Đến nay, sự hợp tác đã mang lại kết quả bước đầu rất tích cực, giải quyết và bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Thu về trên 185 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội
Quy chế phối hợp số 1680/QCPH-BHXHVN-TCTHADS được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) ký kết ngày 08/5/2015 gồm 12 điều, quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích phối hợp, nguyên tắc và phương thức phối hợp…
Thực hiện Quy chế số 1608, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Cục THADS tỉnh ký kết Quy chế phối hợp trong THADS của từng địa phương. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định: “Việc ký kết Quy chế phối hợp đã giúp tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp giữa hai bên trong công tác THADS nói chung và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác THADS liên quan đến BHXH nói riêng, tạo điều kiện và hỗ trợ các bên thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Thông qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp tập thể, cá nhân; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, trật tự an toàn, an sinh xã hội”. Đặc biệt, năm 2015, việc THADS đã giúp ngành BHXH thu về trên 185 tỷ đồng tiền nợ BHXH với trên 1.200 số vụ án được thi hành, tăng nhiều so với giai đoạn trước đây.
Trên cơ sở kết quả đạt được, bà Hương đánh giá, công tác phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ quan THADS đã phát huy được hiệu quả nhất định, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của người lao động cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Về cơ bản, sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ quan THADS đã tuân thủ các quy định tại Quy chế phối hợp.
Hỗ trợ trong cung cấp thông tin
Tuy nhiên, một vài nơi, một vài địa phương vẫn chưa thực sự phát huy tốt công tác phối hợp, nhất là trong việc hỗ trợ xác minh điều kiện thi hành án, cần sớm được khắc phục. Bên cạnh đó, theo bà Hương, sau hơn một năm triển khai Quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục THADS thì vẫn còn tồn tại và phát sinh một số khó khăn cả về chủ quan, khách quan.
Cụ thể là khó khăn, vướng mắc từ quy định của pháp luật THADS trong việc xác minh điều kiện thi hành án và khó khăn từ phía người phải thi hành án như hầu hết các đơn vị bị khởi kiện đều là những đơn vị làm ăn thua lỗ đang có nguy cơ phá sản, giải thể, do đó việc xác minh điều kiện thi hành án rất khó khăn (việc xác minh thông tin về điều kiện thi hành án hết sức khó khăn do thiếu thông tin, hoặc thông tin không chính xác của các đơn vị sử dụng lao động như số tài khoản, tài sản hiện có...); khó khăn trong việc cưỡng chế thi hành án do không còn tài sản hoặc đơn vị cố tình tẩu tán, hủy hoại tài sản, làm sai lệch kết quả xác minh thi hành án để hoãn thi hành án, đình chỉ thi hành án…
“Để tháo gỡ những khó khăn này đòi hỏi phía cơ quan BHXH và cơ quan THADS cần tăng cường phối hợp hơn nữa để đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật, đặc biệt hỗ trợ lẫn nhau trong việc trao đổi, cung cấp thông tin để xác minh điều kiện thi hành án đối với các trường hợp gặp khó khăn” - bà Hương chia sẻ. Ngoài ra, hai cơ quan cũng cần tăng cường công tác phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện chính sách BHXH, THADS, qua đó nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho các cá nhân, tổ chức.
Trong thời gian tới, bà Hương hy vọng quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan sẽ được tăng cường hơn nữa, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của Quy chế phối hợp, góp phần giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tích cực hợp tác để công tác tư pháp ngày càng phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
“Nâng cao công tác phối hợp, tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong THADS về BHXH, góp phần xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, giải quyết và bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân trong Hiến pháp năm 2013” – bà Hương tâm niệm.