Áp lực bảo đảm an ninh nguồn nước
Theo Báo cáo tài nguyên nước quốc gia, tổng lượng nước trên phạm vi toàn quốc trung bình nhiều năm khoảng 935,9 tỷ m3/năm, trong đó: nguồn nước mặt khoảng 844,4 tỷ m3/năm; nguồn nước dưới đất khoảng 91,5 tỷ m3/năm. Với hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động trên 70 tỷ m3, tài nguyên nước Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình của thế giới.
Dù chưa phải là quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, tuy nhiên trong những năm gần đây tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Áp lực phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước gia tăng làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước.
Đồng thời, biến đổi khí hậu làm thay đổi mô hình mưa, thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khó dự đoán. Điều này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm ở nước ta.
Ngoài ra, các thách thức khác như nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian, ý thức, trách nhiệm nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao… đang cho thấy những bất ổn về an ninh nguồn nước đối với sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới
Trước thực trạng trên, Đảng và Chính phủ đã ra các chỉ đạo nhằm khẩn trương có giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước, đặc biệt là Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội thông qua tháng 11/2023 đã tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giải quyết được những vấn đề về tài nguyên nước hiện nay và nhìn được xa hơn trong thời gian tới nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế, môi trường. Đáng chú ý, trong đó có nhiều nội dung về công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới.
Hướng tới mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, nhiều dự án đã được xây dựng phù hợp với định hướng và tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam trong phát triển tài nguyên nước bền vững. Đơn cử, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động hợp tác xuyên biên giới, dự án “Tăng cường an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông Mã và sông Nuen - Cả và các vùng ven biển liên quan tại Việt Nam và Lào” đã được khởi động.
Tại Hội thảo khởi động dự án vào tháng 3/2024, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT Việt Nam và Tiến sĩ Inthavy Akkharath, Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ TN&MT CHDCND Lào cùng chia sẻ quan điểm “Dự án này phù hợp với các ưu tiên quốc gia và đáp ứng yêu cầu của luật mới về quản lý nguồn tài nguyên nước. Chính phủ hai nước ủng hộ mạnh mẽ dự án này và sẽ hợp tác chặt chẽ với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và các đối tác tại Việt Nam và CHDCND Lào để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và cải thiện việc quản lý tài nguyên thiên nhiên tại hai lưu vực sông”.
Được biết, đây là dự án song phương đầu tiên giữa CHDCND Lào và Việt Nam tập trung vào các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã và sông Neun - Cả, với tính chất là hai lưu vực sông liền kề có quy mô và nhiều đặc điểm tương đồng, có các thách thức chung trong quản lý tài nguyên nước và môi trường. Mục tiêu của dự án là giúp Việt Nam và CHDCND Lào giải quyết vấn đề quản lý tài nguyên nước ngọt và sức khỏe hệ sinh thái ở các lưu vực sông xuyên biên giới sông Mã và sông Neun - Cả và các vùng ven biển bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động hợp tác xuyên biên giới.
Dự án được triển khai với 5 kết quả dự kiến gồm đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về các vấn đề xuyên biên giới chính; tăng cường an ninh nguồn nước, bảo đảm bền vững môi trường và khả năng dự báo ở lưu vực và khu vực ven biển; tăng cường các hoạt động hợp tác chung; đảo ngược xu hướng thoái hóa đất ở hai lưu vực; nâng cao năng lực của các cơ quan quốc gia có liên quan và chia sẻ kinh nghiệm.
Việc thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực là một trong các giải pháp bảo vệ nguồn nước một cách toàn diện, lâu dài hướng tới sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là khi nguồn nước mặt của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh.
Dự án “Tăng cường an ninh nguồn nước và môi trường cho các lưu vực sông Mã và sông Nuen - Cả và các vùng ven biển liên quan tại Việt Nam và Lào” được tài trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) với tổng kinh phí là 8 triệu USD và sẽ được thực hiện trong thời gian 5 năm từ 2024 đến 2028. Trong dự án này, khoảng gần 3 triệu USD sẽ được dùng để thực hiện các hoạt động thí điểm ở lưu vực sông Neun - Cả và sông Mã tại 2 quốc gia. IUCN là cơ quan thực hiện chính, chịu trách nhiệm điều phối dự án và hỗ trợ kỹ thuật.