Mỗi năm có khoảng 1.500- 2.000 trẻ được phẫu thuật
Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng tại vùng bẹn - bìu ở bé trai và ở gần âm hộ của bé gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ ho, khóc, khi đi đại tiện hay sau những vận động mạnh như chạy nhảy, tập thể dục... và sẽ xẹp xuống khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm yên. Ðiều này dễ gây chủ quan cho người bệnh và khi bệnh nặng gây đau đớn do ruột sa xuống chèn ép các cơ quan trong khoang bụng thì bệnh đã có biến chứng nguy hiểm như thoát vị nghẹt, dễ gây hoại tử ruột.
TS.Phạm Duy Hiền, Trưởng Khoa Ngoại – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh hay gặp ở trẻ em. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao ở trẻ sinh non. Khi không được điều trị, sẽ có nguy cơ như các cơ quan trong ổ bụng thoát vị xuống vùng bẹn gây nghẹt, tổn thương cơ quan này, gây ra những biến chứng như tắc ruột, hoại tử ruột thậm chí là tử vong.
Trung bình mỗi tuần, các thầy thuốc của Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật khoảng 20- 40 trường hợp trẻ bị thoát vị bẹn. Con số bệnh nhi mắc bệnh lý này hàng năm được phẫu thuật tại bệnh viện dao động khoảng 1.500- 2.000 trẻ. Phương pháp phẫu thuật lâu nay vẫn thực hiện là mổ mở ở vùng bẹn, tìm và phẫu thuật thắt ống phúc tinh mạc.
Không ít người vẫn nhầm tưởng thoát vị bẹn chỉ gặp ở bé trai, nhưng trên thực tế, không ít bé gái cũng bị thoát vị bẹn. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ nam giới mắc nhiều hơn nữ. Chị Đ.H.N cho biết, trong một lần tắm cho con gái, chị phát hiện con bị nổi cục ở bẹn phải. Chị theo dõi một tuần liên tục thì thấy khối cục phập phồng, ấn thấy cứng. Bé không đau, không khóc, mỗi lần bé chạy nhảy thì khối cục lại tụt xuống, còn nếu đi lại, vui chơi nhẹ nhàng thì khối cục lại to lên. Khá lo lắng, chị đưa con đi khám, qua thăm khám các bác sĩ đã kết luận cháu bị thoát vị bẹn. Lúc đầu tôi sững sờ người vì vốn nghĩ bệnh này chỉ gặp ở cháu trai chứ không nghĩ con gái mình cũng mắc bệnh đó.
Một trường hợp khác, cách đây không lâu, do phát hiện thoát vị bẹn quá muộn, một bên buồng trứng của bé N.T.H (6 tháng tuổi) bị xoắn bên trong bao thoát vị, bị hoại tử, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ. Nếu cháu H được phát hiện sớm, khi buồng trứng mới xoắn khi đó bác sĩ có thể mổ tháo xoắn buồng trứng tránh được hậu quả hoại tử đáng tiếc kể trên. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện thấy các khối u vùng bẹn ở trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện chuyên khoa nhi để thăm khám và không nên chờ trẻ lớn mới phẫu thuật mà cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Đưa phẫu thuật nội soi vào điều trị bệnh
Theo các bác sĩ, trước đây ở nước ta, nhiều người vẫn cho rằng bệnh có thể tự khỏi hoặc trẻ nhỏ không thể mổ. Trên thực tế, khi trẻ lớn, nguy cơ bệnh biến chứng nặng càng cao hơn. Ngoài ra, ở các cháu càng nhỏ thì nguy cơ thoát vị bẹn nghẹt càng cao. Do đó, đối với những trẻ bị thoát vị bẹn nên phẫu thuật càng sớm càng tốt, tránh được những biến chứng có thể xảy ra.
Nói về phương pháp mổ thoát vị bẹn dựa vào siêu âm thông thường, TS Hiền cho biết tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật mổ mở thoát vị bẹn từ 0,8 -3,8%, tỉ lệ còn bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện từ 5,6 – 30%. Do đó nhiều tác giả trên thế giới đã đề xuất các phương pháp phẫu thuật nội soi để điều trị thoát vị bẹn nhằm khắc phục những mặt hạn chế của phẫu thuật mở truyền thống.
Trong đó, tác giả Maso Endo (người Nhật) đã sáng chế ra kim Endo-Needle phục vụ cho phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn. Phương pháp này nhằm khắc phục những hạn chế của phẫu thuật mở truyền thống. Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn là một phương pháp mới, hiện đại, hiện đã được áp dụng tại nhiều cơ sở y tế trên thế giới bởi những ưu điểm của nó.
Cụ thể, phương pháp phẫu thuật này giúp phẫu thuật viên đơn giản khi thực hiện, thời gian mổ nội soi trung bình mỗi bên chỉ từ 10 - 15 phút, mức độ an toàn cao dưới quan sát phóng đại của camera nội soi. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cho quá trình phẫu thuật không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện. Nếu phẫu thuật mổ mở dựa phần nhiều vào siêu âm như hiện nay, một số trường hợp trẻ không có triệu chứng sẽ dễ bỏ sót tổn thương bên đối diện.
Còn với phẫu thuật nội soi sẽ loại bỏ hoàn toàn điều này nhờ quan sát dễ dàng với camera nội soi trong ổ bụng. Khi phát hiện có thoát vị bẹn bên đối diện sẽ tiến hành phẫu thuật ngay trong cùng một lần mổ. Kỹ thuật phẫu thuật nội soi rất an toàn, ít sang chấn tới mạch máu và ống dẫn tinh (đối với trẻ nam). Đồng thời, tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật thấp chỉ khoảng 0,1 – 0,2% và phẫu thuật nội soi có tính thẩm mỹ cao.
Mới đây, bệnh nhân P.P.A, 5 tuổi (bị thoát vị bẹn trái trên nền bệnh nhân đã mổ thoát vị bẹn phải) và bệnh nhân N.T.T. 7 tuổi ở Cổ Nhuế, Hà Nội (bị thoát vị cả hai bên) là 2 bệnh nhân đầu tiên bị bệnh lý thoát vị bẹn đã được các chuyên gia người Nhật và TS Phạm Duy Hiền cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành phẫu thuật bằng nội soi thoát vị bẹn thay cho phương pháp mổ mở lâu nay.