Do ảnh hưởng của hoàn lưu của bão số 6 trong ngày 19, 20/10, mưa lớn xuất hiện nhiều nơi trên toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dẫn tới nhiều tuyến đường chính của TP Vũng Tàu ngập lụt cục bộ và sạt lở.
Mực nước trên các hồ điều hòa đều dâng cao, điển hình như Hồ Bàu Sen ghi nhận cao độ +3.41m trong khi cao độ thiết kế là 1,82m; tại cống hộp đường Lê Hồng Phong ghi nhận cao độ +3.6m. TP Vũng Tàu có 9 vị trí ngập sâu với thời gian kéo dài, có vị trí sau 24 – 48 giờ nước mới rút hết và 19 vị trí ngập từ 40 phút đến 2 giờ.
Đồng thời, thành phố Vũng Tàu xảy ra 8 điểm sạt lở trên các tuyến đường như Hạ Long, Trần Phú, cầu Rạch Bà, gây hư hỏng 5 xe mô tô.
Đất, đá sạt lở làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân trên đường Hạ Long |
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân ngập lụt do mưa lớn kéo dài 2 ngày kết hợp với triều cường dâng cao, trong khi mưa dẫn đến thoát ra biển chậm.
Ngoài ra, quãng đường để nước từ các hồ chứa như hồ Võ Thị Sáu, hồ Bàu Sen xả ra nguồn tiếp nhận tại Cống ngăn triều Rạch bà, Cửa Lấp khá xa, khoảng 11 - 12km, làm giảm khả năng thoát nước. Đang là cuối mùa mưa, khả năng tự thấm qua đất là rất thấp, cùng với tốc độ đô thị hóa, các ao hồ dần dần thay thế bằng công trình nên nước mưa chỉ có thể thoát ra ngoài đường và thu về cống thoát nước.
Ông Thuấn thông tin thêm, quá trình đô thị hóa dẫn đến một số ao hồ, vũng trũng, khu vực hạ lưu thoát nước được san lâp làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên; dãy ao, hồ khu Bàu Trũng phường Nguyễn An Ninh, khu ao sau nhà dòng Đa Minh phường Rạch Dừa, ao, ruộng trũng khu phố 1 phường 10, khu quy hoạch công viên hồ Rạch Bà phường Rạch Dừa & phường 11, khu quy hoạch hồ Cửa Lấp phường 12, khu cây khế phường 12... đã bị san lấp và thu hẹp.
"Trước đây khi mưa lớn các dãy ao, hồ, vũng trũng nêu trên đóng góp một phần quan trọng trong việc trữ nước, nhưng hiện tại toàn bộ nước mưa thoát về các tuyến kênh, mương và hồ hiện hữu gồm kênh Đồng Sát 1, 2, 3, kênh thoát nước chính, hồ Võ Thị Sáu, hồ Bàu Sen, hồ Bàu Trũng và hồ Rạch Bà", Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu phản ánh.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cũng phân tích, tình trạng ngập lụt còn do một số nguyên nhân chủ quan. Từ năm 2006, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố Vũng Tàu đến năm 2020, thành phố Vũng Tàu (trừ Long Sơn) có 7 hồ điều hòa tham gia hệ thống thoát nước phục vụ khi mưa gặp triều cường với diện tích tổng cộng là 219ha. Tuy nhiên, thực tế hiện nay mới chỉ có 32,68ha hồ điều hòa, các hồ chưa được nạo vét, mở rộng theo quy hoạch, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập nước kéo dài.
Kênh thoát nước chính của thành phố hiện có 3 đoạn, đoạn từ đường Nguyễn An Ninh đến hồ Bàu Trũng (khu Chí Linh); đoạn từ khu Chí Linh đến hồ Rạch Bà qua các phường 10, 11& Rạch Dừa; đoạn từ Chí Linh đến khu vực Cửa Lấp qua các phường 11& 12.
Đường ngập sâu, hầu hết phương tiện không thể lưu thông |
Trên các tuyến kênh chính có nhiều vị trí có đường cắt ngang kênh chỉ đầu tư các cống tròn qua đường, khả năng thoát nước thấp hơn nhiều so với kênh tự nhiên, bên cạnh đó một số vị trí tình trạng lấn chiếm làm giảm chiều rộng kênh thoát nước, đây cũng là nguyên nhân làm giảm khả năng tiêu thoát ra nguồn tiếp nhận.
Theo báo cáo của BUSACO, do nguồn kinh phí hạn chế, việc nạo vét kênh thoát nước chính TP Vũng Tàu chỉ được thực hiện tại các khu đông dân cư mà chưa được nạo vét cả tuyến.
Một khu vực thiệt hại nặng nề do sạt, lở tại phường 2, TP Vũng Tàu |
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết, UBND TP Vũng Tàu đã có những giải pháp để xử lý tình trạng ngập lụt. Cụ thể, trong năm 2022 sẽ tiến hành nạo vét các đoạn còn lại của tuyến kênh để phục vụ thoát nước cho mùa mưa năm nay. Đồng thời, thanh thải, khơi thông, tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm ra lòng kênh, vật che chắn, cầu cống tạm dọc kênh thoát nước chính của thành phố.
Thành phố cũng sẽ đầu tư nạo vét các hồ điều hòa, xây dựng kênh thoát nước chính, các cống ngang kênh chuyển thành cầu nhỏ, tăng khẩu độ bằng chiều rộng kênh để tăng khả năng tiêu thoát nước;
Đầu tư xây dựng các hồ điều hòa theo quy hoạch, rà soát đầu tư hoàn thiện hệ thống cống thoát nước, cửa xả để xử lý các vị trí thường xuyên ngập úng cục bộ.