không phải đi đăng kiểm nhiều lần, vừa tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn cho việc đăng kiểm, vừa có thời gian để sử dụng và khai thác thiết bị, phương tiện hiệu quả đem lại lợi ích về kinh tế cho doanh nghiệp” – Anh Minh Trần cho biết.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng việc kéo dài chu kỳ đăng kiểm cho xe gia đình có thể gây ra lo ngại về độ an toàn cho các phương tiện không được kiểm định thường xuyên, các vấn đề liên quan đến hệ thống phanh, hệ thống lái, động cơ và các phần khác của xe có thể không được phát hiện kịp thời và sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với người sử dụng và người tham gia giao thông.
Trước lo ngại này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cũng khẳng định: Việc điều chỉnh giãn chu kỳ đăng kiểm xe cơ giới phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam dựa trên mục tiêu số 1 là đảm bảo an toàn của phương tiện và người dân.
Cũng theo Cục Đăng kiểm, với số ôtô mới năm 2022 khoảng 455.000 xe theo dự báo gia tăng ôtô hàng năm tại Việt Nam, thì trong năm 2023 sẽ có khoảng hơn 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu. Số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 là khoảng trên 3 triệu xe.
Việc Thông tư số 16 nhanh chóng có hiệu lực kỳ vọng sẽ là giải pháp quan trọng góp phần giảm bớt áp lực cho công tác đăng kiểm hiện nay.
Trung tâm đăng kiểm 2903S - Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm |
Trước đó, nhưng Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến thời điểm ngày 20/3, hơn 80% trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số lượng dây chuyền hoạt động hiện tại mới chỉ đạt khoảng 73%.
Trước thực tế về công tác kiểm định xe cơ giới trên cả nước thời gian vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư sửa đổi có hiệu lực từ 0h ngày 22/3/2023 với sửa đổi 7 điều và 5 phụ lục trên 18 điều và 19 phụ lục của Thông tư cũ.
Trong đó, có 2 nội dung đáng chú ý. Đó là: Miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng. Thứ hai là điều chỉnh chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới.
Cụ thể, điều kiện của phương tiện miễn kiểm định lần đầu là có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ, sẽ được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.
Điều chỉnh chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới: Đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng.
Thời gian sản xuất đến 7 năm, chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng. Thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm), chu kỳ giữ nguyên 12 tháng. Thời gian sản xuất trên 20 năm, chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.
Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng. Thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; Thời gian sản xuất trên 5 năm chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.
Nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.
Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.