Hoạt động tư vấn pháp luật cho DN hiện nay là một phần quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý cho DN, đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết của Nhà nước ta. Hiện nay, việc tư vấn pháp luật cho DN được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng như: giải đáp trực tiếp tại cơ quan, tổ chức hội nghị đối thoại với DN, tiếp nhận và giải đáp bằng văn bản, qua hộp thư điện tử, trên các trang chuyên mục hỏi đáp… Qua đó, hỗ trợ giải quyết một cách nhanh chóng và trực tiếp, hiệu quả cho DN, giảm bớt công sức và chi phí cho DN đồng thời tạo thói quen tuân thủ pháp luật khi giải quyết những vướng mắc trong quá trình hoạt động của DN.
Thực tế hiện nay cho thấy vướng mắc pháp lý của DN rất đa dạng nhưng các DN không tìm hiểu các quy định pháp luật để giải quyết vướng mắc mà thường làm theo thói quen hoặc giải quyết theo ý chí chủ quan của chủ DN. Do đó, yêu cầu đặt ra với người tư vấn pháp lý phải hiểu biết xã hội, nắm chắc quy định pháp luật trong phạm vi quản lý; có sự tổng hợp, sắp xếp các văn bản pháp luật khoa học và cập nhật các văn bản pháp luật kịp thời. Trên cơ sở đó mới có thể có các giải pháp, hướng tư vấn đúng đắn, áp dụng quy định pháp luật thích hợp, giải đáp đúng yêu cầu của DN.
Tuy nhiên, tại một số nơi, do lực lượng cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước làm công tác hỗ trợ pháp luật cho DN còn kiêm nhiệm và thiếu, kinh phí dành cho công tác này chưa được thực sự quan tâm. Công chức, viên chức được bố trí chuyên trách thực hiện tư vấn pháp luật cho DN tại các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị hiện nay còn hạn chế về số lượng, thường do cán bộ làm công tác chuyên môn thực hiện nên tính chuyên nghiệp, phương pháp thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN chưa đạt hiệu quả cao, thiếu kinh nghiệm thực tế. Dẫn tới tình trạng vẫn còn nhiều địa phương chưa xây dựng được Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN mà chỉ ban hành các kế hoạch cụ thể thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, đội ngũ công chức, viên chức trẻ thường thiếu và yếu các kỹ năng mềm trong việc tiếp cận vụ việc, phân tích tình huống, áp dụng pháp luât, kỹ năng diễn đạt, trình bày khoa học một cách dễ hiểu, kỹ năng trả lời và giải quyết các vụ việc phức tạp… Một số công chức, viên chức còn vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp khi không làm đúng trách nhiệm của mình trong tư vấn pháp luật cho DN, thực hiện tư vấn pháp luật cho DN một cách miễn cưỡng, hình thức hoặc gây cản trở cho DN.
Cùng với đó, sự hiểu biết pháp luật của người dân, DN nhìn chung còn hạn chế, không có tính hệ thống, thiếu cập nhật, chưa đủ để giúp DN tự giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trong khi đó, nắm vững các quy định pháp luật lại chính là một trong những điều kiện và lợi thế quan trọng giúp các DN đạt được nhiều ưu thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho DN, các nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN được quy định trong Nghị định cần được đánh giá và hoàn thiện thêm cho phù hợp với thực tế. Ví dụ, Điều 10, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định về giải đáp pháp luật cho DN, tuy nhiên khoản 6, Điều 10 Nghị định này lại quy định: “Việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của DN về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”. Trong khi đó, thực tế yêu cầu giải đáp pháp luật của DN chủ yếu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mình.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật cho DN, các công chức, viên chức làm công tác này cần phát huy tính chủ động trong công việc, tích cực tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tư vấn pháp luật. Đặc biệt, cần xây dựng thói quen cập nhật văn bản pháp luật, chính sách nhà nước một cách kịp thời để áp dụng chính xác vào xử lý từng vụ việc, đáp ứng tốt yêu cầu giải quyết chính xác, kịp thời nhu cầu của DN cũng như nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, cán bộ làm công tác này cần xây dựng và nguồn thông tin pháp luật cập nhật đa dạng và chính thống, hoàn thiện kỹ năng sắp xếp, hệ thống hóa các văn bản do các cấp có thẩm quyền ban hành một cách đầy đủ. Đồng thời chú trọng tổng hợp và nắm chắc các định hướng chủ đạo của ngành, cơ quan, đơn vị, chủ động tìm hiểu các vụ việc cá biệt mà hiện pháp luật còn chưa quy định cụ thể hoặc còn chồng chéo để đề xuất hướng giải quyết phù hợp với các cơ quan có thẩm quyền.