Đồng loạt tăng giá vé tham quan
Từ đầu năm 2014, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã tăng giá vé tham quan lên gấp đôi. Rồi giá vé tham quan tại các điểm du lịch ở Lào Cai đã tăng gấp 3 lần so với trước đó. Kể từ tháng 11/2014, tất cả các khu du lịch tại Đà Lạt đã tăng giá vé tham quan lên gấp đôi.
Tuy nhiên, đáng kể nhất phải kể đến mức phí tham quan mới do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công bố, áp dụng đối với các di tích trong Cố đô Huế. Theo đó, từ tháng 4/2015, du khách trong nước và quốc tế đều có chung mức phí.
Cụ thể, đối với Hoàng cung Huế (Đại Nội - Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế), giá vé người lớn là 210.000 đồng, trẻ em là 60.000 đồng. Các khu di tích lăng mộ, cung, điện khác giá vé người lớn dao động từ 70.000- 150.000 đồng; trẻ em từ 20.000 - 40.000 đồng. Mức giá nói trên đã cao hơn đáng kể so với mức giá hiện hành trước đó.
Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Phúc - Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, giá tham quan di tích lịch sử - văn hóa Huế (thuộc quần thể di tích Cố đô Huế) hiện thấp hơn nhiều so với các khu di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh tại một số nơi trong nước và khu vực, vì vậy cần thiết phải tăng nhằm mục tiêu phát triển bền vững và chủ động hơn về nguồn lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa Huế.
Đây cũng là lý do phổ biến mà các địa phương viện dẫn khi trả lời các câu hỏi liên quan vấn đề tăng giá vé tham quan di tích, danh thắng.
Tuy nhiên, tăng làm sao để dân không cảm thấy hoang mang, bức xúc và doanh nghiệp không gặp khó khăn trong việc làm ăn đang là bài toán khó.
Du khách tham quan Khu di tích Cung đình Huế. |
Phải tăng theo đúng lộ trình
Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết: “Giá vé tham quan hiện nay đang áp dụng cho khách quốc tế chỉ từ 40.000 - 105.000 đồng/người/điểm/lượt; khách trong nước từ 30.000 - 75.000 đồng/người/điểm/lượt. Do vậy cần thiết phải tăng giá nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và chủ động hơn về nguồn lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa Huế.
Đặc biệt, giá vé tham quan khách nước ngoài được áp dụng hơn 18 năm nay, kể từ năm 1993 đến nay mà chưa một lần được điều chỉnh.Trong khi di sản văn hóa thế giới như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam)... đều đã tăng giá. Và so với nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc… giá vé tham quan của nước ta không phải là cao, thậm chí còn rất thấp”.
Trò chuyện với phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam, ông Phạm Định Phong - Chánh Văn phòng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải đáp: “Khi xây dựng đề án tăng giá vé tham quan di sản Cố đô Huế, mọi người cũng đã có sự so sánh về mức sống, mức thu nhập bình quân đầu người tương đương với Việt Nam ở các nước lân cận như Lào, Campuchia để điều chỉnh cho phù hợp.
Tất cả các giá vé đều bao hàm phí và lệ phí. Và mọi hoạt động của Trung tâm bảo tồn Cố đô Huế về tăng vé tham quan di sản đều theo đúng lộ trình”.
Theo các chuyên gia du lịch, giá vé tham quan di tích, danh thắng ở Việt Nam không cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cho nên việc tăng phí để phù hợp với bối cảnh chung là điều có thể hiểu được.
Tuy nhiên, việc tăng giá cần được cân nhắc kỹ, có lộ trình cụ thể, tránh trường hợp đáng tiếc như núi Hàm Rồng ở Lào Cai, giá vé đang 30 nghìn thì 100% du khách đến Sa Pa đều đến tham quan. Tuy nhiên, khi Lào Cai quyết định tăng giá vé lên 100 nghìn thì chỉ còn 20% khách lên núi Hàm Rồng.
Ngoài ra, điều khiến các du khách và doanh nghiệp du lịch bức xúc là việc tăng giá vé chưa đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Rõ ràng, việc tăng giá vé tham quan để từ đó quay lại đầu tư cho chất lượng dịch vụ của điểm đến tốt hơn là một chủ trương đúng đắn.
Ấy thế nhưng vẫn có nhiều nơi chất lượng dịch vụ “tỉ lệ nghịch” với giá vé tham quan. Tăng giá vé nhưng thái độ phục vụ của nhân viên vẫn thế, nhà vệ sinh vẫn nhếch nhác, người bán hàng rong vẫn chèo kéo khách, rác thải xả bừa bãi… thì thật khó chấp nhận.