Khoảng 8.000 người Việt mắc bệnh thận mỗi năm
Nửa năm nay, chị T.Hạnh (37 tuổi, Quảng Ninh) cứ hằng tháng lại phải xuống Hà Nội để điều trị suy thận cấp. Một trong những nguyên nhân được bác sĩ thăm khám là do sở thích ăn mặn của chị dẫn đến hỏng thận sớm. “Sở thích của tôi là ăn các món ăn được nêm nếm đậm đà, lúc nào tôi cũng là người ăn mặn nhất trong gia đình. Tôi nghĩ đơn giản đó chỉ là sở thích hay khẩu vị mỗi người chứ không nghĩ tới có thể gây bệnh. Ngày nghe được tin mình bị suy thận, tôi bất ngờ lắm vì nghĩ đó chỉ là bệnh của người già…”, chị T.Hạnh chia sẻ.
Bệnh thận mạn là sự suy giảm chức năng thận tiến triển, kéo dài. Các triệu chứng tiến triển chậm. Trong giai đoạn tiến triển có các triệu chứng chán ăn, buồn nôn, nôn ói, viêm miệng, rối loạn vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh ngoại biên và co giật. Nguyên nhân phổ biến nhất của thận mạn là bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và viêm cầu thận. Đa số bệnh nhân có các bệnh đồng mắc và tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm, như suy tim, suy thận và tử vong.
Mỗi năm, khoảng 8.000 người Việt Nam được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn. Thông tin được PGS. TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam nêu tại Tọa đàm Ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn ngày 23/9 mới đây. Mục tiêu là hướng tới tăng cường chẩn đoán và ứng dụng liệu pháp mới trong quản lý bệnh thận mạn từ giai đoạn sớm.
Với đặc thù bệnh âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng, phần lớn các ca suy thận mạn đều phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân buộc phải lọc máu hoặc ghép thận. Tại nước ta, khoảng 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu, nhưng hiện tại chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ 33.000 bệnh nhân. Theo thống kê, 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm, với chi phí y tế cho điều trị lọc máu tăng gấp 3 lần chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm.
Dự kiến đến năm 2030, có 5 triệu người cần thay thế thận, cùng với chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối cho các liệu pháp chạy thận nhân tạo, thay thế thận đặc biệt cao. Do đó, việc chẩn đoán, can thiệp sớm và phòng ngừa bệnh thận mạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh thận mạn phổ biến mà ít người để ý tới chính là thói quen ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh tưởng chừng như vô hại lại có thể làm tổn thương thận.
Nhiều thói quen xấu gây bệnh
Với trường hợp của chị T.Hạnh, ăn nhiều muối gây tăng huyết áp và làm rối loạn chức năng lọc máu ở thận. Sự gia tăng áp lực của máu khi chảy qua các mạch máu trong cầu thận có thể làm hỏng các mạch nhỏ trong nephron - các đơn vị cấu trúc của thận. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người chỉ nên sử dụng dưới 5g muối một ngày. Ăn mặn là một trong những thói quen không tốt trong ăn uống, sinh hoạt, kéo dài có thể gây suy giảm chức năng thận.
Lạm dụng đồ ngọt có thể gây tiểu đường, một trong những nguyên nhân dẫn tới suy thận. Khi lượng đường trong máu cao hơn 180mg/dl, thận sẽ bắt đầu thải đường vào nước tiểu. Lượng đường trong máu càng cao thì lượng đường thải ra ngoài càng nhiều trong nước tiểu. Nếu thận của bạn bình thường, điều này thường không có vấn đề gì, nhưng nếu bạn bị tiểu đường, quá nhiều đường có thể gây tổn thương thận.
Thói quen nhiều người hay mắc phải nữa là uống không đủ hay uống quá nhiều nước. Theo các bác sĩ, uống quá nhiều hay quá ít nước đều không tốt cho thận. Thận cần nước để hoạt động bình thường, Thiếu nước, đặc biệt là thiếu nước thường xuyên, dẫn đến việc sản xuất nước tiểu có nồng độ khoáng chất và chất thải cao hơn. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận và gây ra bệnh thận có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Tuy nhiên, uống quá nhiều nước lại phản tác dụng. Khi uống nhiều, nước sẽ tạo áp lực lên thận, có thể gây hạ natri máu, còn được gọi là nhiễm độc nước. Khi một lượng lớn nước được tiêu thụ trong một khoảng thời gian ngắn, thận không thể bài tiết đủ chất lỏng để lọc và đào thải nước ra ngoài đúng cách. Nếu uống quá nhiều nước, thận không thể loại bỏ lượng nước dư thừa.
Hiện nay, do tính chất công việc mà nhiều người nhịn tiểu. Việc nhịn tiểu quá lâu khiến nước tiểu lắng đọng trong bàng quang, làm gia tăng sự sinh sôi, phát triển của vi khuẩn, từ đó dễ thâm nhập vào các cơ quan trong đường tiết niệu và gây bệnh. Nước tiểu giữ trong bàng quang quá lâu có thể trào ngược lên thận, gây nhiễm trùng thận.
Hút thuốc lá, uống rượu, bia, lười vận động,… cũng là những thói quen sinh hoạt không lành mạnh có thể tác động tiêu cực đến thận, khiến chức năng thận suy giảm. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây suy thận cấp thường gặp là sử dụng thuốc bừa bãi, từ thuốc giảm đau, hạ sốt cho đến các thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe…