Nói về vấn đề phụ nữ bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng vì hút thuốc thụ động, Bộ Y tế đã từng đề cập đến trường hợp của chị N.T.Đ ở Hưng Yên phải phẫu thuật và cắt bỏ một bên, sau đó trải qua 7 lần truyền hóa chất vì mắc ung thư vú.
Theo chia sẻ của người phụ nữ này, khi biết mình mắc bệnh, chị vô cùng sốc và ngỡ ngàng vì gia đình không có ai trước đó từng mắc bệnh, chị quanh năm chỉ làm ruộng ở quê ít tiếp xúc hóa chất...Tuy nhiên, khi bác sĩ phân tích chị mới giật mình bởi chồng chị có thâm niên hút thuốc gần 30 năm, từ khi lấy nhau, chị luôn phải ngửi và hít mùi thuốc lá.
Cô giáo N.T.T.H. cũng là một nạn nhân của thuốc lá thụ động. Cô H. chưa bao giờ hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc trong môi trường từ rất lâu bởi chồng là người hút thuốc. Từ một cô giáo khỏe mạnh, dạy giỏi, cô H. trở thành chị trở thành một phụ nữ quanh năm ra vào bệnh viện. Từ khi biết bệnh của vợ, người chồng cũng bỏ hút thuốc, thế nhưng cũng đã quá muộn...
Dựa trên sự phối hợp để tìm hiểu và làm rõ những mối đe dọa tiềm ẩn với sức khỏe phụ nữ gây ra bởi thuốc lá và sự cần thiết trong việc tăng cường các chính sách kiểm soát thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ Việt Nam, mới đây, Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có bài viết xoay quanh vấn đề “Phụ nữ và thuốc lá ở Việt Nam - nhiều nguy cơ tiềm ẩn”.
Theo đó, tác động của thuốc lá đối với phụ nữ ở Việt Nam thường không được chú ý vì đây là nhóm đối tượng rất ít hút thuốc, nhưng 48,2% phụ nữ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động độc hại tại nhà và 25,4% phụ nữ hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc. Ước tính có hơn 19.000 người ở Việt Nam chết do hút thuốc lá thụ động vào năm 2019, phần lớn (khoảng 60%) trong số những ca tử vong này là phụ nữ.
Đáng lo ngại hơn nữa khi hút thuốc và khói thuốc thụ động ảnh hưởng nghiêm trọng tới phụ nữ mang thai và gây hại cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và tỷ lệ trẻ em gái và phụ nữ trẻ dùng các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ngày càng tăng (khoảng 1,5% học sinh nữ từ 13 đến 17 tuổi đã bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử, tỷ lệ này thậm chí còn cao khoảng hơn gấp đôi (3,6%) ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...).
Cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ phụ nữ - đó là lời kêu gọi của Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Cần có biện pháp phòng ngừa ngành công nghiệp thuốc lá đang nhắm vào phụ nữ để thay thế lượng nam giới hút thuốc lá có xu hướng giảm dần. Ảnh minh họa. Nguồn Internet. |
Theo đó, ưu tiên chính là tăng cường thực thi các quy định của pháp luật về môi trường không khói thuốc, điều rất quan trọng để bảo vệ phụ nữ và cộng đồng khỏi khói thuốc thụ động. Cần thực hiện nghiêm việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, phải có biện pháp phòng ngừa ngành công nghiệp thuốc lá đang nhắm vào phụ nữ để thay thế lượng nam giới hút thuốc lá có xu hướng giảm dần. Để ngăn chặn được điều này, biện pháp quan trọng nhất là phải tăng thuế và giá thuốc lá để khuyến khích những người hút thuốc hiện tại bỏ thuốc lá và giảm sức hấp dẫn của việc hút thuốc đối với những người khác, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái.
Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cũng cần tăng cường việc thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ đối với các sản phẩm thuốc lá và sản phẩm chứa nicotine, bao gồm cả thuốc lá điện tử; đẩy mạnh các nỗ lực cấm bán các sản phẩm thuốc lá và nicotine mới (vì hiện các sản phẩm này đều là hàng lậu) là yếu tố hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và giám sát việc phòng chống tác hại thuốc lá để giúp giới trẻ, đặc biệt là trẻ em gái hạn chế tiếp xúc và bị cám dỗ bởi thuốc lá điện tử hay các sản phẩm tương tự khác.