Mang danh lái xe đi thu mua chè
Theo chị Hoàng Thị Sáu, trú tại xóm Cây Khế, thị xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên, năm 2014 bà Dương Thị Hường – Giám đốc Công ty TNHH Nhất Tùng dẫn theo ông Trần Văn Kỳ đến cơ sở sản xuất chè của chị. Bà Hường giới thiệu ông Kỳ là chồng và đang là lái xe cho ông Dương Ngọc Long – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời “bật mí” cho chị Sáu biết về một mối thu mua chè với số lượng lớn.
Đầu năm 2015, ông Kỳ và bà Hường đến nhà chị Sáu đặt vấn đề rõ ràng hơn. Chị Sáu nhớ lại: “Họ bảo có mối tiêu thụ chè khô ở trong miền Nam rất lớn, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Rồi ông Kỳ và bà Hường bảo tôi đứng ra thu gom chè ở các nơi về cho vợ chồng ông ấy mang đi tiêu thụ.
Trong đó, ông Kỳ đứng ra đảm nhận việc giao chè và thanh toán tiền chè cho tôi. Do nghĩ rằng, ông Kỳ là người của UBND tỉnh Thái Nguyên, lại là lái xe thân thiết với Chủ tịch tỉnh nên tôi đồng ý”.
Sau khi thương thuyết, đặt vấn đề làm đầu mối thu mua, gom chè với chị Sáu, ngày 11/1/2015 theo đơn đặt hàng của ông Kỳ, chị Sáu đã cung cấp cho ông Kỳ 139 kg chè loại 1; 338.5 kg chè loại 2 và 79 kg chè Đinh Hương.
Tổng cộng số tiền phải thanh toán 91.660 nghìn đồng, tuy nhiên, ông Kỳ chỉ trả trước 20 triệu đồng và hứa sẽ thanh toán sau khi hàng tới nơi. Đồng thời, ông Kỳ cũng thúc giục chị Sáu đi thu gom nhiều hơn nữa để đáp ứng các đơn hàng tiếp theo.
Theo chị Sáu, tính đến tháng 5/2015, tổng số chè đã giao cho vợ chồng ông Kỳ, bà Hường là 16000kg, giá trị lên tới hơn 2,3 tỷ đồng. Mặc dù, khoản nợ lớn chưa trả nhưng ông Kỳ và bà Hường liên tục gọi mời chị Sáu và những người dân trong vùng tiếp tục bán chè cho mình.
“Ông ấy đưa ra một bản hợp đồng xuất khẩu chè sang Nhật Bản trị giá hàng chục tỷ đồng và nói rằng đây là hợp đồng mà Chủ tịch tỉnh vừa ký kết với Nhật Bản. Tuy nhiên, do khoản nợ đã quá lớn, tôi không bán cho ông ấy nữa. Vì thế, ông bà ấy đi tìm mối khác, quay gót 180 độ với tôi”, chị Sáu nhớ lại.
Do cần tiền quay vòng vốn, chị Sáu đã nhiều lần đề nghị thanh toán nhưng ông Kỳ và bà Hường chỉ trả vài chục triệu đồng và kèm theo câu trả lời: “Đầu hàng bên trong chưa thanh toán, đợi thêm ít bữa…”.
Cho đến nay, sau nhiều lần thanh toán, ông Kỳ và bà Hường vẫn nợ chị Sáu gần 1,5 tỷ đồng. Khoảng cuối năm 2015 ông Kỳ và Hường bỗng nhiên “mất tích”, lo lắng bị lừa đảo, chị Sáu và một số hộ dân khác trong xóm tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Ngọc – (người vận chuyển chè giúp ông Kỳ) để hỏi thăm tung tích thì mới biết rằng: “Ông Kỳ hoàn toàn không phải là lái xe của Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên”.
“Tôi thật sự sốc khi anh Ngọc cho tôi biết ông Kỳ không phải là lái xe của chủ tịch tỉnh mà là nhân viên của Bảo Việt nhân thọ Thái Nguyên. Cay đắng hơn, số lượng chè mà ông Kỳ và bà Hường mua của tôi không phải là xuất vào miền Nam mà chở ngược lên huyện Đại Từ bán với giá thấp hơn giá tôi nhập vào…”, chị Sáu nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cùng với một cách thức như vậy ông Kỳ đã chiếm được lòng tin và thu mua được rất nhiều chè của một số hộ dân khác rồi biến mất, bỏ lại khoản nợ lên đến hàng tỉ đồng. Hiện tại, ngoài chị Sáu còn có nhiều hộ dân khác rơi vào tình cảnh tương tự như: bà Nguyễn Thị Hương (khu số 15, thị trấn Hùng Sơn), chị Trần Thị Lan (thị trấn Hùng Sơn), chị Lê Thị Thảo (xã Hà Thượng)… họ đều là những nông dân trồng chè lương thiện, chân chất nhưng giờ đây đáng đứng trước bờ vực phá sản.
Chính vì thế, ngày 23 và 24/06/2016, những người nông dân chất phát này đã giương cờ, biểu ngữ trước cổng Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Thái Nguyên đề nghị ông Trần Văn Kỳ trả tiền cho nông dân trồng chè làm huyên náo khắp ngả đường trung tâm của TP Thái Nguyên.
Không phải lái xe, ông Kỳ là ai?
Sau nhiều ngày tìm hiểu, phóng viên nhận được thông tin chính xác là ông Trần Văn Kỳ (SN 1957, trú tại tổ 24, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên) không phải là lái xe của UBND tỉnh Thái Nguyên mà chính là Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt nhân thọ Thái Nguyên. Đồng thời, bà Dương Thị Hường cũng không phải là vợ của ông Kỳ, người vợ chính thức của ông Kỳ tên Hoa, hiện đang sinh sống tại phường Phan Đình Phùng.
Phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Nông Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Bảo Việt nhân thọ Thái Nguyên. Tuy nhiên, do ông Tuấn bận việc chỉ trả lời qua loa rằng: “Sự việc ông Trần Văn Kỳ buôn bán chè không liên quan đến công ty. Hơn nữa nữa ông Kỳ không còn đảm đương chức vụ Phó giám đốc vì đã xin nghỉ hưu từ tháng cuối tháng 6/2016”.
Theo chị Sáu, ngay sau khi nhận biết ông Kỳ và bà Hường có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chị đã gửi đơn thư tố cáo đến Công an tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, gần đây chị lại nhận được Phiếu hướng dẫn số 222/TB-HS của Phòng cảnh sát hình sự với nội dung trả lại đơn với lý do: Sự việc chỉ là quan hệ dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của công an.
Đồng thời, công an tỉnh Thái Nguyên cũng hướng dẫn chị Sáu nên khởi kiện ra tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chị Sáu cho rằng phúc đáp của Công an tỉnh Thái Nguyên chưa thỏa đáng, bởi: “Giả danh lái xe của Chủ tịch tỉnh để chiếm đoạt lòng tin, thực hiện các giao dịch rồi mang chè đi bán với giá thấp hơn mức nhập là hành vi gian dối, lừa đảo rõ ràng, làm sao mà lại mang tính chất dân sự được”.
Có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?
Phân tích hồ sơ sự việc, Luật sư Phùng Văn Cầu, Phó Giám Đốc Công ty TNHH Luật Minh Thư nhận định rằng: “Theo hồ sơ, ông Kỳ đưa ra các thông tin sai sự thật như mối quan hệ vợ chồng giữa ông Kỳ và bà Hường. Sử dụng hai tên Trần Văn Kỳ và Nguyễn Văn Kỳ, cũng như việc sử dụng danh nghĩa lái xe của Chủ tịch Tỉnh Thái Nguyên không đúng sự thật với nhân thân của ông Kỳ là hành vi gian dối.
Hơn nữa, việc ông Kỳ đưa ra những thông tin sai sự thật là nhằm mục đích tạo dựng lòng tin với những người dân nhằm lợi dụng chiếm đoạt tài sản và có dấu hiệu trốn tránh, thì hoàn toàn có thể coi là những dấu hiệu cấu thành nên tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về một trong những dấu hiệu hành vi về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.
Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan có thẩm quyền có thể dựa vào đó để xác minh, điều tra, xem xét giải quyết vụ việc dựa trên đơn của những người bị hại”, luật sư Cầu cho biết./.