Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, ngay sau khi xuất hiện thông tin Hàn Quốc tạm dừng nhập khẩu sản phẩm ớt của Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tiến hành kiểm tra, xác minh. Ngay sau đó, Cục BVTV đã làm việc với đối tác phía Hàn Quốc là Cơ quan an toàn thực phẩm Hàn Quốc và Văn phòng SPS Việt Nam để làm rõ thông tin.
“Tính đến thời điểm trước ngày 27/6, các cơ quan chức năng của Bộ chưa nhận được bất kỳ thông báo nào của Hàn Quốc về việc cấm nhập khẩu các lô hàng ớt của Việt Nam, cũng như thu hồi các lô hàng ớt xuất khẩu (XK) của Việt Nam như thông tin lan truyền” - ông Hoàng Trung xác nhận.
Thứ trưởng Hoàng Trung cũng khẳng định, theo thống nhất giữa cơ quan chức năng hai nước, sau khi đã XK ớt sang Hàn Quốc, nếu có bất kỳ vi phạm gì sẽ được thông báo ngay, do vậy thông tin lan truyền vừa qua là không chính xác.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, để xúc tiến XK ớt sang các thị trường, trong đó có Hàn Quốc, Cục BVTV đã nhiều lần hướng dẫn các DN thực hiện nghiêm các yêu cầu của phía đối tác. Trong đó, một trong các điều kiện tiên quyết là các lô ớt trước khi XK phải đưa mẫu vào các phòng xét nghiệm để kiểm tra, loại trừ việc còn tồn dư các hóa chất mà phía Hàn Quốc cấm (hiện cả 8 phòng lab của Việt Nam đều được phía Hàn Quốc thẩm định làm các mẫu xét nghiệm để được XK sang Hàn Quốc).
Được biết, trước đó, ngày 27/6, Văn phòng SPS Việt Nam có công văn gửi Cục BVTV thông báo của Hàn Quốc về sản phẩm ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Theo đó, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cho biết lô hàng của Công ty TNHH Long Thành sản xuất năm 2022 có mức dư lượng tricyclazone trong các mẫu ớt đỏ khô dao động 0,02 - 0,04mg/kg, vượt quá mức cho phép của Hàn Quốc (0,01mg/kg).
Phía Hàn Quốc đã cho thu hồi sản phẩm ớt đỏ khô do ba công ty nước này phân phối từ Công ty Long Thành, gồm Công ty TNHH thương mại Geosan, Công ty TNHH nông nghiệp Bokine, Công ty TNHH nông nghiệp Yangil. Đến ngày 27/6, Văn phòng SPS Việt Nam không nhận được bất cứ thông báo nào về việc Hàn Quốc cấm nhập khẩu sản phẩm ớt của Việt Nam như thông tin trên mạng xã hội.
Cục BVTV đã có yêu cầu DN tuân thủ các nội dung quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.
Ngoài ra, DN phải điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, XK của DN; tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm, gửi Báo cáo kết quả thực hiện truy xuất và các biện pháp khắc phục về Cục trước ngày 27/7/2023.