Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 20/8 tiếp nhận bệnh nhi T.C.T (7 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng đau bụng liên tục, sốt, đi ngoài, nôn. Gia đình cho biết, T có biểu hiện đau bụng từ khoảng một tuần trước đó, tuy nhiên do lo ngại dịch bệnh COVID-19, khu vực sinh sống hạn chế đi lại nên chưa cho con đến bệnh viện.
T có tiền sử trào ngược dạ dày nên khi thấy con đau bụng, gia đình đã tự mua thuốc chống trào ngược và men tiêu hóa để điều trị tại nhà nhưng bé vẫn đau, sốt, đi vệ sinh không tự chủ.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị viêm ruột thừa giai đoạn muộn, biến chứng ruột thừa đã vỡ, gây viêm nhiễm lan tràn trong ổ bụng, phải mổ cấp cứu.
"Thông thường, viêm ruột thừa có thể phẫu thuật bằng phương pháp nội soi, tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng trong ổ bụng của bệnh nhi này rất nặng, nguy cơ chảy máu, tổn thương đường tiêu hóa rất lớn. Nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhi, các bác sĩ đã bắt buộc phải chuyển sang phương pháp mổ mở mới có thể xử lý triệt để tổn thương", Ths.Bs CKII Vũ Mạnh Hoàn – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết.
Sau phẫu thuật, sức khỏe của T có những tiến triển tích cực.
Trước đó, Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhân N.H.A (6 tuổi, ở Hà Nội) với tình trạng tương tự.
Gia đình cho biết, H.A được cho về quê nghỉ hè, ngay sau đó Hà Nội giãn cách xã hội, gia đình không kịp đón con lên. H.A bắt đầu đau bụng khoảng 1 tuần nhưng không được đi khám tại cơ sở y tế mà chỉ theo dõi tại quê. Đến khi bé đau bụng nhiều hơn, kèm sốt 38,5 độ C, bụng chướng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…, mới được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, H.A được chẩn đoán, ruột thừa vỡ tạo thành một khối áp-xe, ruột và các cơ quan khác trong ổ bụng dính xung quanh. Bệnh lý này hay gặp ở các trường hợp viêm ruột thừa chưa được điều trị 5-7 ngày.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nhanh chóng phẫu thuật được cho H.A bằng phương pháp nội soi, gỡ dính, cắt ruột thừa, hút rửa sạch ổ áp-xe. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn phải trải qua thời kì điều trị hậu phẫu với ống dẫn lưu dịch tiết ra khỏi ổ bụng, sử dụng nhiều loại kháng sinh và đòi hỏi quá trình phục hồi chức năng tiêu hóa tích cực.
Sau 7 ngày điều trị, H.A đã được xuất viện.
Không lơ là, chủ quan với các dấu hiệu bệnh của trẻ
Viêm ruột thừa là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Theo PGS.TS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Trung ương, nguyên nhân gây viêm ruột thừa chưa rõ ràng, có thể liên quan yếu tố tắc nghẽn cơ học của lòng ruột thừa như sỏi phân, nang bạch huyết, hoặc kí sinh trùng, dị vật, hạt hoa quả…
Các triệu chứng thường gặp của viêm ruột thừa là đau bụng quanh rốn hoặc ở vùng hố chậu phải, nôn, sốt. Số ít bệnh nhân có thể có biểu hiện đi phân lỏng (thường gặp ở trẻ nhỏ), dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Ở trẻ em, ruột thừa không cố định ở bụng dưới bên phải như người lớn mà có thể ở nhiều vị trí, gây nên các đặc điểm đau khác nhau, như đau quanh rốn hoặc thượng vị giống tình trạng đau dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa thông thường. Chính vì thế mà đôi khi cha mẹ không lưu ý hoặc chủ quan trước những triệu chứng ban đầu của trẻ.
"Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm từ chỗ chỉ trong phạm vi ruột thừa sẽ tiến triển đến giai đoạn căng chứa mủ, tiết dịch ra xung quanh, hoại tử, vỡ… từ đó lan rộng trở thành viêm phúc mạc. Nhiễm trùng từ khu trú thành lan tràn, thậm chí có thể gây nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân", PGS.TS Phạm Duy Hiền cảnh báo.
Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay, viêm ruột thừa cấp thường sẽ được phẫu thuật nội soi cắt, thời gian nằm viện chỉ khoảng 2-3 ngày, tỉ lệ biến chứng rất thấp. Tuy nhiên, với các trường hợp viêm ruột thừa biến chứng thành viêm phúc mạc ruột thừa, việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì lý do an toàn cho bệnh nhân, các bác sĩ đôi khi cũng không thể thực hiện việc phẫu thuật hoàn toàn qua nội soi mà phải kết hợp với mổ mở mới có thể điều trị triệt để tổn thương. Chính vì vậy, thời gian nằm viện của bệnh nhi có thể lên đến 10-15 ngày, việc chăm sóc sau phẫu thuật cũng phức tạp hơn.
“Với trẻ nhỏ, biểu hiện bệnh thường mơ hồ hoặc diễn biến nhanh, phức tạp. Việc các bậc phụ huynh quá hoang mang, lo sợ dịch COVID-19 hoặc lơ là, chủ quan mà trì hoãn đưa trẻ đến bệnh viện có thể vô tình gây hại cho trẻ. Cha mẹ cần chú ý, chủ động theo dõi và nhận diện những dấu hiệu bất thường để kịp thời đưa trẻ đi khám, tránh bỏ qua “thời điểm vàng” trong chẩn đoán xác định và điều trị bệnh cho trẻ”, PGS Phạm Duy Hiền khuyến cáo.