Tích cực hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực được giao quản lý
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ Văn Thị Khanh Thư cho biết: Trong năm 2017, các hoạt động của hai đơn vị về cơ bản đã được triển khai theo đúng kế hoạch, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của hai Cục đã có tinh thần nỗ lực và chủ động cao trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo đúng chức năng được giao. Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, hai đơn vị đã có nhiều cố gắng, tập trung trí tuệ và đoàn kết vượt qua những khó khăn để đảm bảo triển khai các hoạt động đúng tiến độ, chất lượng đã đề ra. Hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo hai đơn vị luôn duy trì được nền nếp, bài bản góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các vấn đề quan trọng, cấp bách.
Các mặt công tác cụ thể đều đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là công tác xây dựng văn bản, hai Cục đã tập trung hoàn thiện một số văn bản liên quan tới lĩnh vực quản lý nhà nước theo thẩm quyền của mình. Theo đó, Cục BTNN đã tham mưu cho Lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ, với các đơn vị chuyên môn thuộc TANDTC, VKSNDTC và các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (ngày 20/6/2017, Luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 với tỷ lệ tán thành cao); chủ động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
Còn Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ đã phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm, báo cáo Lãnh đạo Bộ và trình Chính phủ xem xét (ngày 1/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm); triển khai các hoạt động nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan nhằm xác định sơ bộ về phạm vi, định hướng và chính sách trong xây dựng dự án Luật Đăng ký tài sản...
Cần làm rõ nét hơn vai trò quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp
Tuy nhiên, một số công việc của Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ còn chưa đúng tiến độ. Phần mềm đăng ký trực tuyến GDBĐ mức độ 4 đã được chính thức vận hành vào tháng 7/2017, song cán bộ đăng ký vẫn gặp phải một số sai sót kỹ thuật trong quá trình xử lý đơn yêu cầu đăng ký và cung cấp thông tin. Đối với Cục BTNN, việc tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác năm 2017 của các đơn vị chuyên môn thuộc Cục đôi lúc còn lúng túng, chưa thực sự khoa học; công tác phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường đã chủ động hơn trước nhưng việc phối hợp trong chỉ đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp, kéo dài vẫn chưa được dứt điểm…
Để khắc phục, hai đơn vị đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong năm 2018. Cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ của hai đơn vị, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ cũng cam kết đồng hành với hai Cục trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái cho biết, Vụ sẽ nghiên cứu tiêu chí đánh giá công chức, kể cả tiêu chí thi đua – khen thưởng mà Cục BTNN có đề xuất, để áp dụng chung cho các đơn vị thuộc Bộ. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực đề nghị Cục BTNN trao đổi hướng dẫn nghiệp vụ, thẩm định hồ sơ giải quyết một số vụ việc kéo dài; Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ phối hợp cung cấp thông tin về liên quan đến tài sản thi hành án…
Vui mừng trước các kết quả công tác đáng khích lệ của hai đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh đến sự chủ động tham mưu hoàn thiện về thể chế trong hai lĩnh vực. Nhờ vậy, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được ban hành với nhiều tư tưởng mới, đề cao trách nhiệm của Nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho người có yêu cầu bồi thường; còn Nghị định 102 đã đáp ứng được yêu cầu cải cách, góp phần thúc đẩy kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, Thứ trưởng trăn trở vì vai trò quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp trong hai lĩnh vực còn chưa rõ nét, vẫn có những vụ việc về BTNN gây bức xúc dư luận, trong khi cán bộ, cơ quan nhà nước có nơi có chỗ chưa sẵn sàng trong việc giải quyết BTNN cho người dân song Cục BTNN chưa tham mưu giải quyết kịp thời; thể chế trong đăng ký GDBĐ chưa đồng bộ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả như mong muốn… Thứ trưởng đề nghị hai đơn vị xác định trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên giải quyết quyết liệt trong năm 2018. Trong đó, Thứ trưởng lưu ý tập trung tổ chức thi hành pháp luật trong hai lĩnh vực này; tạo động lực, môi trường làm việc tốt cho công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị; coi trọng công tác đánh giá cán bộ; cán bộ lãnh đạo thì phải đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành…