Các hồ chứa đã được vận hành phù hợp góp phần cắt giảm lũ ở hạ du nhưng lũ trên nhiều tuyến sông ở Bắc Bộ vẫn lên mức báo động 2, 3, gây ngập lụt nghiêm trọng, đe dọa an toàn đối với đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Đã có lúc miền Bắc “nín thở” nhìn vào hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà.
Trên thực tế, mưa lớn đã gây ra vỡ đê (đê cấp V) trên sông Lô đoạn qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, gây ngập lụt nghiêm trọng cho TP Tuyên Quang. Ngoài ra, còn có hàng chục sự cố đê khác ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương...
Ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, trở thành nhiệm vụ chính trị, sống còn. Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024.
Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động; thực hiện phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông...
Trước đó, ngày 10/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện số 92/CĐ-TTg, về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Tại Công điện này, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu, triển khai phương tiện, kể cả trực thăng, hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết.
Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được; đồng thời là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thương giữa các vùng miền.
Đáng tiếc, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều ở một số nơi còn diễn ra phức tạp; đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng; nhưng việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế.
Mưa lũ sau bão số 3 cho thấy, bên cạnh việc tăng cường đầu tư củng cố, tu bổ đê điều, xóa dần đi các trọng điểm xung yếu, từng bước nâng cấp hệ thống đê theo yêu cầu phòng, chống lũ, bão; các địa phương, các cấp, các ngành cần nhanh chóng khắc phục các mặt còn yếu kém, khiếm khuyết, đặc biệt là tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trước các hiểm họa thiên tai như mưa, lũ, bão.