Trong mấy ngày gần đây trên thị trường liên ngân hàng (NH) lãi suất (LS) VND kỳ hạn ngắn đã vọt lên từ 18,5% - 25%/năm, thậm chí một số kênh thông tin khác đề cập đến mức LS 30%/năm ở kỳ hạn 1 tháng… Ông Lê Đức Thuý, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trao đổi về vấn đề này.
Ảnh minh họa |
- Thưa ông, các chuyên gia ADB cho rằng LS thực của Việt Nam vẫn thấp, trong khi đó, thực tế LS liên NH mấy này nay tăng đột biến. Ông lý giải vấn đề này như thế nào?
- Có 2 nghịch lý đang diễn ra, nếu nhìn về 1 năm trước thì chúng ta đang huy động với LS âm do lạm phát so với cùng kỳ hiện đã 23%, nhưng khi nói đến LS cho thời kỳ tới thì khác. Theo tôi tiêu chí LS thực dương nên tôn trọng. Nhưng rõ ràng theo dự báo Chính phủ thì năm sau lạm phát chỉ 1 con số, các dự báo kém lạc quan hơn đều cho rằng lạm phát khoảng 10-12%. Đánh giá cá nhân tôi thì từ giờ đến cuối năm lạm phát 1%/tháng có nghĩa là LS huy động hơn 1%/tháng là thực dương. Như vậy huy động 14%/năm, cho vay khoảng 17%/năm thì các NH thương mại tốt, DN tốt mà vẫn kiểm soát được lạm phát.
Vì sao các NH phải đồng thuận LS?. Lý do thứ nhất là huy động là 18-19%/năm thì khó có thể cho vay 17%/năm, một vài trường hợp vay 19% là kèm theo điều kiện khác. Còn vì sao thời gian qua thì LS liên NH tăng cao như vậy? Vì “anh không cho em huy động 14%, anh cắt chức em thì thôi em đi vay “thằng” khác”. Những NH này dồi dào như vậy mà room tín dụng lại gần hết, bây giờ tự nhiên nó có chỗ buôn vốn, rủi ro ít hơn, LS cao hơn, có sướng không?. Như vậy là có vấn đề cần điều chỉnh về chính sách…
- Theo ông điều chỉnh như thế nào?
- Từ lâu tôi đã có kiến nghị rồi… Thực ra, kiến nghị của tôi rất đơn giản: tăng dự trữ bắt buộc VND lên 10%. Vì hiện nay dự trữ bắt buộc mới 3-5%. Nếu tăng lên 10% tức là tôi có trong tay lượng vốn tương đương với 250 nghìn tỷ. 250 nghìn tỷ thì tôi thành hồ thủy lợi như ở Sơn La, Lai Châu. Và tôi có thể điều tiết lũ và chống hạn cho cả hệ thống. Còn tôi để 3- 5% thì mỗi NH phải lo việc chống hạn, chống lũ cho mình. Mà “thằng” lớn cũng phải lo vì nếu không “thằng” nhỏ lại sang đục mương nhà mình lấy mất nước. Đó là cuộc đua để giữ vốn.
Sẽ có người đặt vấn đề: đang muốn hạ LS mà chi phí cao như vậy là sao?. Thì NHNN hãy trả LS cho chính khoản tiền gửi bắt buộc đó. Về nguyên tắc, không ai bắt buộc NHNN trả LS cũng không ai bắt NHNN không được trả LS.
Theo tôi, NHNN có thể trả LS 12- 13% cho tiền gửi dự trữ bắt buộc vì các NH còn mua trái phiếu Chính phủ LS 12%. Từ đó chi phí vốn không tăng đối với NH thừa vốn, còn với NH thiếu vốn NHNN có thể cho vay tái cấp vốn với LS 15%/năm. NHNN không phải phải "bơm" ra đồng tiền nào, không gây cung tiền cho nền kinh tế, tức là “lấy mỡ nó rán nó”. Đương nhiên khi đã làm như vậy thì NHNN phải giám sát chặt chẽ vì đó là “nghề” của NHNN…
Một vấn đề nũa là khi cho vay như vậy, có NH có trái phiếu để chiết khấu, NH không có sẽ như thế nào?. Tốt nhất bắt NH thế chấp bằng vốn điều lệ của chính NH, cái này tôi cho là các NH còn sợ hơn. Cứ cho đến 2 kỳ mà không trả nợ thì vốn đó là vốn Chính phủ, sẽ không NH nào dám quỵt nợ của NHNN, mọi việc đều an toàn chứ có vấn đề gì đâu…
Cũng có người cho đó là hành vi "bạo lực" nhưng tôi nhớ là tôi từng “bạo lực” như vậy. Đó là vào tháng 5/2007, khi còn đảm nhiệm Thống đốc NHNN, thấy vốn vào nhiều qua, tôi tăng dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10%. Thi hành từ tháng 6/2007, đến đầu tháng 8, NHNN tăng thêm 1% là 11%, cộng với 23 nghìn tín phiếu bắt buộc (một hình thức dự trữ bắt buộc). Tức là có tiền lệ. Không biết bạo lực thị trường thế nào, cái chính là hiệu quả mang lại…
Hôm qua, 18/10, lần thứ tám liên tiếp trong khoảng hai tuần trở lại đây NHNN đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH giữa VND với USD. Bình luận về việc NHNN liên tiếp điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH, ông Lê Đức Thuý cho rằng đó là dấu hiệu tốt, bởi khi NHNN điều chỉnh tỷ giá chính thức, như một thông lệ các NH đẩy tỷ giá lên và bên ngoài tỷ giá cũng được đẩy lên. Nhưng nó chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và hiện nay đang trái chiều. Ông Thuý cũng cho rằng nếu như Thống đốc NHNN có thể thực hiện đúng như cam kết (nếu có điều chỉnh thì từ giờ đến cuối năm chỉ dưới 1%), thì chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá buôn bán trong NH, tỷ giá buôn bán ngoài NH (chợ đen) nếu có sẽ không nhiều vì LS VND vẫn đứng ở mức cao, và nó là một cái neo để không đẩy tỷ giá lên quá cao. Tình hình này, theo ông Thuý, sẽ diễn ra chỉ đến hết năm nay, thậm chí cho đến Tết và nếu quản lý vĩ mô khéo thì tỷ giá quay lại ổn định … |
Thanh Lan (thực hiện)