Khu vực dịch vụ đóng góp hơn 56% GDP
Ngày 29/2, chủ trì cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011 - 2019.
Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Cụ thể, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm. Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Riêng khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Riêng ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch COVID-19 đã được kiểm soát nên chi cho phòng, chống dịch bệnh giảm so với năm 2021.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.
Chỉ số CPI đạt mục tiêu Quốc hội đề ra
Cũng theo TCTK, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước. Tính chung quý IV/2022, CPI tăng 0,67% so với quý trước và tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân năm 2022, CPI tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo TCTK, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số CPI tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Theo phân tích của TCTK, CPI bình quân năm 2022 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu như giá xăng dầu trong nước tăng 28,01% so với năm trước; giá gạo tăng 1,22% so với năm 2021; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,62% so với năm 2021; giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục tăng 1,44% so với năm 2021. Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2022. Cụ thể giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước; giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước; giá bưu chính viễn thông giảm 0,37%.
Hơn 200 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường
Theo TCTK, tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208,3 nghìn DN tăng 30,3% so với năm 2021; 143,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5%, trong đó phần lớn là các DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,5%).
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Có 66,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định so với quý III/2022, 33,7% số DN đánh giá gặp khó khăn.