Một đường dây nóng cũng được cơ quan Hải quan công bố khuyến khích người dân tham gia cung cấp thông tin để giúp cơ quan này tiến hành điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm một cách quyết liệt.
500 ngàn con cá tầm giống tại Lâm Đồng có nguồn gốc ở đâu vẫn chưa được làm rõ |
Cụ thể, theo điều tra của Pháp luật Việt Nam, trứng cá tầm nhập lậu chủ yếu được “xách tay” qua đường hàng không. Khi cá về sân bay, đối tượng buôn lậu “liên hệ” với cán bộ hải quan. Một lô hàng muốn đưa ra khỏi sân bay trót lọt, các đối tượng thường phải chung chi 30-50 triệu đồng/lô.
Siết chặt quản lý tại các cảng hàng không
Trước những thông tin này, trong văn bản gửi Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng TCHQ thừa nhận: Qua công tác nắm tình hình và rà soát các khâu nghiệp vụ của các đơn vị trong ngành, cụ thể là các đơn vị quản lý địa bàn các cảng hàng không quốc tế, cho thấy trong thời gian qua, lực lượng kiểm soát hải quan chưa phát hiện, bắt giữ vụ nào liên quan đến nhập lậu cá tầm về Việt Nam qua đường hàng không.
Theo ông Thái, lãnh đạo Tổng cục cũng như lãnh đạo các đơn vị thường xuyên quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức trong ngành nghiêm túc thực hiện quy trình nghiệp vụ hải quan, không bao che, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
“Trong thời gian tới, TCHQ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong ngành và các lực lượng chức năng quản lý địa bàn các cảng hàng không quốc tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa, hành lý của khách xuất nhập cảnh qua đường hàng không, trong đó có mặt hàng trứng cá tầm nhập lậu. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, cơ quan Hải quan sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - ông Thái cho biết.
Trước thông tin Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, TCHQ đề nghị các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm liên quan buôn lậu, gian lận thương mại thì thông tin chi tiết, chính xác về TCHQ qua đường dây nóng: 04.39440404 hoặc 0913211414. Sau khi nhận được thông tin, TCHQ sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm.
Bộ NN&PTNT cần thanh tra toàn diện
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam gần đây, ông Trần Văn Hào, Trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản, Sở NN&PTNT Lâm Đồng xác nhận: Công ty Cổ phần Cá tầm Việt Nam có thể “tự cung ứng” cho thị trường khoảng 500 ngàn con cá tầm giống.
Còn theo xác nhận của Chi cục Thú y Lâm Đồng, năm 2013, Công ty này chỉ khai báo nhập 1 đợt với số lượng 25.000 trứng đã thụ tinh. Sau khi đưa về trại gần 20 ngày thì chết hết, chỉ còn lại 5.200 con, trong khi DN xuất ra khỏi trại cá với số lượng gấp tới 12 lần, được nói là 36.400 con trong năm 2013 và 1.000 con trong năm 2014.
Trước câu hỏi của phóng viên: 3 năm lại đây, cơ quan Hải quan đã cho đơn vị nào ở Lâm Đồng và khu vực phía Nam làm thủ tục thông quan nhập trứng cá Tầm đã thụ tinh về làm giống, TCHQ khẳng định: “TCHQ đã tra cứu trong cơ sở dữ liệu điện tử tại TCHQ (theo mã HS 0511) Việt Nam từ năm 2011 đến tháng 7/2014 không có thông tin nhập khẩu mặt hàng trứng cá tầm đã thụ tinh về làm giống.”
Như vậy, con số gần 500 ngàn con cá tầm giống được giao dịch tràn lan ở khu vực phía Nam mà Sở NN&PTNT Lâm Đồng đưa ra có nguồn gốc ở đâu, phải chăng là cá lậu “đội lốt” cá tự sinh sản cung ứng tràn lan cho các trại cá ở khu vực này?
Rõ ràng, việc buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho đường dây buôn lậu giống cá ngoại lai đang thực sự đe dọa ngành thủy sản nước lạnh còn non trẻ của Việt Nam. Đã đến lúc Bộ NN&PTNT cần vào cuộc thanh tra toàn diện.
“Thời gian tới, TCHQ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong Ngành và các lực lượng chức năng quản lý địa bàn các cảng hàng không quốc tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa, hành lý của khách xuất nhập cảnh qua đường hàng không, trong đó có mặt hàng trứng cá tầm nhập lậu. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, cơ quan Hải quan sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. (Công văn TCHQ gửi Báo Pháp luật Việt Nam).