Cuối tháng 11 này, liên Bộ Y tế, Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ ban hành thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh thống nhất trên toàn quốc sau khi hơn một tháng soạn thảo và lấy ý kiến.
Với nhiều người việc tăng giá này không có gì lạ bởi trước đó, liên bộ này đã đưa ra lộ trình tăng giá theo dạng “tính đúng tính đủ” cho đến năm 2018. Tuy nhiên, khi BHYT chưa phủ sóng toàn dân thì việc tăng giá lần này sẽ là gánh nặng thực sự cho những người chưa tham gia bảo hiểm y tế.
Theo tính toán của lãnh đạo vụ Kế hoạch tài chính (bộ Y tế) được công bố tại hội thảo về viện phí và các vấn đề y tế vừa tổ chức mới đây thì với việc tính thêm phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, chi phí giường bệnh sẽ tăng 10.000 - 20.000 đồng/ngày, phí phẫu thuật hoặc thủ thuật sẽ tăng 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca.
Từ 1/3/2016 khi tính lương vào viện phí, ước tính trong tổng chi phí điều trị một ca bệnh 6 triệu đồng, sẽ có 350.000 - 400.000 đồng trả lương cho cán bộ y tế.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khẳng định, việc điều chỉnh giá viện phí chắc chắn sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khi giá tính đủ sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển các kỹ thuật y tế cao, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và người có thẻ bảo hiểm được thanh toán nhiều hơn nên làm tăng quyền lợi.
Trao đổi với phóng viên, chị Trần Thị Na (Thanh Hóa), đang điều trị ở bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tôi bị suy thận 3 năm nay, chi phí điều trị bệnh chủ yếu nhờ BHYT., nhưng tôi vẫn phải thanh toán một phần chi phí khám, chữa bệnh, viện phí tăng có nghĩa số tôi phải cùng chi trả sẽ tăng”.
Theo chị Na vẫn có những loại thuốc, vật tư không nằm trong danh mục BHYT thanh toán khiến những bệnh nhân như chị rất lo lắng, bởi từ ngày mắc bệnh, kinh tế gia đình chị đã kiệt quệ, khó khăn hơn rất nhiều”.
Một bệnh nhân khác chia sẻ: “Tôi bị bệnh thận, sự sống đều phải nhờ vào thuốc, ở bẹnh viện nhiều hơn ở nhà, dù đã có thẻ BHYT nhưng hàng tháng cũng phải tiêu tốn khoảng 5 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống, giờ mà tăng tiền khám chữa bệnh nữa chắc tôi về nhà chờ chết mất”
Cùng chung nỗi lo, chú Nguyễn Văn Ba (50 tuổi) bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị, chi phí mỗi lần điều trị ung thư cũng tốn kém vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Dù chỉ phải chi trả 5% chi phí, nhưng đây cũng là khoản tiền không nhỏ với những bệnh nhân phải điều trị lâu dài như tôi vì ngoài tiền chi trả viện phí, còn tiền chi phí tàu xe, ăn uống, tiền thuốc thêm”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết: khoảng 23,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có thẻ BHYT sẽ có lợi sau khi điều chỉnh giá lần này vì các đối tượng này được BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Trong khi đó, các đối tượng đang tham gia BHYT đồng chi trả cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều vì mức tăng không nhiều.
Đồng thời, ông Liên cũng thừa nhận nhóm người chưa có thẻ BHYT bị ảnh hưởng nặng khi viện phí sẽ tăng cao hơn. Gánh nặng sẽ đè vai người bệnh hơn khi vào đầu năm 2016 nhóm chưa có thẻ BHYT sẽ thực hiện theo mức giá mới này. Trong khi đó, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến thời điểm này, mới có khoảng 64 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Điều này cho thấy bảo hiểm mới bao phủ được hơn 71%, vẫn còn lại hơn 30 triệu người chưa có thể sẽ nặng gánh thực sự khi giá viện phí tăng trong thời gian tới./.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu