Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 61,10-61,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 1 triệu đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 61-61,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 900.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,2 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng 900.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 60,75-61,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 950.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng 1,15 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.854,60 USD/ounce, tăng 4,2 USD/ounce so với giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (22.750), tương đương 51,40 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 10,42 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới tăng giá trước thông tin kinh tế Mỹ được Bộ Thương mại nước này báo cáo phiên đêm qua là doanh số bán lẻ tháng 10 tăng 1,7%, cao hơn nhiều mức tăng 0,8% của tháng 9 và cao hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà kinh tế là tăng 1,3%.
Lũy kế, doanh số bán lẻ tăng 16,3% kể từ tháng 10/2020. Trong đó, doanh số bán lẻ cốt lõi (trừ doanh số bán ô tô) cũng tăng 1,7% vào tháng trước, cao hơn mức 0,8% của tháng 9 và kỳ vọng của các nhà kinh tế là tăng 1,0%.
Nhóm kiểm soát (không bao gồm ô tô, khí đốt, vật liệu xây dựng, dịch vụ thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trực tiếp vào tính toán GDP) cũng tăng mạnh 1,6%, cao hơn mức tăng mà các nhà kinh tế đã kỳ vọng là 0,9%.
Mặc dù doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến, song một số nhà kinh tế lưu ý rằng lạm phát gia tăng có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu dùng.