Sau gần 3 năm bị “chê” do lương thấp và nhiều “điều tiếng xấu”, thị trường Malaysia đang có dấu hiệu bứt phá mạnh mẽ trở lại với những đơn hàng tốt, mức lương hấp dẫn và điều kiện làm việc, ăn ở được cải thiện vượt bậc…
Lao động công ty Vietcom đang làm việc tại Malaysia |
Từ những miền quê nghèo, người lao động(NLĐ)hào hứng đăng ký đi làm việc tại thị trường thân quen này và các doanh nghiệp kiên trì với thị trường cũng bắt đầu khởi động lại văn phòng đại diện để quản lý, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ…
Làm việc ở Malaysia thu nhập bằng Đài Loan
Đã nhiều ngày nay, ông Phạm Hoài Minh- Phó TGĐ Công ty CP Cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom chạy đi chạy lại như con thoi giữa các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên để “tìm” đủ 200 lao động nữ cho đơn hàng cung ứng lao động sang Malaysia làm việc trong nhà máy điện tử Sony tại Kulalumpua.
Có mặt ở Việt Nam trước 2 ngày buổi sơ tuyển lao động được công ty Vietcom tổ chức, người phụ trách nhân sự của nhà máy Sony cởi mở cho biết các công nhân việt Nam được tuyển chọn sẽ qua một khóa đào tạo ngắn hạn sau đó được bố trí làm việc tại các dây chuyền lắp ráp các sản phẩm điện tử. Nhà máy cam kết đảm bảo đủ thời gian làm việc cho lao động từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần và làm thêm giờ vào ngày chủ nhật.
Lương cơ bản cho 22 ngày làm việc ( chưa kể làm thêm giờ, các khoản phụ cấp và thứ 7 được tính làm thêm giờ cả ngày) là 500 R.M/tháng, cộng với các khoản thu nhập phụ như thưởng chuyên cần, trực ca…thu nhập bình quân của NLĐ sẽ đạt từ 900 R.M/tháng – 1600 R.M/tháng ( tương đường 5,6-10 triệu đồng Việt Nam).
“ Hơn 7000 lao động trong nhà máy chúng tôi đang có mức lương như vậy và tôi tin lao động Việt Nam cũng sẽ đạt mức lương này”, người phụ trách nhân sự của nhà máy này khẳng định.
Là người trực tiếp sang nhà máy Sony thẩm định đơn hàng này, bà Tú Oanh- Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của Vietcom- cho biết thêm nhà máy Sony đảm bảo điều kiện ăn, nghỉ cho công nhân rất tốt.
Hàng ngày, sau giữa ca làm việc, công nhân sẽ tới căng tin mua suất ăn phù hợp với khẩu vị của mình và có một khoảng thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện với bạn bè đồng nghiệp. Sau khi tan ca, công nhân được xe bus đón về KTX của nhà máy với 8-10 người/phòng được trang bị các thiết bị sinh hoạt thiết yếu như tivi, tủ lạnh, quạt, nhà bếp, vệ sinh…
Nhà máy cung cấp đầy đủ cho công nhân các vật dụng nấu ăn và chi phí ăn ở người lao động chỉ phải chi trả khoảng 800 ngàn- 1 triệu đồng Việt Nam/tháng.
Điều quan trọng hơn, cả ông Minh và bà Tú Oanh đều cho biết, những đơn hàng điều kiện tốt như nhà máy Sony không hề hiếm hoi. Từ đầu năm 2010 đến nay, Vietcom đã khai thác được nhiều đơn hàng thu nhập cao tại Malaysia trong hai lĩnh vực : điện tử và may mặc. Số lao động Vietcom đưa sang các nhà máy này tính tới hết tháng 9.2010 là 460 người- đứng thứ 4 trong số 15 doanh nghiệp Việt Nam đang có số lượng lớn lao động đi làm việc tại Malaysia trong năm 2010. Trong bối cảnh thị trường Malaysia bị lao động “chê” nhiều năm gần đây thì con số này là con số hết sức ấn tượng- nó cho thấy những dấu hiệu tốt từ thị trường truyền thống, thân quen với lao động Việt Nam suốt từ năm 2002.
Lao động công ty Vietcom đang làm việc tại nhà máy chế tác vàng tại Malaysia
Lý giải cho hiện tượng thị trường Malaysia khởi sắc trở lại, ông Phạm Hoài Minh cho biết trước hết do mức lương cơ bản được nâng lên từ 18R.M lên 21R.M/ngày ( có những đơn hàng có thể đàm phán lên tới 25-30R.M/ngày). Tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng R.M cũng cao hơn trước đây ( ở mức 1 R.M đổi được hơn 6000 đồng Việt Nam) do vậy về tổng thế lao động làm việc tại Malaysia lương tăng cao gấp đôi so với những năm trước.
Công việc ổn định, giờ làm thêm nhiều đã khiến cho thu nhập tại thị trường này không thua kém thị trường Đài Loan. “Nếu đi Đài Loan làm điện tử với thời gian và điều kiện làm việc tương tự, một lao động nữ cũng chỉ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ tháng trong khi phí xuất cảnh là hơn 6000 USD trong khi Malaysia chỉ khoảng 1200 USD/người”, ông Minh khẳng định.
Trông chờ “bàn tay” quản lý nhà nước
Trong chiếc máy tính thường trực bên mình, ông Minh làm sẵn một profile mô tả chi tiết công việc, điều kiện ăn ở, sinh hoạt và mức lương lao động sẽ nhận được khi trúng tuyển và được nhận vào làm việc tại Malaysia. Ông Minh cho hay, đây là cách duy nhất thuyết phục được lao động trở lại một thị trường vốn trước đây có nhiều thông tin xấu về lương, công việc bấp bênh và những rủi ro khi làm việc. “ Thời gian đầu khôi phục lại thị trường này, công ty chúng tôi tuyển được lao động chủ yếu bằng “tín chỉ” là những lao động đã làm việc ổn định ở bên kia gọi điện về cho người thân xác nhận đơn hàng tốt. Chúng tôi xác định chỉ có đơn hàng tốt, tạo nguồn chuẩn mới có thể giữ vững và phát triển thị trường Malaysia sau một thời gian dài “đóng băng”.
Lao động Việt Nam làm việc tại nhà máy điện tử tại Malaysia |
Trao đổi với PLVN, đại diện các DN khác đang làm thị trường Malaysia cũng cho rằng đây là “cơ hội cuối cùng” để làm “nóng” lại thị trường Malaysia. Và nếu như phía Việt Nam tiếp tục “làm ẩu” với tình trạng DN đổ xô sang tranh nhau đơn hàng, đẩy phí môi giới lên cao, tuyển lao động qua trung gian, cò mồi, buông lỏng quản lý lao động…thì thị trường Malaysia sẽ vĩnh viễn “đóng băng” ở cả hai phía : chủ sử dụng chối từ nguồn lao động từ Việt Nam và NLĐ e ngại sang Malaysia làm việc.
Thực tế, hiện nay lao động nam sẵn sàng đăng ký đi làm việc tại Malaysia song không có nhiều đơn hàng sẵn sàng tiếp nhận lao động nam. “ Công ty Việt Nam đang phải thuyết phục chủ sử dụng tiếp nhận lao động nam bởi gần 3 năm nay họ đã không nhận lao động nam nữa. Họ sợ nhất lao động nam là uống rượu và đánh nhau”, đại diện một đơn vị làm Malaysia cho biết.
“ Hiện chỉ còn khoảng 15 doanh nghiệp “cày sâu cuốc bẫm” thị trường Malaysia với phương án khai thác thị trường thực sự bài bản, chuyên nghiệp. Chúng tôi sợ nhất khi thị trường ấm lại, nhiều DN sẽ lao sang khai thác bừa bãi, dẫn tới phá hòng thị trường”, đại diện một đơn vị khác thẳng thắn chia sẻ.
Thực tế, thị trường Malaysia đóng băng gần 3 năm qua là bài học sống động nhất để Cục QLLĐNN thời điểm này cần có những quyết sách đúng đắn khôi phục thị trường.
Và chỉ khi nào những DN làm ăn thiếu trách nhiệm, chụp giựt…bị ‘cấm cửa” không được phép vào thị trường này thì “vết xe đổ’ trước đây mới không lặp lại.
Thanh Lương