Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn

5 cơ sở giáo dục đại học ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
5 cơ sở giáo dục đại học ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (19/10), tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Ngành công nghệ chip bán dẫn yêu cầu đào tạo tổng hòa nhiều ngành học như Hóa học, Vật lí, Vật liệu, Khoa học máy tính, Điện tử… Các chuyên gia khẳng định Việt Nam đủ năng lực có thể tham gia thị trường này.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết: Công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

Tuy nhiên, người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một “điểm nghẽn” lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9/2023 vừa qua, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… đã được “mở toang”. Nhưng thực tế triển khai lại đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.

Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT cho biết, hiện có trên 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn đã đầu tư vào Việt Nam trong ngày công nghiệp vi điện tử và bán dẫn. Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ ĐH trở lên. Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người. Theo giới chuyên ngành, nhu cầu đào tạo một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau ĐH chiếm ít nhất 30%.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang xây dựng một kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Anh Dũng, trong những năm qua, Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán). Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2022, số tuyển mới sinh viên ĐH khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật.

Tạo niềm tin và pháp lý cho sự đột phá

Để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn, theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cần có cơ chế, chiến lược, khuyến khích phát triển công nghiệp bán dẫn; cần có cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại và chương trình đào tạo, học liệu, công nghệ giáo dục...

Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng: Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung. Trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch. Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0. Trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau ĐH ở các lĩnh vực công nghệ cao…

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Ngày hôm nay 19/10 chắc chắn sẽ là ngày đáng nhớ trong chặng đường chúng ta góp sức vào sự tạo dựng và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam trong tương lai”. Bộ trưởng nhấn mạnh: Các trường ĐH nếu cách đây 20 năm chưa chắc gánh vác được trách nhiệm này, nhưng với tiềm lực hiện nay của hệ thống ĐH cả công, cả tư, với hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự quan tâm của Chính phủ, các địa phương… thì “thời cơ đã chín muồi”.

“Về phía Bộ GD&ĐT sẵn sàng ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài… Với các thành tố của đào tạo, các trường cần nghĩ đột phá hơn nữa, đừng quá rụt rè. Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là tạo ra niềm tin, chỗ dựa pháp lý và chỉ đạo để các trường có thể thực hiện được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng mong muốn cần hướng đến tư duy toàn cầu, phải phát triển cả nghiên cứu và đào tạo, nghĩ đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài. Hãy ao ước đến một ngày giảm xuất khẩu lao động giản đơn như bây giờ để nghĩ đến có một lớp người đi làm cho thế giới với nguồn thu nhập khác và tư thế khác.

“Tất cả cùng nhau cố gắng cho một mục tiêu chung không chỉ là việc làm mà là vấn đề vị thế quốc gia. Mong chúng ta cùng nhau cố gắng và có giải pháp phù hợp để có kết quả trong hiện thực, chứ không chỉ là khẩu hiệu, phong trào”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Nhân dịp này, 5 cơ sở giáo dục ĐH gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cùng ký kết Biên bản Hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam để sẵn sàng bảo đảm, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045; Thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục ĐH.

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...