Tại Lai Châu, đêm 8/9 và rạng sáng 9/9, mưa lớn kéo dài liên tục khiến một lượng lớn đất đá sạt lở từ taluy dương đổ sập chắn ngang quốc lộ 4D khiến các phương tiện bị ùn tắc kéo dài.
Cụ thể, thông tin từ Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, quốc lộ 4D đoạn gần Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thuộc địa phận xã Sơn Bình đang sạt lở khiến các phương tiện lưu thông theo chiều từ Lai Châu đi Sa Pa và ngược lại không thể di chuyển.
Sạt lở quốc lộ 4D đoạn qua xã Sơn Bình khiến các phương tiện không thể lưu thông từ Lai Châu sang Sa Pa và ngược lại. Ảnh: Nguyễn Hải - Bao Dung |
Mặt đường xuất hiện những vết nứt, đứt gãy. Hiện tại, các phương tiện không lưu thông được theo cả 2 chiều. Các xe tải, xe khách từ Lai Châu đi Sa Pa ùn tắc kéo dài.
Một lượng lớn đất đá từ taluy dương đổ sập chắn ngang quốc lộ 4D. Ảnh: Nguyễn Hải - Bao Dung |
Tại Lào Cai, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký văn bản về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Theo đó, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, từ đêm 7/9 đến ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to trên diện rộng. Hiện nay, lũ trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang lên nhanh.
Thiên tai đã làm chết 6 người, 9 người bị thương (do sạt lở), 50 nhà ở bị ảnh hưởng, thiệt hại (Sa Pa 19 nhà, Bảo Thắng 13, Văn Bàn 18 nhà), trên 248 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại thuộc các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên; nhiều vị trí thuộc các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở; một số công trình thủy lợi tại huyện Văn Bàn bị hư hỏng… Ước tính thiệt hại trên 7 tỷ đồng.
Tại Cao Bằng, tính đến chiều 8/9, toàn tỉnh có 14 ngôi nhà bị hư hỏng, chủ yếu là do sạt lở đất, tốc mái. Khoảng 8 ha cây mía bị gãy đổ, 20ha cây chuối tại huyện Quảng Hòa bị hư hỏng toàn bộ. Một số tuyến đường như quốc lộ 34, đường tỉnh 212 bị sạt lở, cây cối đổ xuống gây tắc đường. Toàn tỉnh có 9 trường học nguy cơ sạt lở cao, ngập lụt, các trường đã dừng các hoạt động dạy và học.
Nước lũ dâng cao tại huyện Bảo Lạc - Cao Bằng. Ảnh: Lê Hanh |
Tại Bắc Kạn, ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã làm thiệt hại 213 nhà bị tốc mái (Bạch Thông 35 nhà, Ngân Sơn 13 nhà, Chợ Mới 31 nhà, Ba Bể 43 nhà, Na Rì 79 nhà, thành phố Bắc Kạn 5 nhà, Chợ Đồn 6 nhà). Đã có 11 ngôi nhà tại huyện Na Rì và Ba Bể phải di dời khẩn cấp, 6 nhà bị cô lập do nước lũ tại huyện Na Rì.
Mưa lớn gây sập nhà của người dân tại thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông. Ảnh: Lê Hanh |
Mưa bão làm hư hại 292,6 ha về nông nghiệp, hư hỏng 16 chuồng trại. Về giao thông đã xảy ra sạt lở tại Quốc lộ 3B với khối lượng khoảng 450m3, cây đổ xuống đường 3 vị trí tại QL 279, Tỉnh lộ có 3 tràn bị ngập, cây đổ xuống đường 4 vị trí. Sạt lở đất đá khoảng 190.000m3 trên 15 tuyến đường tỉnh lộ, về thủy lợi đã có 30 công trình thủy lợi bị sạt lở, vùi lấp, xói lở…
Nước lũ lên cao gây ngập tại Na Rì. Ảnh: Lê Hanh |
Tại Tuyên Quang, toàn tỉnh đã ghi nhận 44 nhà bị tốc mái. Trong đó nhiều nhất huyện Sơn Dương 41 nhà, còn lại thuộc các huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa. Mưa lớn cũng gây ngập úng, gãy đổ 200 ha lúa, cây màu, 22 ha cây lâm nghiệp bị đổ gãy. Ngoài ra, mưa kèm gió lớn khiến 8 cột điện 0,4Kv bị gãy.
Công trình biển chào tại Tuyên Quang bị gió bão gây đổ. Ảnh: Lê Hanh |
9h ngày 9/9, tiếp tục mở cửa xả đáy số 4, Thuỷ điện Tuyên Quang.
Tại Sơn La, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại nặng về người và tài sản, nhiều tuyến đường bị sạt lở, ngập úng cản trở giao thông. Mưa bão đã làm 1 người chết tại bản Co Hó, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ; gây ảnh hưởng, phải di dời khẩn cấp 62 nhà ở; cuốn trôi, sập hoàn toàn 6 nhà tại huyện Mường La và Mộc Châu; sạt lở 85 nhà; tốc mái 18 nhà; làm ngập 106 nhà; 1 nhà có nguy cơ sập; 45 hộ bị ảnh hưởng có nguy cơ mất an toàn; 46 nhà có nguy cơ sạt lở; sụt lún 11 nhà.
Mưa bão khiến mực nước ở các sông, suối dâng cao gây thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp của người dân. |
Mưa bão làm nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông. |
Về nông nghiệp, mưa lớn còn làm thiệt hại hơn 255,5 ha lúa; 8ha cây ăn quả; gần 153 ha cây hàng năm; 58 ha cây rau màu, hoa màu; 10 con gia súc bị chết do sạt lở.
Ngoài ra, mưa bão gây ngập lụt ngập 14 vị trí và sạt lở, tắc đường 55 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đã thông xe tạm thời 25 vị trí; sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường, cống, rãnh với tổng khối lượng 66.402 m3 đất đá tại 434 vị trí và làm 1 thuyền máy bị chìm… Sạt lở làm gẫy đổ 3 cột hạ thế và nghiêng 2 cột điện trung thế…
Tại Thái Nguyên, nhiều xã, phường tại TP Thái Nguyên ngập sâu trong nước lũ. Tại Trạm thủy văn Gia Bẩy, mực nước lũ lúc 1h ngày 9/9 là 2.756cm, tới 3h cùng ngày lên mức 2.780cm, cao hơn 80cm so với báo động cấp 3 và tiếp tục có xu thế tăng chậm. Nhiều hộ dân sinh sống 2 bên bờ sông Cầu phải di chuyển khẩn cấp đến vùng an toàn.
Phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên ngập trong nước lũ. Ảnh: Tuấn Anh |
Ngập sâu tại khu vực phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh |
Khu vực cổng làng Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm. Ảnh: Tuấn Anh |
Sáng 9/9, TP Thái Nguyên có 17 xã, phường của thành phố nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập. Trong đó có 81 xóm, tổ dân phố bị ngập (20 xóm, tổ dân phố bị cô lập).
Về tài sản, lực lượng chức năng đã hỗ trợ di dời 29.000 con gà, 150 con lợn trên địa bàn các xã Đồng Liên, Sơn Cẩm, phường Cam Giá. Hiện tại, các địa phương vẫn đang tiếp tục hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực bị ngập.
Tại Lạng Sơn, nước tại một số sông, suối ở Lạng Sơn vẫn ở mức cao đã khiến nhiều khu dân cư tiếp tục ngập sâu trong nước.
Theo ông Nguyễn Duy Anh – Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, việc xả đập thủy lợi Bản Lải đã khiến nhiều thôn, xã của huyện Cao Lộc nguy cơ ngập úng. “Đêm qua, chúng tôi phải chỉ đạo người dân dọc bên sông Kỳ Cùng thuộc các xã Gia Cát, Tân Liên di dời đồ đạc lên cao, đến nơi an toàn”, ông Duy Anh nói.
Một khu dân cư tại tỉnh Lạng Sơn sáng nay (9/9). Ảnh: Minh Hữu |
Tại TP Lạng Sơn, từ đêm qua, chính quyền nhiều phường dọc sông Kỳ Cùng phải dùng loa phát thanh tuyên truyền người dân di dời đồ đạc trong đêm lên các điểm cao. Một số khu vực tại đường Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, chợ Giếng Vuông…, nước sông đã dâng lên.
Đặc biệt, tại khu vực thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định), đêm qua nước sông dâng lên đến tận mái nhà dân. Nhiều người trèo lên mái nhà kêu cứu. Đại tá Triệu Tuấn Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn đã cùng các cán bộ chiến sĩ tham gia công tác cứu nạn cứu hộ tại Thất Khê trong đêm, giúp đỡ bà con đến nơi an toàn.
Đến sáng nay, mực nước tại Thất Khê vẫn rất cao, sát mép một số mái nhà cấp 4. Cả thị trấn biến thành "biển nước".
Thị trấn Thất Khê biến thành biển nước, sáng nay (9/9). Ảnh: Châu Nông. |
Tràng Định là huyện cuối cùng của Lạng Sơn ở thượng nguồn sông Kỳ Cùng. Việc các hồ phía thượng lưu sông Kỳ Cùng như Bản Lải, Bản Nhùng xả nước đã khiến Tràng Định hứng chịu nặng nề lụt lội.
Tại một số địa phương khác của Lạng Sơn như huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập… tiếp tục có những điểm ngập úng cục bộ.
Theo ông Trịnh Tuấn Đông – Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, đến sáng nay, mực nước sông Kỳ Cùng đang có xu hướng giảm dần. Do đó, việc xả nước tại đập Bản Lải đã được hạn chế.
Tính đến hết ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra nhiều thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Mưa bão đã làm 2 người chết, 10 người bị thương; 1.256 hộ gia đình bị thiệt hại; 2.201ha cây trồng trên địa bàn bị ảnh hưởng...
Tại Vĩnh Phúc, bão số 3 đã gây thiệt hại với ước tổng thiệt hại sơ bộ trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 20,6 tỷ đồng.
Cụ thể, tại thành phố Vĩnh Yên, bão số 3 khiến 7 căn nhà kiên cố bị tốc mái, gần 570 cây xanh bị gãy, đổ, 13 trạm biến thế và nhiều cột điện bị hư hỏng, nhiều mét tường rào của nhà dân bị đổ sập…
Tại huyện Tam Đảo, có nhiều điểm sạt lở, nhiều cây xanh gãy, đổ. Lực lượng chức năng và chính quyền thị trấn đã kịp thời sơ tán 8 hộ dân về những nơi an toàn. Tại xã Đạo Trù các lực lượng của địa phương đã cứu được 3 công dân từ nơi nguy hiểm do ngập úng tới nơi an toàn. Cơn bão số 3 khiến cho tuyến Quốc lộ 2B dẫn lên khu du lịch Tam Đảo bị sạt lở nghiêm trọng tại 3 điểm lớn từ km18 đến km21. Trong đó, có 2 điểm sạt lở khiến các phương tiện không thể di chuyển qua lại, giao thông bị gián đoạn hoàn toàn.
Tại huyện Lập Thạch, bão số 3 gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng với tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 900 triệu đồng. Theo thống kê, hơn 120 ha lúa đã bị gió mạnh quật đổ, ảnh hưởng đến vụ thu hoạch của nông dân. Ngoài ra, 4 ngôi nhà và gần 750m tường rào bị sập đổ, các mái ngói và tôn của trường học, trạm y tế cũng bị tốc mái. Cơn bão còn làm gãy đổ 789 cây xanh và 10 cột điện, gây ra nhiều sự cố về điện và môi trường.
Toàn bộ ngầm tràn trên địa bàn huyện Tam Đảo ngập trong nước. Ảnh: Cổng thông tin huyện tam Đảo |
Tại huyện Yên Lạc, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa dông, làm tốc mái 5 nhà dân, 4 Trường học (Trường THCS Kim Ngọc xã Bình Định bị tốc mái khoảng 200m2, Trường THCS xã Yên Đồng bị tốc mái khoảng 550m2, Trường tiểu học Yên Đồng cơ sở 2 bị tốc mái khoảng 100m2 và Lán xe của Trường THCS xã Yên Phương bị tốc mái khoảng 200m2) và 10 chuồng trại chăn nuôi; làm gãy, đổ 369 cây xanh trên các tuyến đường giao thông; gãy đổ 15 cột điện; làm đổ khoảng 1.629 ha lúa, 03 ha rau màu; làm hỏng 04 thiết bị điện thuộc 02 Trạm biến thế; 05 sự cố đường dây hạ thế.
Tại huyện Bình Xuyên, trên địa bàn huyện có 447,4ha lúa bị đổ; 6,1ha cây hoa màu bị hư hại; 370 cây xanh, 3 cột điện và 57,7m tường rào bị gãy, đổ; 4 hộ dân bị tốc mái nhà; 6 công trình phụ bị hư hại. Lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã tổ chức di dời 21 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ước tính tổng thiệt hại do mưa bão gây ra khoảng 3,1 tỷ đồng.
Tại TP Phúc Yên, cơn bão số 3 gây thiệt hại 3 xe ô tô, 3 trạm điện, đổ 9 cột điện hạ thế, 450 cây xanh bị gẫy đổ, thiệt hại 10ha cây ăn quả, 10ha cây rau màu, 420 ha lúa bị ngập úng, sập 400m2 nhà xưởng đang thi công, cùng nhiều mái nhà tôn bị tốc mái, bung nóc. Mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều tuyến đường ngập trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Tại huyện Tam Dương, toàn huyện có hơn 500m2 nhà bị tốc mái; 6 công trình phụ (gồm: bếp, quán), 180m2 chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái; 590m tường rào bị đổ; 920 cây xanh, cây ăn quả bị đổ; 268.3ha lúa và hoa màu bị đổ. Ngoài ra, thiệt hại về tài sản khác như: Tủ điện, ti vi, quạt trần… Ước giá trị thiệt hại do mưa bão gây ra hơn 6,7 tỷ đồng.
Tại huyện Vĩnh Tường, bão số 3 đã làm tốc 40 mái ngói nhà bán kiên cố, tốc mái tôn tại 2 điểm trường THCS xã Phú Đa và THCS An Tường; gãy, đổ 15 đèn cao áp, 3 cột điện hạ thế, 250 m dây điện bị đứt; cột đèn tháp trang trí tại sân quảng trường huyện bị gãy, đổ; biển quảng cáo bị cuốn bay, nhiều thiết bị thể dục tại các nhà văn hóa, trường học bị hư hỏng,…
Hơn 1.130 ha lúa, 226 ha rau màu, hơn 100 ha cây ăn quả bị gãy đổ, dập nát; ước khoảng 1.000 cây xanh, cây bóng mát bị gãy đổ.
Tại Bắc Ninh, thống kê sơ bộ, có 560 công trình nhà ở bị tốc mái; hơn 8.700 ha lúa, rau màu bị đổ, úng ngập, thiệt hại; 80.000 m2 nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng; 7.500 cây xanh bị đổ, gãy; 42 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng; không gây thiệt hại về người (38 người bị chấn thương do mưa bão).
Hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh ổn định, không có sự cố đê, kè, cống xảy ra; một số điểm bị sụt lún, nứt gãy mặt đê thuộc địa bàn xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, xã Long Châu (Yên Phong) và Hiền Lương (thị xã Quế Võ).
Về hạ tầng điện, bị hư hỏng 7 đường dây 110 kV, 1 trạm biến áp 110kV bị mất điện; 127/280 đường dây trung áp bị sự cố; 61 trạm bơm tiêu úng bị mất điện không thể vận hành; nhiều khu vực trong tỉnh gặp sự cố điện. Ngành Điện đã nỗ lực khắc phục các sự cố hỏng điện, hiện vẫn đang tích cực sửa chữa, bảo đảm nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Ông Lê Xuân Lợi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký văn bản hỏa tốc số 3344/UBND-NN gửi các sở ban ngành về việc tập trung triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Tại Nam Định, chiều 8/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình cùng đoàn lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Do ảnh hưởng của bão vẫn có 2 nhà văn hoá bị tốc mái; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ. Khoảng 5.000 ha lúa, 230 ha cây hoa màu, 130 ha cây ngô hè thu, 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng; 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan bị đứt; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị hỏng; một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình tặng quà một số người dân tại khu tránh trú bão. Ảnh: Thiên Kim |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết liệt vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Nam Định trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Đặc biệt, Nam Định không để xảy ra thiệt hại về người; các thiệt hại về công trình điện, viễn thông, sản xuất nông nghiệp không lớn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nam Định cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết liệt, trách nhiệm như đã có trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để có thể thực hiện thắng lợi, hiệu quả các hoạt động ứng phó thiên tai, bão lũ nếu sau này có xảy ra.