Cuốn sách gồm 56 tản văn hơn 270 trang viết của Trang Thùy với lối viết tự nhiên như o phụ nữ Huế kể chuyện với khách đường xa vẫn lay động những ai cầm trên tay tác phẩm này - một tác phẩm dễ đọc mà không dễ viết.
Thơm xứ Thần Kinh có nỗi nhớ của một người sống ở Huế mà vẫn nhớ Huế. Tác giả khơi gợi người đọc vào "không gian ký ức văn hoá" riêng từ những điều giản dị thường ngày gắn với tuổi thơ, thời thiếu nữ đến khi trở thành người phụ nữ xốc vác chuyện gia đình. Không gian văn hóa bình dân đó nuôi dưỡng trái tim yêu cái đẹp của Trang Thùy, hoà cùng ký ức với bao người được sinh ra, lớn lên, ở lại, từng ngang qua Huế. Những bước chân khám phá vùng đất di sản, phong tục tập quán với: Tiếng chuông thanh thoát hương lành, Đóa sen trong cõi tịnh, Trời hành cơn lụt, Mùi của tết, Dã ngoại Thiên An xưa và nay, Nghệ thuật hào soạn trong mâm cỗ của người Huế. Giai điệu chung khi viết về thắng cảnh, nếp sống, nếp sinh hoạt đời thường là lòng tự hào, có niềm vui gom nhặt bé nhỏ xen chút man mác buồn tiếc. Ở gần như vậy ngay giữa TP. Huế nhưng nỗi nhớ về những điều thân thuộc ngập tràn.
Viết về chân dung người lao động mưu sinh vất vả khuya sớm ta đi về thường giáp mặt hàng ngày nhưng ít để tâm hỏi chuyện, ít khi lắng nghe vậy mà tác giả tiếp xúc trực tiếp hay chỉ tiếp xúc qua suy nghĩ của người trong cuộc vẫn đầy thấu cảm. Chỉ một vài chi tiết chấm phá tác giả chạm tới ngóc ngách sâu thẳm tâm hồn, trong: Xích lô Huế lương thiện những vòng quay, Giấc mơ người phu xe, Nghề bán dừa nụ cười và nước mắt, Khi mẹ là người bán dừa, Ăn của rừng, Tôi bán hoa ngày Tết, Buồn vui nghề bán quán nhậu...
Chân dung tác giả Trang Thùy (mặc áo dài trắng) hát ca Huế . |
Ký ức không nguôi dậy hương thương nhớ từ chuyện: Vui buồn cái ti vi cũ, Rạp chiếu phim của nhà tôi, Xe đạp phượng hoàng thời hoàng kim, Mả khách, Trái bầu tuổi thơ tôi, Ngày mùa, Thương bó rau me đất, Vương vấn hương bò bò... Chị giãi bày về nỗi nhớ trải ra cuộc sống thanh đạm, dân dã mà người xa quê bốn phương vạn nẻo đều cảm thấy nức lòng.
Thơm xứ Thần Kinh không chỉ thể hiện người viết là người chăm chỉ “chép ảnh cuộc sống”. Bởi nếu chỉ “chép ảnh cuộc sống” dù tỉ mỉ thế nào những câu chuyện chị viết chẳng mấy mới mẻ. Điều mới mẻ trong Thơm xứ Thần Kinh là tác giả hé mở ra dòng sử nội tâm của người Huế. Suy nghĩ của con người đối với công việc mình làm, những đồ vật mình yêu, ứng xử giữa con người với con người, ứng xử đầy minh triết của con người với thiên nhiên… “khoe” ý nhị vẻ đẹp của tính cách Huế. Thể hiện trong chuyện cây vải nuối người, chuyện vui buồn cái ti vi đời cũ. Tôi đã không khỏi bật cười khi đọc những trang văn mà tác giả kể ở ngôi thứ nhất trong vai suy nghĩ của một chiếc ti vi cũ. Tác giả lúc làm cô bé ngây thơ, lém lỉnh, hài hước lúc lại làm người thiếu nữ đa cảm đa mang dễ xúc động. Khi đến du lịch một vùng đất thiết nghĩ con người bình dân, bình thường của vùng đất đó mới là trung tâm của sự hấp dẫn du khách. Con người bình dân, bình thường đầy lôi cuốn ấy có trong mỗi trang viết của Trang Thùy.
Không ít lần thú thực tôi đã khóc lúc đọc Thơm xứ Thần Kinh khi gặp gỡ tác giả Trang Thùy trên trang viết về chính mình - một người mẹ bán dừa đam mê văn chương đã dùng đôi tay thấm máu, đôi tay mặn mồ hôi, đôi tay gạt nước mắt để kiếm những đồng tiền lương thiện nâng bước đời cho con. “Con yêu, từ những bước chân chập chững vào đời có lẽ mỗi trang sách trước mặt con đều được chắt chiu từ những trái dừa hàng ngày mẹ gom nhặt. Mẹ không dạy con những điều cao vời, mẹ chỉ mong các con sau này, nếu có một lần nào đó mua một trái dừa, xin các con đừng quá khắt khe ngả giá, xin đừng bực mình nhăn mặt chê trái dừa non quá hoặc già quá. Vì biết đâu đó là tấm lòng của một người mẹ đang từng ngày chắt chiu giọt nước của đất trời để cho con một tương lai tương sáng hơn. Có lẽ họ bán bằng tất cả sự tử tế đó con yêu!”. Chị đã dạy con sống tử tế không phải bằng lời mà bằng cách sống tử tế của một người mẹ.
Trong tản văn Mùa vải – “khi con tu hú gọi bầy”, người đọc như được thử nằm trên đám lá làm cô bé tựa vào gốc cây vải những vui buồn vu vơ một thủa. “Tình bạn” trong trẻo còn nguyên ánh sáng, sắc màu của tâm hồn giữa người và cây. Hành động dễ thương chôn cái kẹp nơ trong ngày chia biệt chuyển nhà đến nơi ở mới cho thấy đời sống vốn đã là tác gia lớn làm nên những áng văn đẹp không dụng ngôn rồi chỉ nhưng phải tinh tế mới phát hiện. Chôn kẹp nơ dưới gốc cây cũng như chôn lại ngày thơ “tóc mai sợi ngắn sợi dài” ở lại. Để rồi, cây tinh thần mãi tỏa bóng mát tâm hồn cả khi cô bé xưa đã rời xa mảnh vườn cũ, lao ra với cuộc sống.
Những rung cảm tưởng chừng khi chai sần theo năm tháng như đôi tay chặt dừa mưa sinh nhưng không trang viết của chị vẫn mềm mại, đáng yêu … làm nên cái đẹp tinh khôi trong những trang viết thanh tao, bình dị Thơm Xứ Thần Kinh.
Tác giả Trang Thùy bán dừa trên đường Phan Bội Châu viết nên tản văn xúc động “Khi mẹ là người bán dừa”, “Nghề bán dừa, nụ cười và nước mắt”. |
Vào một buổi sáng cuối tháng 12, tôi chạy lên trên dốc Ngự TP. Huế tìm đến quán Dừa sỉ và lẻ Trang. Tôi cứ ngờ ngợ không biết quán của tác giả Trang Thùy là ở đâu. Bên trong quán Dừa sỉ và lẻ Trang, một người phụ nữ chăm chú chặt dừa cho khách. Chị ngồi đó trước những chùm dừa xanh có, ngả màu có, cầm dao chặt như … “một người đàn ông” theo cách gọi của chị. Tôi nghĩ nếu là tôi, trái dừa ấy hẳn sẽ banh ra không nguyên vẹn với cả buổi sáng mới tạm xong qua loa. Chị làm nghề bán dừa có khác, thật “điệu nghệ”, tôi thầm nghĩ. Thế mà mới chốc trước khi dừng hẳn vào quán, tôi đã mường tượng tác giả là người phụ nữ tóc buông xoã lưng ong trong tà áo dài trắng hát ca Huế bên dòng Hương hay người đàn bà hát trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ hôm nào tôi tình cờ gặp nơi Gác Trịnh.
Dòng người ở bên chợ Trường An đông đúc, dòng xe rốt ráo xuôi ngược giữa muôn tất tả gánh gồng. Tôi chạy xe quá lên một quầy nữa mới quay lui lại, dám chắc người tôi muốn tìm là người phụ nữ tóc búi, áo bộ xanh thẫm bịt kín khẩu trang cần mẫn trong kia. Tác giả Thơm xứ Thần Kinh lặng lẽ đam mê văn chương, đuổi bắt xúc cảm cũng bắt đầu từ quán dừa mà chị nói rằng: “Có khách làm luôn tay luôn chân thì vui còn không thì buồn ngủ lắm”.
Chị đưa tôi tập tản văn mới Thơm xứ Thần Kinh. Tôi nâng lấy hỏi chị thời gian đâu để viết. Chị cười nói: “Rảnh khi nào viết khi đó”. Rảnh khi nào viết khi đó ư? Chị rảnh khi nào được nhỉ?.
Tôi ngồi đó cạnh tác giả Trang Thùy. Chốc chốc có cô bé qua mua nước ngọt, chốc chốc có người tới hỏi dừa già, dừa non với vẻ mặt mỗi người mỗi khác. Có đôi vợ chồng đèo nhau ghé vào hỏi dừa làm mứt... Có người ngang qua quán vù ga chạy, dặn với: "chị chặt cho em một trái mang về, lát em quay lại lấy"... Có cả Công an phường ghé vào nhắc cẩn thận phòng dịch COVID-19, nhắc quay đầu xe máy khách ra đường. Chị đang chặt dừa cho khách vội vàng đứng dậy lật đật dắt xe cho đúng quy định. Công việc bán dừa chóng mặt như vậy mà chị vẫn niềm nở, say sưa với những chuyện về văn chương, hoa cỏ, về quê hương, gia đình, dòng tộc trong đôi phút ngơi khách hiếm hoi.
Chợt tôi nghĩ, xứ Thần Kinh không chỉ thơm hoa, thơm cỏ, thơm danh hương… mà còn thơm trái tim của người mẹ Huế tảo tần, thơm trái tim người con Huế hiếu thuận, thơm tấm lòng bạn hiền, thơm mồ hôi nước mắt, tình người, tình đời chưng cất thành. Chỉ nán ngồi một lúc trong bên cạnh Trang Thùy, hình dung suốt hai năm thai nghén tập sách thứ ba tiếp theo Giữa Huế yêu thương, Dấu ấn Côn Đảo chị vừa tất bật áo cơm như lẽ thường lại cũng thật tất bật với chữ nghĩa. Nghĩ đến đó mà trân quý tác giả Thơm xứ Thần Kinh vô cùng.