Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mặt hàng thịt gia súc tăng đột biến, lợi dụng tình hình này, không ít thương lái đã nhắm mặt nhập những lô hàng thịt không rõ nguồn gốc, thậm chí, hàng loạt vụ vận chuyển thịt, nội tạng động vật thối đã bị phát hiện.
Trên 23 tấn chân bò thối bị phát hiện và bắt giữ tại Hà Nội. Ảnh: MH |
Mới nhất, vào tối 28/12, lực lượng chức năng Hà Nội đã tiến hành bắt giữ trên 23 tấn chân bò không rõ nguồn gốc tại số nhà 28, tổ 15, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Kiểm tra tại địa điểm trên, lực lượng liên ngành phát hiện một xe container chứa 20 tấn chân bò thối; thêm 3 tấn chân bò thối đang trong quá trình phân hủy được tìm thấy trong hai kho đông lạnh. Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, tại ngã ba dốc Tân Ấp, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, đội kiểm soát liên ngành phát hiện và thu giữ xe ô tô chở 10 thùng xốp cỡ lớn, chứa 1,4 tấn nầm lợn và 50kg tràng lợn ngả màu vàng, bốc mùi hôi bốc đến khó thở. Lái xe đồng thời là chủ nhân lô hàng thừa nhận, số hàng này được mua từ Bắc Ninh đưa về Hà Nội để bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Dĩ nhiên, lô hàng trên không có hóa đơn chứng từ, không giấy kiểm dịch thú y. Thời điểm này, dạo qua các chợ ở nội, ngoại thành Hà Nội… rất dễ gặp nội tạng động vật,như lòng, nầm dê, lợn, gà… chín, sống bày bán "tươi ngon". Có điều, một lượng không nhỏ các sản phẩm đó không có nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch vệ sinh thú y…
Báo cáo của Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong thời gian qua lực lượng liên ngành đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, tiêu thụ nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, tịch thu và tiêu hủy hơn 100 tấn sản phẩm từ gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch, nhập lậu.
Tại thị trường phía nam, như PLVN đã đưa, tình hình thịt bẩn cũng diễn biến rất phức tạp. Theo ông Vũ Trọng Thiện, Phó viện trưởng Viện vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, qua xét nghiệm, viện này đã phát hiện 14/30 mẫu chà bông, 24/30 mẫu lạp xưởng, 23/30 mẫu xúc xích thanh trùng, 20/21 mẫu chả lụa, 6/9 mẫu nem, 28/30 mẫu ô mai xí muội bày bán trên địa bàn TP.HCM bị nhiễm chì. Ngoài ra, có 30/30 mẫu giá sống, 30/30 mẫu cá khô và mực ăn liền, 30/30 mẫu mực tươi có chứa chất tẩy trắng, dẫn dến nguy cơ bào mòn dạ dày…
Mới đây cơ quan chức năng tỉnh Đồng nai đã tiêu hủy 20 tấn thịt heo và nội tạng thối bị nhiễm vi sinh... Đặc biệt 16/16 mẫu bánh phồng ở tỉnh Bến Tre có chứa DEHF, một chất gây rối loạn sinh dục nam và nữ.
Trước tình trạng thực phẩm bẩn ồ ạt tuồn vào nội địa trước dịp Tết Nguyên đán, chính quyền Hà Nội, TP.HCM và các địa phương đều đã chỉ đạo lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Nhưng chính các cơ quan chức năng thừa nhận, dù kiểm soát quyết liệt thì số vụ nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn bị phát hiện vẫn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Việc ngăn chặn và kiểm soát thực phẩm bẩn nhập lậu qua biên giới vẫn rất nan giải, mà nguyên nhân chính được cho là vì mức xử phạt hiện hành quá thấp, không đủ sức răn đe. Theo quy định, mức xử phạt vi phạm hành chính cao nhất với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn chỉ có 2 triệu đồng!
Tuy nhiên, vì câu chuyện đang diễn ra ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân, cho nên, dù các cơ quan quản lý biện hộ với bất cứ lý do gì thì việc để thịt bẩn có mặt tràn lan trên thị trường rõ ràng là không thể chấp nhận được. Tính hiệu lực, hiểu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này phải chăng đang bị thịt bẩn thách thức?
Đặng Chung