Thêm 1 ca tử vong do bệnh tay chân miệng ở Đắk Lắk

Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. (Ảnh: Quang Nhật)
Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. (Ảnh: Quang Nhật)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng.

Đây là trường hợp tử vong thứ 2 vì bệnh tay chân miệng tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Bệnh nhi là M.M.Q (nam, 2 tuổi, trú tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk). Người nhà bệnh nhi kể lại, ngày 16/8, bé Q khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao 39 độ C. Đến ngày 20/8, Q nổi mụn nước ở lòng bàn tay chân, loét miệng, được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk điều trị.

Ngày 21/8, bệnh diễn biến nặng, Q được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán: Suy hô hấp độ 4/ Phù phổi cấp/Theo dõi viêm cơ tim/Bệnh Tay chân miệng độ 4 ngày 5/Nhiễm trùng huyết.

Đến 23h cùng ngày, bệnh nhi tử vong với chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4/Phù phổi cấp/Viêm cơ tim cấp/Nhiễm trùng huyết.

Trước khi mắc bệnh, Q có chơi chung đồ chơi và tiếp xúc trực tiếp với 1 bệnh nhân nghi mắc bệnh tay chân miệng tạm trú tại xã Yang Kang, huyện Krông Bông.

Q được gửi trẻ tại cơ sở tư thục H.S (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk). Q nghỉ học trước khi mắc bệnh 2 ngày, ở nhà không tiếp xúc với ai. Hiện tại cơ sở giữ trẻ này không có thêm trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Theo thống kê của CDC Đắk Lắk, tính đến ngày 23/8, toàn tỉnh ghi nhận 931 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện tay chân miệng. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác, cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...