Sự thay đổi này đưa tới một thách thức lớn đối với những nhà thực hành y tế công cộng và các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết kế chiến lược phòng bệnh hiệu quả về mặt chi phí, đặc biệt khi hầu hết các nghiên cứu dịch tễ xác định nguyên nhân gây ung thư được tiến hành ở Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
Giáo sư Wei Zheng đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị quốc tế kiểm soát bệnh ung thư: thực trạng và giải pháp diễn ra ngày 3/11, tại Hà Nội.
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tậm đặc biệt của toàn xã hội.
Theo số liệu của báo cáo Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocal) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.
Đáng chú ý, tại Việt Nam một trong những nguyên nhân khiến con số bệnh nhân mắc và chết vì ung thư là do người bị bệnh đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.
Nhận định về tình trạng gia tăng số trường hợp mắc bệnh ung thư tại Việt Nam, giáo sư Perter Boyle - Viện trưởng Viện nghiên cứu y học dự phòng Lyon (Pháp) cho rằng, ung thư đang là thách thức lớn ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam, không chỉ là hiện tại mà còn trong tương lai.
Giáo sư Perter Boyle cho rằng các loại ung thư đều có thể điều trị được nhưng điều này yêu cầu đầu tư về mặt nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và tài chính. Có một số loại ung thư có thể được chữa khỏi và bệnh nhân sống với tuổi thọ trung hình bình thường. Số lượng bệnh ung thư có thể điều trị khỏi đang tăng lên và cần được quan tâm đặc biệt.
Giáo sư Perter Boyle khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục đầu tư vào kiểm soát ung thư. Bởi đây chính là sự đầu tư khôn ngoan và phục vụ cho nhu đầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những phương pháp điều trị cơ bản đang thay đổi nhanh chóng và cải thiện chất lượng điều trị cho người bệnh.
Những nghiên cứu về bệnh ung thư tại Việt Nam đã cho thấy, việc phát hiện sớm các bệnh ung thư trong giai đầu chưa đạt được kết quả như mong đợi, vì vậy tỷ lệ bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nhiều, khiến chi phí điều trị lớn và hiệu quả thấp.
Do đó, để các bệnh lý về ung thư giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội rất cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đồng thời, cũng là trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc chủ động phòng chống bệnh ung thư.
Hội nghị quốc tế “Kiểm soát ung thư: thực trạng và giải pháp” được tổ chức với mục tiêu đưa ra đường lối và chiến lược phòng chống ung thư, đồng thời tạo cơ hội học tập, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm một cách toàn diện trong lĩnh vực kiểm soát ung thư bao gồm: Dịch tễ học và giám sát ghi nhận ung thư; Dự phòng và sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư; Các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư.../.