Detroit đã trở thành thành phố lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ từng đệ đơn xin phá sản, với số nợ ít nhất là 15 tỷ USD.
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Detroit nổi tiếng khắp thế giới với danh tiếng Thành phố ô tô. Sự phát triển của ngành công nghiệp này đã giúp Detroit trở thành một trong những thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Detroit - Thành phố ô tô của Mỹ giờ chỉ còn là đống đổ nát. Ảnh Internet |
Tuy nhiên, cùng với sự đi xuống của ngành công nghiệp nặng trong nhiều thập kỷ qua, Detroit đã phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề. Đến đầu năm nay, tỉ lệ giết người của thành phố ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua và nằm trong top đầu về tỉ lệ bạo lực trong số các thành phố lớn của Mỹ.
Thời gian phản ứng của lực lượng cảnh sát trung bình là một giờ. Tỉ lệ thất nghiệp của Detroit hiện ở mức 18%, cao gấp đôi so với tỉ lệ trung bình của cả nước.
Các dịch vụ công cộng của thành phố hiện đang trong tình trạng sắp sập và khoảng 80.000 bất động sản bị bỏ hoang. Chỉ có 1/3 xe cấp cứu và 40% đèn chiếu sáng của thành phố còn hoạt động.
Sự hạn chế của các dịch vụ công khiến cho dân số của thành phố ngày càng thu hẹp. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, 250.000 người dân Detroit đã bỏ đi nơi khác sinh sống. Chính quyền thành phố cũng bị ảnh hưởng của một loạt bê bối tham nhũng.
Từ tháng trước, thành phố đã ngừng trả các khoản nợ không có bảo đảm để duy trì hoạt động của chính quyền trong lúc người được bang Michigan bổ nhiệm để giải quyết tình trạng khẩn cấp đang thương lượng với các chủ nợ diễn ra.
Thành phố một thời là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ đang phải xin được bảo hộ trước các chủ nợ, bao gồm cả nhân viên chính quyền và các quỹ hưu trí. Hồi tháng trước, ông Orr đã đề xuất một thỏa thuận mà theo đó các chủ nợ sẽ nhận được 10 cent cho mỗi USD mà thành phố đang nợ. Tuy nhiên, 2 quỹ hưu trí đại diện cho nhân viên thành phố đã nghỉ hưu đã không chấp thuận đề xuất này.
Đến ngày 18/7, ông Kevyn Orr - người được bang Michigan bổ nhiệm để giải quyết tình trạng khẩn cấp - đã yêu cầu một thẩm phán liên bang cho phép bảo hộ phá sản đối với Detroit. Nếu yêu cầu này được chấp thuận, ông Orr sẽ có quyền thanh lý các tài sản của thành phố để trả nợ.
Tại cuộc họp báo hôm 18/7, ông Orr nói rằng nộp đơn xin phá sản là “bước đi đầu tiên trong quá trình khôi phục thành phố”.
Thị trưởng Detroit Dave Bing tuyên bố thành phố vẫn tiếp tục hoạt động và các hóa đơn sẽ vẫn được thay toán dù xin phá sản. “Các khoản thanh toán cho các nhân viên của thành phố vẫn sẽ được duy trì, các dịch vụ cũng vẫn tiếp tục hoạt động” – ông Bing trấn an người dân.
Thống đốc bang Michigan Rick Snyder cho biết ông chuẩn thuận yêu cầu nộp đơn xin phá sản của Detroit. “Chỉ có con đường duy nhất để thoát ra khỏi tình trạng này, đó là tái cơ cấu toàn diện thành phố và cho phép nó được tái tạo mà không phải chịu những gánh nặng của các bổn phận không thể thực thi nổi” – ông Snyder nói.
Tập đoàn xe hơi General Motors, có trụ sở tại Detroit, cũng tuyên bố việc nộp đơn phá sản của thành phố sẽ không có ảnh hưởng gì tới hoạt động của tập đoàn này.
Năm 2012, 3 thành phố ở bang California là Stockton, Mammoth Lakes và San Bernardino đã xin phá sản. Trước đó, năm 2011, thành phố Harrisburg ở Pennsylvania cũng đã tìm cách nộp đơn nhưng không được chấp thuận.
Thanh Tâm (Theo báo nước ngoài)